Miền Viễn Tây của Hoa Kỳ với hình ảnh anh cao bồi và thổ dân Mỹ luôn chiếm vị trí trung tâm trong lịch sử điện ảnh Hollywood. Đây cũng là đề tài mà tiểu thuyết gia Louis-Stéphane Ulysse dành nhiều thời gian nghiên cứu.
Không chỉ đơn giản là khung cảnh những cánh đồng cỏ bát ngát, mà từ lâu “miền Viễn Tây bao la, rộng lớn” còn là đề tài được điện ảnh ưa chuộng hàng đầu.
Trong thực tế, môn nghệ thuật thứ 7 này đã không ngừng thể hiện sử thi miền Viễn Tây (Far West).
Từ năm 1984 đến nay, ước tính có trên 15.000 bộ phim được Hollywood thực hiện lấy bối cảnh miền Viễn Tây của Mỹ với các nhân vật cao bồi (cowboy) và thổ dân Mỹ.
Một con số hết sức ấn tượng, nhưng chúng ta còn phải cộng thêm nhiều phiên bản được thực hiện tận bên châu Âu, châu Mỹ Latinh và châu Á.
Louis-Stéphane Ulysse, tiểu thuyết gia kiêm biên kịch, đã liên tiếp phát hành hai bộ sách tài liệu tuyệt vời, kèm theo 12 bộ phim chọn lọc trong đó bao gồm phim La Flèche brisée (Mũi tên gãy) của đạo diễn Delmer Daves, La prisonnière du désert (Nữ tù nhân sa mạc) của đạo diễn John Ford, Il était une fois dans l’Ouest (Thuở xa xưa ở miền Tây) của Sergio Leone, La Horde sauvage (Bè lũ hoang dã) của Sam Peckinpah, Jeremiah Johnson của Sydney Pollack…
Hai bộ sách trên là những câu chuyện về những chàng cao bồi và thổ dân miền Viễn Tây của Hoa Kỳ với nhiều hình ảnh minh họa đặc sắc, cung cấp cho độc giả nhiều ý tưởng lý thú về hiện tượng phim về miền Viễn Tây…
Sau đây là cuộc trò chuyện giữa Baudouin Eschapasse, phóng viên báo Le Point, và Louis-Stéphane Ulysse.
______
Le Point: Những thước phim về miền Viễn Tây đầu tiên ra đời vào thời điểm sơ khai của nền nghệ thuật tứ 7. Có thể nói thể loại phim miền Viễn Tây không thể tách biệt với lịch sử Hollywood. Phải chăng chủ đề này luôn sẵn sàng để dựng phim hơn hẳn các chủ đề khác?
Louis-Stéphane Ulysse: Đúng là thời điểm khai sinh ra miền Viễn Tây trùng hợp với sự ra đời của nền nghệ thuật thứ 7. Vào thời kỳ phim câm, điện ảnh đã có nhiều phim về miền Viễn Tây.
Thoạt đầu, đó là những tờ bưu thiếp mang tính tài liệu in hình những anh chàng chăn bò, lúc bấy giờ chưa có danh từ “cao bồi” cũng như từ “người da đỏ Mỹ”. Trong những tập phim đầu tiên về miền Viễn Tây, thổ dân Mỹ đã được đối xử rất đúng mực.
Vào thời đó, phim này được chiếu trong những phòng chiếu nhỏ của các khu phố, còn gọi là những “nickelodeon” vì vé vào cửa xem chỉ trị giá có 1 nickel (5 xu). Thể loại phim này tiến triển cho đến ngày nay.
______
Hai bộ sách mà ông viết về đề tài miền Viễn Tây không phải chỉ dành riêng cho đối tượng yêu phim ảnh, mà còn là một sự gợi nhớ rất riêng về thể loại này bởi một người yêu điện ảnh…?
Đây chỉ mới là sự khởi đầu. Cho dù tôi xem rất nhiều phim về thể loại này, tôi đã xem trên 200 phim để chuẩn bị cho hai bộ sách, tôi vẫn chưa phải là một sử gia điện ảnh. Tôi không muốn là tấm bia cho mọi phê bình, chỉ trích… nếu viết sách với tư cách một sử gia điện ảnh.
______
Vậy với tư cách là tiểu thuyết gia ông kể lại bối cảnh ra đời của bộ phim về miền Viễn Tây và lý do tại sao thể loại phim này lại được hâm mộ như thế?
Vâng, tôi đã kể lịch sử những chàng trai chăn bò, chăn cừu đổ bộ đến California từ năm 1891, khi biên giới của vùng này đã được xác lập.
Tất cả những người đổ xô đến xưởng phim Hollywood với hy vọng tìm được việc làm như đóng vai phụ, đóng thay hay đóng vai nguy hiểm (cascadeur) nếu họ là những kỵ sĩ giỏi. Nhưng số người thành công trong việc len lỏi và trụ vững trong công nghệ này không nhiều!
Ngay cả Buffalo Bill, người đã cùng đoàn xiếc của mình chinh phục thế giới với trên 70 triệu lượt khán giả xem, cũng bị gãy nhiều cái răng và tất nhiên là chẳng bao giờ trở thành ngôi sao điện ảnh.
______
Tại sao?
Bởi vì các xưởng phim khẳng định rất nhanh xu hướng ca ngợi sử thi của những cánh đồng bao la rộng lớn. Giới sản xuất phim đã không quan tâm nhiều đến tính xác thực của sự việc, tính chính xác, hiện thực của tình huống.
Họ chú trọng đến kịch bản hấp dẫn và dàn cảnh lộng lẫy. Họ đã sáng tạo ra thể loại phim mới. Dù phải phát minh ra các nguyên mẫu biếm họa, trong đó thổ dân Mỹ là nhân vật khủng khiếp nhất.
- Xem thêm: Một ngày làm cao bồi ở Wyoming
Thực ra, những người đàn ông và phụ nữ này đã xuất hiện từ năm 1914 như những người hoang dại tàn bạo, giống thú vật hơn là con người, ngoại trừ một ngoại lệ: đó là phim Derniers des Mohicans (Những thổ dân Mohican cuối cùng).
Khi chuyển thể tiểu thuyết cùng tên của tác giả James Fenimore Cooper năm 1920 thành phim, hai đạo diễn Clarence Brown và Maurice Tourneur đã tôn trọng nhân vật thổ dân.
______
Làm thế nào để có thể giải thích sự thành công rực rỡ và ngay lập tức của thể loại phim miền Viễn Tây?
Theo tôi, lý do thành công là rất đơn giản: những phim này phản ánh vùng biên giới. Khi tất cả các vùng đất phía tây được người da trắng chinh phục vào thập niên cuối cùng của thế kỷ 19, nền văn học đã lan truyền đến đó, nhưng không thể lột tả hết vẻ đẹp của vùng đất rộng lớn này.
Nhưng phim ảnh có thể làm được điều này. Các thị dân, có cha mẹ là những người tiên phong và có tuổi thơ được ru ngủ bởi những câu chuyện kể đậm nét sử thi gia đình, tìm thấy trên màn ảnh những hình ảnh gợi nhớ vùng trời mà đối với họ chỉ còn là quá khứ. Rạp chiếu phim cho phép họ xem lại lịch sử bằng hình ảnh ít nhiều tô điểm thêm son phấn.
______
Phim nói có thể đã giết chết thể loại phim cao bồi. Bù lại, nó đã mở cửa cho việc xuất cảng phim đến với phần còn lại của thế giới. Ông giải thích hiện tượng này như thế nào?
Việc chuyển tiếp từ phim câm sang phim nói là một bước tiến tinh tế về công nghệ. Micrô được đặt trong những chiếc hộp nhỏ gắn vào thân ngựa.
Đây chính là lý do tại sao trong một khoảng thời gian, những anh chàng cao bồi luôn miệng ca hát. Lợi ích của âm nhạc trong phim là át đi tiếng ồn của âm thanh nền.
Thể loại phim này chiếm lĩnh châu Âu vào thập niên 1930 chủ yếu là nhờ những đạo diễn lớn như John Ford, Raoul Walsh hay Howard Hawks.
Nhưng cũng có thể là nhờ những chủ đề thể hiện trong phim có nhiều điểm tương đồng với bi kịch Hy Lạp. Nếu suy nghĩ sâu xa hơn, đối với Hollywood, thể loại phim này là bi kịch cổ diễn trên sân khấu.
Giành ưu thế trong cuộc đấu, một chàng cao bồi luôn được số mệnh ưu đãi. Nhưng tai ương cũng luôn treo lơ lửng trên đầu các nhân vật. Đó là diễn biến phổ quát trong phim.
______
Trong thời Chiến tranh lạnh, người Nga cũng làm phim miền Viễn Tây. Ông có nhận xét gì về các sản phẩm điện ảnh gây tò mò này?
Tôi muốn đề cập đến câu chuyện đáng kinh ngạc sau. Liên Xô gọi thể loại phim này bằng cái tên Phục sinh (Ostern).
Được quay ở Nam Tư, những phim miền Viễn Tây của Liên Xô được xem như diễn ra ở Mỹ trong cuộc chinh phục miền Viễn Tây.
Đây là những bộ phim mang tính tuyên truyền. Những chàng trai cao bồi bị đồng hóa với những nhà tư bản bẩn thỉu.
Thổ dân là những người vô sản dũng cảm được các diễn viên Mông Cổ, Serbia hay Bungari thể hiện. Phim biểu lộ sự đoàn kết giữa các dân tộc.
Những phim ít được biết đến này, trong đó có phim Armé et très dangeureux (Vũ trang và rất nguy hiểm) của đạo diễn Vladimir Vajnshtock, có ảnh hưởng đáng ngạc nhiên: những kỹ thuật viên Đức thực hiện phần trang trí, bối cảnh ở Nam Tư, khi trở về Đức, đã có ý định làm phim miền Viễn Tây.
Loạt phim Đức Winnetou, tên một anh hùng Mỹ trong tiểu thuyết của tác giả Đức Karl May, kể lại câu chuyện về anh thổ dân miền Viễn Tây Mỹ do diễn viên hài của Pháp, Pierre Brice, thể hiện.
______
Người ta thường nói rằng miền Viễn Tây đã chết. Ông nghĩ gì về sự khẳng định này?
Không thể phủ nhận rằng số lượng phim về miền Viễn Tây giảm đáng kể. Tuy nhiên, mỗi năm phim thuộc thể loại này đều đặn xuất xưởng.
Cụ thể: phim sắp ra mắt của đạo diễn Jacques Audiard là bộ phim cao bồi và thổ dân Mỹ Les Frères Sisters với các diễn viên Joaquin Phoenix, Jake Gyllenhann, John C. Reilly, được dự báo sẽ có mặt ở Liên hoan phim Cannes.
Theo quan điểm của tôi, từ bây giờ về sau, thể loại phim này sẽ xâm nhập vào các phim hành động và ở tất cả các lục địa! Các nhà làm phim châu Á đã ứng dụng các quy tắc của phim về miền Viễn Tây vào nhiều phim hình sự…
______
Khi nào thì bộ phim về miền Viễn Tây đầu tiên, do người thổ dân Mỹ thực hiện, ra đời?
Câu hỏi này thường được đặt ra. Hiện nay, các bộ phim do người Mỹ bản địa thực hiện hầu hết là phim tài liệu. Chúng ta hãy chờ xem, một ngày nào đó, có chăng một nhà làm phim bản địa tạo ra một bước nhảy vọt.