Chiều nay (14-7), gia đình giáo sư Hoàng Tụy cho biết giáo sư (GS) qua đời lúc 15g30 tại Hà Nội, hưởng thọ 92 tuổi. GS Hoàng Tụy là cha đẻ của lĩnh vực tối ưu hóa toàn cục với hơn 100 công trình đăng trên tạp chí uy tín quốc tế. Cùng với GS Lê Văn Thiêm, ông cũng là một trong hai người tiên phong xây dựng ngành toán học Việt Nam…
GS Hoàng Tụy sinh năm 1927 tại làng Xuân Đài, thị xã Điện Bàn, Quảng Nam. Ông là cháu nội của cụ Hoàng Văn Bảng, đỗ Cử nhân và từng giữ chức Án sát sứ nhiều tỉnh như: Quảng Ngãi, Quảng Bình, Quảng Nam, Hà Tĩnh. Cụ Hoàng Văn Bảng chính là em ruột của Tổng đốc Hà Nội Hoàng Diệu – nhà yêu nước chống thực dân Pháp xâm lược nửa cuối thế kỷ 19.
Giỏi văn học Pháp, nhưng ngay từ thời trung học, GS Hoàng Tụy đã bộc lộ thiên hướng toán học. “Nhảy cóc” hai lớp, là thí sinh tự do, tháng 5-1946, ông đỗ kỳ thi tú tài phần một và bốn tháng sau đó, đỗ đầu tú tài toàn phần ban toán tại Huế. Ông theo học Đại học Khoa học ở Hà Nội nhưng bỏ dở. Sau đó ông được mời dạy toán tại Trường Trung học Lê Khiết ở Liên khu V.
Ông tham gia kháng chiến chống Pháp ở quê rồi dạy học ở Quảng Ngãi. Từ năm 1951, ông tự học chương trình đại học toán của Liên Xô và nghiên cứu những vấn đề tổng quát về giáo dục.
Đầu năm 1955, ông Hoàng Tụy được Bộ Giáo dục giao phụ trách chuẩn bị cải cách giáo dục phổ thông để thống nhất hệ phổ thông chín năm ở vùng tự do với hệ 12 năm ở vùng mới giải phóng thành hệ 10 năm. Sau đó, ông phụ trách tổ chức biên soạn chương trình, sách giáo khoa tất cả môn học của giáo dục phổ thông.
Năm 1956, ông giảng dạy tại khoa Toán chung của Đại học Sư phạm và Đại học Tổng hợp Hà Nội. Một năm sau, ông cùng tám cán bộ khác được cử sang Liên Xô tu nghiệp ở Đại học Tổng hợp Lomonosov và đã hoàn thành luận án tiến sĩ Toán – Lý tại đây.
- Xem thêm: Nén nhang tưởng nhớ Giáo sư Trần Văn Khê
Hiếm có nhà khoa học trong nước và nước ngoài nào ở tuổi 90 vẫn có công bố quốc tế như GS Hoàng Tụy. Cụ thể, kể từ năm 1959, khi công bố những bài báo đầu tiên về lý thuyết hàm thực trong báo cáo của Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô, đến năm 2017, GS Hoàng Tụy đã có 171 công trình xuất bản trên các tạp chí toán học hàng đầu như Mathematical Programming, JOGO, Optimization, Math. Operation Research, JOTA, SIAM J. Optim…
Trong lĩnh vực về thuật toán tối ưu, bài báo “Concave programming under linear constraints” đăng trên Soviet Math. 5 (1964), 1437-1440 được giới chuyên môn về tối ưu hóa trên thế giới coi là công trình đánh dấu sự ra đời của lý thuyết tối ưu toàn cục tất định, trong đó giáo sư đã đề xuất phương pháp cắt (lát cắt Tụy – Tuy’s cut) để giải bài toán quy hoạch lõm: tìm nghiệm cực tiểu x* của một hàm lõm f trên tập lồi đa diện D. Theo số liệu từ Mathematical Reviews thì công trình về tối ưu toàn cục của ông đã có 1071 số lần được trích dẫn và 827 số người trích dẫn.
Bên cạnh các bài báo, ông còn có ba chuyên khảo rất cơ bản về lĩnh vực tối ưu hóa do một số nhà xuất bản nổi tiếng trên thế giới như Springer, Kluwer, trong đó Global Optimization – deterministic approaches đã trở thành cuốn sách kinh điển và được tái bản nhiều lần. Theo đánh giá của nhiều nhà toán học, các công trình nghiên cứu của ông chứa đựng nhiều đóng góp khoa học mang giá trị học thuật sâu sắc, có vai trò đặt nền móng hoặc định hướng hay mở đường cho các nghiên cứu tiếp theo, đồng thời có tầm ảnh hưởng lớn trong lĩnh vực tối ưu toàn cục.
