Những chuyến bay đường dài là “phần tất yếu trong cuộc sống” của hầu hết doanh nhân. Ngoài những thuận lợi hiển nhiên về việc rút ngắn thời gian di chuyển, các chuyến đi thâu đêm suốt sáng ấy vẫn tiềm ẩn mối nguy hiểm cho sức khỏe của hành khách, mà tai biến do hình thành cục máu đông ở phần hạ chi là một trong những mối đe dọa lớn nhất.
Thế thì, làm thế nào để phòng ngừa và chặn đứng sự đông máu trong cơ thể con người có thể dẫn đến việc đột tử?
Nguyên nhân của tai biến mạch máu
Trong một chuyến bay đường dài, việc ngồi bất động trong suốt cuộc hành trình là nguyên nhân chủ yếu sinh ra tai biến tạo thành cục máu rồi đưa đến đông máu tĩnh mạch ở phần dưới cơ thể.
Điều đáng nói là hậu quả này đôi khi không phát hiện sớm, mà triệu chứng lâm sàng của tai biến mạch máu lại thường xảy ra khoảng hai tuần lễ sau đó.
Những chuyến đi về miền nhiệt đới thì tai biến đông máu thường dễ gặp phải hơn, vì khí hậu nóng và ẩm tại chỗ ngay sau khi đáp xuống phi trường dễ gây ra tai biến tạo cục máu đông.
Các chuyến bay ban đêm cũng dễ bị tai biến nhiều hơn những chuyến bay ngày vì ban đêm cơ thể thường ít hoạt động hơn.
Điều chắc chắn là những chuyến bay đường xa, thời gian càng dài là yếu tố chính tạo nên sự đông máu, mà không ai trong chúng ta có thể lường trước được.
Biến chứng xảy ra bắt nguồn từ sự tạo thành cục máu nhỏ rồi phát triển và lan dần rộng ra do các cục máu tụ kết hợp lại.
Hiện tượng máu tụ được cho là vì thiếu cử động trong suốt cuộc hành trình và hai cẳng chân xếp lại do tư thế ngồi trên máy bay. Hai nguyên nhân này thường gặp ở các hành khách ngồi khoang Economy, do chỗ ngồi khá chật chội.
Tất nhiên, các hành khách di chuyển bằng xe buýt, tàu hỏa và xe hơi trên chặng đường dài cũng có thể gặp phải tai biến tuần hoàn nói trên. Nhưng điều khác biệt là trên máy bay, khí thông trong khoang hành khách rất khô.
Chính bầu không khí khô khan này dẫn đến tác động phụ là hút thêm nước từ các mạch máu của cơ thể hành khách trong suốt chuyến bay, và sự kiện máu cô lại chính là yếu tố khiến xuất hiện những cục máu đông nhỏ nằm ở phần hạ chi.
Ngoài ra, áp lực khí trong máy bay giảm xuống lại tạo thêm một yếu tố rút nước trong máu rồi tích lũy vào lớp mô, thêm một lý do đưa đến máu khô khiến cục máu đông dễ thành hình.
Điều đáng nói là trong chuyến bay, đa số hành khách thường có thói quen uống nhiều rượu “miễn phí”: chất cồn sẽ làm mạch máu nở rộng thêm, máu lưu hành trong cơ thể chậm hơn đã hỗ trợ cho sự đông máu càng nhanh hơn.
Do vậy mà di chuyển bằng máy bay nguy hiểm gấp đôi đi bằng xe buýt hay ôtô và di chuyển bằng xe lửa được xem là an toàn hơn cả.
Nhóm hành khách nào có nhiều nguy cơ tai biến mạch máu?
Bất luận già hay trẻ, tất cả hành khách đi trên các chuyến bay đều có thể gặp phải, tuy nhiên những hành khách cao niên và phái nữ thì có khả năng cao hơn.
Đặc biệt, nhóm hành khách nằm trong diện sau đây thường dễ bị tai biến mạch máu: béo phì, phụ nữ đang dùng thuốc ngừa thai, người có tiền sử bệnh tim, có người thân trong gia đình đã bị tai biến mạch máu, người ghiền thuốc lá…
Hành khách nào mang trong người càng nhiều yếu tố nêu trên thì dễ gặp phải tai biến hơn.
Làm thế nào để chủ động phòng tránh
Tốt nhất là nên đi lui tới trong suốt chuyến bay càng nhiều càng tốt, còn khi ngồi thì nên cử động bàn chân và cẳng chân tựa như đang lái xe hơi (đạp thắng, nhả ga…). Cũng nên tham gia chương trình tập thể dục được truyền hình trong chuyến bay (flyrobic).
Một điểm cần chú ý là đừng bỏ hành lý dưới chân để không tạo thêm sự chật chội. