Nằm trên đường thiên lý Bắc – Nam, thành phố Đồng Hới thuộc tỉnh Quảng Bình, nơi “eo” nhất trên bản đồ Việt Nam, nổi tiếng với hệ thống hang động đẹp nhất nước.
Nếu cách đây khoảng mươi năm, Đồng Hới chỉ là trạm dừng chân cho du khách nghỉ lại một đêm để sáng hôm sau đi thăm Phong Nha – Kẻ Bàng, thì nay Đồng Hới đã là một địa chỉ du lịch được nhiều người ưa thích.
Đồng Hới nằm cạnh dòng Nhật Lệ, ngoài hàng chục cây số bờ biển dài và khá thơ mộng, bãi tắm êm ả, nước trong xanh, còn có nhiều di tích lịch sử để khách tham quan.
Buổi sáng sớm, khách có thể tản bộ trên con đường dọc theo bờ sông. Thành phố yên tĩnh đến độ có thể nghe được tiếng sóng chạm nhẹ vào bờ. Bên kia sông là bán đảo Bảo Ninh xanh rợp bóng dừa.
Phóng tầm mắt về phía cửa biển, ngắm nhìn những chiếc ghe trôi chậm trên mặt sông, và mặt trời từ từ nhô lên từ phía xa.
Tại công viên trung tâm thành phố có di tích nhà thờ Tam Tòa chỉ còn lại tháp chuông, những nhánh cây khô mọc trên đỉnh tháp và bầy chim sẻ bay lượn.
Nhà thờ Tam Tòa được xây dựng vào năm 1886, tài liệu ghi lại rằng, nhà thơ Hàn Mặc Tử từng được rửa tội tại đây vào năm 1912.
Nếu tiếp tục đi về phía mặt trời, bước chân của khách sẽ dần qua vùng cửa sông, nơi giao hòa giữa hai dòng nước, khung cảnh khá đẹp và thơ mộng. Hết vùng cửa sông đến bờ biển chạy dài.
Khách sạn khu vực này dành cho khách nghỉ dưỡng, tắm biển. Hàng loạt dịch vụ vui chơi, giải trí trên biển phục vụ du khách cùng những món ăn đặc sản.
Biển Đồng Hới đẹp hoang sơ, rừng dương xù xì, trên bờ cát đầy những dây rau muống biển chạy ngang dọc với những màu hoa dại tím, vàng tạo thành những bức tranh trên cát khá đẹp mắt. Biển lặng sóng khiến cho khách tắm cả ngày không chán.
Nếu đi về phía ngược lại cũng theo đường bờ kè, khách sẽ về phía chợ Đồng Hới nằm cạnh sông, có bến cá với ghe thuyền tấp nập.
Hải sản từ đây đưa lên bờ cung cấp cho thành phố. Khách có thể bắt xe ôm với giá khá rẻ để khám phá một phía khác của Đồng Hới.
Đầu tiên là Quảng Bình Quan – một biểu tượng của thành phố. Xưa kia đây là một chốt trên đường kinh lý Bắc – Nam, một trong ba cửa ải của hệ thống lũy thầy do Đào Duy Từ hiến kế và chỉ huy xây đắp vào năm 1631.
Năm Minh Mạng thứ 6 (1825) xây lại bằng gạch đá. Năm 1961 được tu sửa lại. Ngoài ra còn một cổng thành nữa mà người dân địa phương gọi tên là Quảng Bình Quan nhỏ cũng nằm trong thành phố.
- Xem thêm: Núi Thần Đinh, cảnh đẹp Quảng Bình
Khách cũng có thể thấy được di tích thành Đồng Hới là một bộ phận nằm trong tổng thể các di tích quân sự của Đồng Hới vào thời kỳ Trịnh – Nguyễn phân tranh. Di tích này hiện nay chỉ còn một số đoạn ngắn, có hào nước xung quanh thành theo kiến trúc thành cổ.
Một nơi nữa trong thành phố mà khách khó có thể bỏ qua là Bàu Tró – nơi cung cấp nước cho thành phố Đồng Hới và vùng lân cận.
Đây là hồ tự nhiên, có quang cảnh khá đẹp, bao quanh hồ là rừng cây xanh tạo nên khung cảnh khá lãng mạn và thật tĩnh lặng, u tịch.
Hồ có trữ lượng nước gần chục triệu mét khối, là nguồn nước ngọt tự nhiên khép kín giữa lòng động cát vàng, chỉ cách biển Đồng Hới và vùng cửa sông khoảng 1 cây số.
Người dân địa phương cho rằng thiên nhiên đã ưu ái chắt lọc và ban tặng cho họ một nguồn nước quý giá mà không nơi nào có được.
Từ thời Pháp thuộc, người Pháp đã đặt máy bơm dẫn nước vào thị xã Đồng Hới. Dù mùa nắng đến đâu, hồ cũng luôn đủ nước cung cấp.
Bàu Tró còn là di tích khảo cổ học được phát hiện sớm nhất trong khu vực và văn hóa Bàu Tró được gọi chung cho nền văn hóa hậu kỳ đồ đá mới vùng ven biển từ Nghệ An đến Thừa Thiên – Huế. Người ta đã tìm thấy ở đây những cổ vật có niên đại 5.000 năm.
Nhiều người đã đến Đồng Hới và cảm nhận rằng đây là một mảnh đất quá đẹp, quá nên thơ. Trong đó còn hàm ý nghĩa nói về sự sống đã hồi sinh sau những thăng trầm của lịch sử với những cuộc chiến tranh từ thời Trịnh – Nguyễn.