Với sự phát triển của toán học Việt Nam, GS Hoàng Tụy cũng đóng một vai trò đặc biệt. Ông đã cùng với GS Lê Văn Thiêm xây dựng nền toán học Việt Nam như ngày nay.
Trong buổi lễ kỷ niệm Viện Toán học tròn 45 tuổi vào tháng 4-2015, GS Hoàng Tụy đã phát biểu quan điểm của ông, “xây dựng Viện Toán học thành một viện đàng hoàng, làm ứng dụng thật đàng hoàng trên cơ sở chuyên môn của mình. Viện lấy hội nhập quốc tế làm thước đo trình độ, không say sưa với những nghiên cứu ngoài lề khoa học”.
Là Viện trưởng Viện Toán học giai đoạn 1980-1990, GS Hoàng Tụy đã dẫn dắt Viện phát triển, khẳng định vai trò trụ cột trong nền Toán học Việt Nam và uy tín quốc tế.
Năm 1994, Viện được Viện Hàn lâm Khoa học thế giới thứ ba công nhận là trung tâm xuất sắc của các nước đang phát triển.
Tháng 8-2017, Việt Nam và UNESCO ký thỏa thuận thành lập Trung tâm quốc tế đào tạo và nghiên cứu Toán học với Viện Toán học là cơ quan bảo trợ, hỗ trợ về chuyên môn.
Khi đã cao tuổi, GS Hoàng Tụy vẫn không ngừng nghiên cứu. Vào những năm 2000, ở tuổi thất thập, giáo sư còn xuất bản công trình nghiên cứu có vai trò đặt nền móng cho hướng phát triển mới của toán tối ưu về lý thuyết tối ưu đơn điệu.
GS Phùng Hồ Hải cho biết: “Ít người biết rằng vào tháng 11-2017, trước khi sang tuổi 90, GS Hoàng Tụy vừa có công bố mới trên tạp chí Optimization Letters của nhà xuất bản Springer”.
- Xem thêm: Tác giả võ hiệp Kim Dung qua đời
Luôn cập nhật kiến thức chuyên ngành và quan tâm đến thế hệ trẻ Viện Toán học, GS Hoàng Tụy vẫn luôn đều đặn tham gia các buổi seminar học thuật với Viện vào thứ Ba hằng tuần, mặc dù có những thời điểm tưởng chừng không thể có mặt vì lý do sức khỏe.
GS Hoàng Tụy đã được tôn vinh ở trong nước và ngoài nước, như: Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt đầu (năm 1996) về khoa học công nghệ cùng với GS Tạ Quang Bửu, GS Lê Văn Thiêm, GS Nguyễn Văn Hiệu…; Giải thưởng Phan Chu Trinh (năm 2010).
Đặc biệt, với những công trình căn bản và khai sáng cho lĩnh vực tối ưu toàn cục, GS Hoàng Tụy là người đầu tiên trên thế giới được Hiệp hội Quốc tế về Tối ưu toàn cục trao Giải thưởng cao quý mang tên nhà toán học xuất sắc người Hy Lạp Constantin Caratheodory (1873-1950), do những đóng góp tiên phong và nền tảng của ông trong lĩnh vực này…
Đóng góp cho khoa học và giáo dục của GS Hoàng Tụy:
- Là một trong những chuyên gia hàng đầu về toán tối ưu của thế giới và là người khởi xướng lĩnh vực toán tối ưu toàn cục.
- Những đóng góp to lớn cho sự nghiệp đào tạo và phát triển nguồn nhân lực khoa học trình độ cao.
- Khởi xướng và thúc đẩy ứng dụng vận trù học vào sản xuất ở VN trong những năm 60-70, thúc đẩy ứng dụng toán học và lý thuyết hệ thống vào quản lý kinh tế trong những năm 80.
- Nhiều bài viết và góp ý /kiến nghị có giá trị lý luận và thực tiễn hết sức sâu sắc về kế sách phát triển đất nước, đặc biệt trong lĩnh vực khoa học và giáo dục.
Tang lễ GS Hoàng Tụy được tổ chức vào hồi 7g30 ngày 19-7-2019 tại Nhà tang lễ Bệnh viện Trung ương quân đội 108, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội. Lễ truy điệu đưa tang vào hồi 9g.
Lễ hỏa táng cùng ngày tại Nghĩa trang công viên Thiên Đức, huyện Phù Ninh, Phú Thọ.