Sau mỗi giải đấu, các golfer là doanh nhân tung tăng di chuyển bằng xe hơi riêng, máy bay về nhà thì các golfer xuất thân từ caddy phải di chuyển bằng… xe nhờ hoặc đón xe khách.
Từ “cố vấn” cho khách chơi golf
Khi chơi golf ở những quốc gia châu Âu hay Mỹ, dù đến sân golf công cộng bình dân hay sân dành cho hội viên cao cấp thì cũng không thể tìm được một người kéo gậy (caddy) vì người ta không chủ trương đưa caddy vào đội ngũ nhân viên phục vụ khách.
Nguyên nhân chính là do chi phí đào tạo và lương trả cho caddy khá cao, hơn nữa, caddy không phải là nghề được người phương Tây chuộng vì khá vất vả.
Golfer đành tạm hài lòng với phương thức tự phục vụ bằng xe kéo (trolley) hay sang hơn thì thuê xe điện để di chuyển trên sân.
Ngược lại, trên sân của những nước đang phát triển, nhất là khu vực châu Á, các caddy luôn sẵn sàng phục vụ khách bất kể nắng mưa.
Một caddy thực thụ ngoài yêu cầu về sức khỏe và ngoại ngữ còn phải thành thạo về nghiệp vụ như Luật Golf để kịp can thiệp khi xảy ra tình huống gây tranh cãi trên sân, phải thuộc lòng địa hình lỗ golf, cập nhật những thay đổi về tình trạng sân bãi để báo cho khách biết.
Golfer có chơi giỏi mấy đi chăng nữa vẫn phải nhờ vào sự am hiểu về địa hình của caddy khi đọc line hay thông tin về khoảng cách.
- Xem thêm: Cuối tuần, cùng sếp ra sân golf
Một caddy giỏi nghiệp vụ và làm việc năng nổ có thể tạo giúp golfer có điểm số hài lòng sau vòng golf, còn caddy thiếu kinh nghiệm mà còn làm việc lơ là sẽ trở thành thảm họa cho golfer.
Công việc thường ngày của caddy là mang dụng cụ theo chân các golfer trong những buổi chơi, tìm nhặt bóng và giám sát cách tính điểm của các tay golf.
Hành lý của họ bao gồm túi gậy golf, nước uống, ô che nắng, khăn mặt, khăn lau gậy golf và cát để lấp những vết lõm trên các thảm cỏ sau mỗi cú đánh.
Công việc không phức tạp, nhưng để theo chân và chờ đợi các tay golf trong một tour golf (18 lỗ golf tương đương với quãng đường dài chục cây số) thường kéo dài từ bốn đến năm giờ lại là một việc không hề đơn giản.
Trên sân, nhiệm vụ của caddy là phục vụ các golfer từ rút gậy, tìm banh, cầm dù che nắng, đưa khăn lau mồ hôi theo yêu cầu.
Ngoài việc phục vụ khách, caddy còn là một nhân viên bảo trì sân sau mỗi cú đánh của golfer nếu cỏ bị bóc khỏi mặt sân hay đào sâu trong hố cát.
Chị H. – một caddy ở sân Vietnam Golf & Country Club chia sẻ: “Điều caddy ngán nhất là phải kéo thêm nước uống, đồ ăn cho khách vì trọng lượng túi gậy lúc đó tăng lên rất nhiều. Sân golf được thiết kế có chỗ nhô lên, thụt xuống theo dạng đồi núi, thung lũng nên công việc kéo gậy phục vụ khách của các caddy càng cực nhọc”.
Nhớ lại những ngày mới vào nghề, chị kể: “Chuyện caddy mới vào nghề chưa quen bị say nắng, ngất xỉu, phải điều caddy khác thay thế xảy ra như cơm bữa”.
Làm caddy, ngoài việc kiếm thêm thu nhập còn có cơ hội để trau dồi vốn ngoại ngữ vì khách đánh golf đa phần là người nước ngoài. Tuy nghề nặng nhọc, lương thấp nhưng nhiều caddy có thu nhập cao là nhờ chịu khó, được khách “boa” thêm.
