Trên một blog có bức ảnh rất bình thường, chẳng có gì nổi trội về nghệ thuật, nhưng lại tạo được sự đồng cảm của nhiều người.
Đó là cảnh một góc lễ hội hoa Hà Nội, cụ ông chụp hình cho cụ bà đang làm dáng bên những cánh hoa. Lời ghi kèm của tác giả bức ảnh là: “Bà bước lên tí nữa, qua trái một tí, ít thôi. Được rồi đấy! Tay bà đặt nhẹ lên cành hoa, đầu hơi nghiêng, đừng nghiêng quá! Rồi, rồi. Bà cười nhé, tươi lên nào! Thế nhé, đẹp lắm bà ạ, tôi chụp nhé!”.
Có thể câu nói của cụ ông với cụ bà chỉ là tưởng tượng của tác giả bức hình, cũng có thể là người chụp nghe thấy thế nhưng ở đó đích thực là tình yêu thương của đôi vợ chồng đã có diễm phúc được sống với nhau đến “răng long, đầu bạc”, là nét đẹp của lòng bao dung, vị tha, hy sinh và cả chịu đựng nhau nữa mới để có được ngày hôm nay!
Lời bình của một bạn trẻ khiến nhiều người giật mình: “Bố mình chưa bao giờ chụp hình cho mẹ mình cả!”.
Có bạn còn viết: “Gia đình mình chưa có tấm ảnh nào chụp chung đầy đủ”.
Những điều được viết ra như thế rất thật lòng, khiến nhiều người phải nhìn lại không chỉ cuộc hôn nhân của mình mà còn là cách cư xử trong gia đình với nhau trong suốt đoạn đường rất dài lắm cam go, để rồi nhận ra giá trị của bức ảnh: nói lên được ý nghĩa hoàn hảo của cụm từ tưởng như sáo rỗng: “Trăm năm hạnh phúc”.
Từ đó, nhiều người phải hỏi: Tại sao tỷ lệ ly hôn hiện nay tăng vọt?
Theo Wikipedia, tỷ lệ ly hôn ở Việt Nam năm 2002 chỉ 4,8%, nhưng đến năm 2009, theo kết quả điều tra về thực trạng gia đình Việt Nam do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện thì chỉ tính riêng TP. Hồ Chí minh, tỷ lệ ly hôn của các cặp vợ chồng là 31,4%.
Người ta dự báo xu hướng ly hôn trong giới trẻ ngày càng tăng. Có một điều đáng tiếc là nhiều bạn trẻ tìm đến giải pháp ly hôn khi nguyên nhân chưa đến mức nghiêm trọng như vậy.
Mới thấy, để có được tấm hình trên không hề đơn giản chút nào, khi mà giờ đây, công nghệ kỹ thuật giúp con người chỉ cần chụp rồi đưa lên máy tính hay tivi là xong.
Trên trang hỏi đáp của Yahoo có câu hỏi: Tại sao tỷ lệ ly dị hiện nay cao đến 50%? Nhiều bạn trẻ cho rằng, khi đã thuơng nhau thì “củ ấu cũng tròn”, sai lầm cỡ nào cũng bỏ qua, nhưng khi hết yêu rồi thì dù lỗi lầm nhỏ cũng trở nên “to vật vã”!
Cũng cần thấy rằng môi trường sống hiện tại làm cho người ta dễ bị sa ngã, bị cám dỗ. Thêm nữa, sự đua đòi làm cho con người quên mất mình là ai.
Có bạn còn cho rằng, vợ chồng trẻ ngày nay khi lấy nhau rồi không chịu học hỏi cách để giữ hạnh phúc gia đình, chỉ biết lao đầu vào kiếm tiền và cho rằng lấy nhau rồi thì không cần lãng mạn như lúc đang yêu.
Ngoài ra, không thể không nói đến yếu tố hòa hợp tình dục trong hôn nhân. Còn nhiều nguyên nhân khác, nhưng tựu trung lại, quan trọng nhất vẫn là người không còn yêu nhau nữa.
Tại sao không còn yêu nhau khi mà trước đây nhiều cặp thề nguyền sống trọn đời với nhau? Tiếc là không có một mẫu số chung cho hôn nhân.
Khi con người ngày càng tự tin hơn, ngày thì dường như ngắn lại, chỉ xuất hiện một bất đồng nhỏ là một trong hai người cảm thấy mình bị mất tự do và bị xúc phạm.
Khi sự thật bị phô bày đến mức trần trụi thì tiếc thay, không phải ai cũng biết nhận lỗi của mình. Nói chung, các bạn trẻ đều hiểu, đều biết được nguyên nhân tan vỡ hạnh phúc, nhưng khắc phục được nó lại là điều không dễ với nhiều người.
“Một câu nhịn, chín câu lành” là câu mà người xưa dặn dò không bao giờ lỗi thời, nhất là trong hôn nhân. Nhiều cặp vợ chồng sống với nhau đến già đã đúc kết được kinh nghiệm “xương máu” này. Hôn nhân bền vững cơ bản là nhờ ở sự chịu đựng của hai người trong cuộc. Tại sao phải chịu đựng thì câu trả lời là vì tình yêu, con cái, vì…
Trong cuộc hành trình mấy chục năm của một cặp vợ chồng, thác ghềnh, sóng to, gió lớn, bể dâu, vui cũng nhiều mà đau khổ cũng không ít.
Những cặp vợ chồng thông minh nghĩ: Thôi thì chín bỏ làm mười, cố gắng chịu đựng cùng nắm tay nhau mà tiến tới! Mong sao có nhiều nhiều nữa những cặp vợ chồng thông minh!