Dấu ấn vua Trần
Từ ngã tư Đông Triều – Quảng Ninh chúng tôi rẽ vào con đường bê tông bên trái chạy thẳng tắp đến tận chân núi. Giữa cảnh đất trời bao la, đập Trại Lốc hiện ra mênh mông phẳng lặng. Bóng người buông câu đang ngồi lặng im đợi tăm cá giữa cảnh sắc sơn thủy hữu tình. Vùng đất này chính là nơi an nghỉ của tám vị đế vương triều Trần. Ngay giữa đập Trại Lốc là khu lăng mộ của Trần Minh Tông và Trần Anh Tông (tức Mục Lăng và Đồng Thái Lăng).
Lăng mộ của các vị vua Trần ở đây đều mới được chính quyền xây dựng lại và bị ngập nước. Để ra viếng lăng khách phải thuê thuyền của những ngư dân gần đó. Cũng trên con đường chạy thẳng về phía chân núi cả đoàn đã có phút dừng chân bên lăng của vua Trần Hiến Tông. Người dân địa phương cho biết, trong tám vị vua Trần có lăng mộ ở An Sinh thì chỉ có vua Hiến Tông là được an nghỉ trong quần thể hoành tráng đầy đủ nhất. Khu vườn tượng quanh lăng đã khắc họa nên phần nào vẻ đẹp điêu khắc và những giá trị văn hóa đặc trưng của vương triều Trần cách đây bảy, tám thế kỷ.
Tạm biệt những lăng mộ vua Trần dưới chân núi chúng tôi lại lên đường tìm đến am Ngọa Vân, nơi sử sách ghi chép rằng chính là chỗ Phật Hoàng Trần Nhân Tông viên tịch. Đường lên am Ngọa Vân còn khá xấu, có những lúc xe của chúng tôi đã thực sự phải đầu hàng. Gửi xe bên đường xong, mọi người đi bộ thêm vài cây số mới thấy thấp thoáng bóng tượng Phật hiện ra trên đỉnh núi. Am Ngọa Vân bình dị với những mộ tháp rêu phong hiện ra trong tiếng mõ chiều. Không còn thời gian để quay xuống, cả nhóm quyết định ở lại trong am xin bữa cơm chay để ngày mai tiếp tục một hành trình mới.
Vẻ đẹp núi rừng
Nếu khung cảnh phía đường bên Đông Triều làm người ta như lạc vào chốn xưa thanh tịnh thì hành trình sườn núi phía Lục Nam, Sơn Động – Bắc Giang lại cho du khách những cảm giác rất khác biệt. Trên đỉnh núi Phật Sơn nơi có am Ngọa Vân, từ xa xa chúng tôi đã thấy những thảm cỏ xanh tươi và tiếng suối chảy róc rách. Khu bảo tồn thiên nhiên Tây Yên Tử chào đón chúng tôi vào đúng lúc cơn mưa rào xuất hiện. Nhưng thật lạ lùng, mưa chỉ mươi, mười lăm phút rồi ánh nắng chói lọi lại chiếm ngự bầu trời.
Mọi người lại cùng nhau đi tìm thắng cảnh suối Nước Vàng và thác Giót. Một lần nữa đoàn xe máy phải ì ạch vượt qua những con suối cạn đá lởm chởm, men theo những con đường đất đỏ lầy lội sau cơn mưa rừng. Rồi bỗng nhiên mọi người hò reo vì trước mắt đã dần hiện ra một dòng nước có màu vàng óng như mật ong. Không tin vào mắt mình, ai nấy lội xuống suối thì quả thực nước có màu vàng trong như mật ong chứ không phải bị đục do bùn đất. Men theo dòng suối vàng chảy từ đỉnh Phật Sơn xuống, chẳng mấy chốc chúng tôi đến thác Giót.
Từ trên cao vút, những tia nước ào ào đổ xuống trắng xóa làm cho cảnh vật núi rừng xanh thẳm vắng lặng được tô thêm màu và thêm cả âm thanh. Chẳng còn ngần ngại gì nữa, du khách đã tới được đây đều hòa mình vào dòng nước trong xanh, mát rượi để tự thưởng cho mình sau một hành trình vất vả nhưng nhiều điều thú vị.
Hải Dương