Trở thành golfer bình dân
Trên sân golf có một bộ phận nhỏ giới bình dân đam mê golf và bị golf cuốn hút và đó cũng chính là các caddy. Họ có cơ hội chơi golf khi được các chủ sân tạo điều kiện và muốn họ đại diện sân đi thi các giải vô địch quốc gia khi thấy có năng khiếu.
Nhiều lần tham dự giải vô địch golf quốc gia diễn ra trên sân golf Montgomerie Links ở Đà Lạt, người viết rất dễ nhận ra các golfer xuất thân từ caddy hoặc đang làm một công việc liên quan đến golf ở các sân golf khi trông qua cách họ cư xử với những người đã và đang là đồng nghiệp của họ.
Họ tự chọn gậy thi đấu, tự cầm dù che nắng, mời nhau uống nước, trao đổi tự nhiên với những caddy được ban tổ chức phân công phục vụ cho họ.
Một nữ golfer xuất thân từ caddy tâm sự: “Thật ra mang danh golfer nhưng chúng tôi thấy mình chẳng khác với mọi người, bởi sau giải, tôi vẫn lại làm công việc caddy. Tôi vẫn phải làm công việc của mình hằng ngày là phục vụ việc mang vác gậy cho các golfer thứ thiệt”.
Với các golfer “bình dân”, họ vẫn có túi đồ nghề thi đấu đủ 14 gậy, nhưng đa số đều có giá khá rẻ, hoặc được các golfer nhà giàu tặng lại khi nâng cấp bộ gậy mới.
Nếu được biết đến như một golfer có tên trong thành phần đội tuyển quốc gia thì giá trị của họ trong công việc cũng được lên một bậc vì hầu hết các golfer “đại gia” đều mong muốn có một caddy giỏi chuyên môn và hiểu rõ sân đấu để hướng dẫn họ chơi, mà được một tuyển thủ quốc gia hướng dẫn tập luyện thì còn gì bằng!
Một golfer đang làm điều hành tại sân golf Vietnam Golf Country Club chia sẻ: “Golf đang đem lại cho dân caddy rất nhiều, chứ không lấy đi tiền bạc như ở những người chơi đơn thuần để giải trí. Họ có thu nhập ổn định, môi trường làm việc chuyên nghiệp, được chăm lo sức khỏe và còn nâng cao được cả trình độ ngoại ngữ”.
Cựu vô địch quốc gia Nguyễn Văn Thống cũng xuất thân từ một caddy. Hiện anh đang làm việc tại phòng điều hành golf sân golf Vietnam Golf & Country Club.
Anh Huỳnh Văn Sơn từng hai lần vô địch quốc gia đã chọn con đường trở thành golfer chuyên nghiệp nhưng lỡ vận, đã ấp ủ giấc mơ thành lập trường dạy golf nhưng đến giờ vẫn chưa thực hiện được.
Đa số golfer xuất thân từ caddy trưởng thành lên rất nhiều cũng qua môi trường sân golf. Những golfer xuất thân từ caddy như Nguyễn Văn Thống, Huỳnh Văn Sơn, Trịnh Văn Thọ, Trần Trọng Thiện, Nguyễn Thị Ngọc Dung… giờ đã là tấm gương sáng của các caddy mới vào nghề.
Trong chuyến xe khách từ Phan Thiết về TP. Hồ Chí Minh, không ít hành khách ngạc nhiên khi thấy một tay golf với túi đồ nghề lỉnh kỉnh lên xe.
Một người khách vô tình hỏi: “Tôi nghe nói chơi golf tốn kém lắm mà. Người chơi phải giàu, phải có xe hơi riêng đi cho tiện chứ?”. Không đáp lại, chỉ cười nhẹ, anh golfer lảng tránh câu trả lời.
Một golfer xuất thân từ caddy tâm sự: “Lên sân golf, chúng tôi cũng cầm gậy vụt bóng như ai, cũng hòa vào cảm xúc thắng trận như ai, nhưng vẫn không thể nào trở thành một golfer thứ thiệt được bởi hằng ngày vẫn phải cắm đầu làm việc vì cuộc sống”.
Sân golf vẫn rất đẹp bởi một màu xanh của cây cỏ, ao hồ, đồi dốc, nhưng lẫn trong đó có không ít con người ngày đêm thầm lặng phục vụ để mưu sinh, thỏa thích đam mê và theo đuổi những giấc mơ cùng với môn thể thao này.