Sắc vàng đại diện cho Mặt trời, là suối nguồn của cuộc sống. Sắc bạc đại diện cho Mặt trăng, là nguồn nguyên liệu đúc tạo nên cốt lõi của những bước tượng thần.
Đá Turquoise và đá Malachite tượng trưng cho nguồn nước sự sống do dòng sông Nil mang lại, còn những viên bảo thạch màu đen rất được người Ai Cập cổ đại yêu thích…
Ai đã từng nghe qua bản opera Aida được viết bởi nhạc sĩ người Ý Giuseppe Verdi, miêu tả một câu chuyện tình bi ai dưới thời của những pharaoh thì nhất định sẽ khó có thể quên cảnh cuối cùng đầy cảm động khi hai người yêu nhau cùng giã từ trần thế.
Nguồn cảm hứng để viết nên cảnh này đến với tác giả năm 1871, khi ông đến thủ đô Cairo của Ai Cập chúc mừng sự kiện thông tàu của kênh đào Suez. Thời đó, có khá nhiều di tích cổ mộ của các pharaoh được khai quật.
Một lần, lúc bức tượng của hoàng tử Rahotep (con trai của pharaoh Sneferu) và công chúa Nofret được đưa lên khỏi nhiều lớp đất cát, mọi người đều sững sờ trước những bức tượng khắc như người thật, nằm sát kề nhau và đều khoác một bộ trang sức truyền thống của Ai Cập cổ.
Mối quan hệ của họ khiến người ta đưa ra nhiều suy đoán và chính điều này đã đem lại nguồn cảm hứng nghệ thuật cho Giuseppe Verdi.
Hơn nữa, những món trang sức của Rahotep và Nofret càng khiến người đời kinh ngạc trước tài nghệ tuyệt diệu của tổ tiên họ từ hàng trăm ngàn năm trước.
Nền văn minh vĩ đại của Ai Cập từ năm 7000 đến năm 3100 trước Công nguyên đã bắt đầu được xây dựng vào thời kỳ của các pharaoh.
Trong nền lịch sử trang sức của nhân loại thời kỳ đầu, có lẽ chỉ có nền văn minh Sumer nằm ở vùng Tây Á (giữa hai con sông Dijla và al-Frat) mới đủ sức làm đối trọng với châu báu của Ai Cập.
Về mặt kỹ thuật và tạo hình, Ai Cập và Sumer đều có những bước tiến vượt trội, đồng thời có cơ hội trao đổi, học hỏi, tạo ảnh hưởng qua lại lẫn nhau.
Nghệ thuật trang sức Ai Cập cổ đại là một bộ phận quan trọng trong nền văn minh Ai Cập cổ. Nó phản ánh khá rõ trình độ vượt trội của ngành thủ công qua nét đặc trưng thẩm mỹ, hàm ý tôn giáo và nhiều giá trị văn hóa ẩn chứa bên trong của người Ai Cập cổ.
Đa phần trang sức của các pharaoh và giới quý tộc được đúc từ kim thuộc quý (chủ yếu là hợp kim giữa vàng và bạc) và bán bảo thạch vì người Ai Cập cổ đại rất giỏi về khai thác và sản xuất hoàng kim, còn bán bảo thạch là những khoáng thạch đủ loại sắc màu và vân hoa pha trộn như các loại đá Turquoise, Malachite, Feldspars, Realgar, Garnet, Chalcedony…
Thời Ai Cập cổ đại, việc đeo những món trang sức quý hoàn toàn không phải để tô điểm thêm vẻ đẹp của con người hay để khoe khoang mức độ giàu có, mà cơ bản do ảnh hưởng của tôn giáo (đeo cái gì, đeo như thế nào, đeo vào những lúc nào thì mới được thần thánh phù hộ).
Tới thế kỷ 18, toàn thế giới mới bị thuyết phục bởi nghệ thuật diệu kỳ và vĩ đại của nền văn minh Ai Cập cổ đại.
- Xem thêm: Phong cách nghệ thuật của đồ trang sức Ý
Vào năm 1922, nhà khảo cổ học người Anh Howard Carter phát hiện ra lăng mộ của pharaoh danh tiếng Tutankhamun, sau đó chiếc mặt nạ vàng được đeo trên xác ướp của Tutankhamun đã gây chấn động thế giới và lập tức, nhiều thương hiệu trang sức cao cấp nổi tiếng đã chịu ảnh hưởng của phong cách thiết kế trang sức Ai Cập cổ đại.
Các nhà thiết kế sau khi nắm bắt được phong cách trang sức độc đáo của Ai Cập đã táo bạo cải biến phong cách ấy sao cho vừa giữ được nét đặc trưng cơ bản, vừa tạo ra những mẫu mã hoàn toàn mới.
Kết quả là họ đã cho ra đời những món trang sức xa hoa, quý giá, ẩn chứa bên trong những điều kỳ bí như những ngôi mộ của của các pharaoh.
Sắc màu trong trang sức của Ai Cập vô cùng đa dạng và cũng mang nhiều ý nghĩa tượng trưng rất phong phú, đặc biệt, những thiết kế đan xen trắng – đen được xem là nét đặc sắc của trang sức Ai Cập cổ đại.
Một số nhà thiết kế trang sức tài ba, có sức ảnh hưởng lớn hồi đầu thế kỷ 20 đã ra sức tung ra những món đồ trang sức trắng – đen được phối màu sắc khá hài hòa, góp phần đưa trào lưu nghệ thuật Art Deco lên một đỉnh cao mới.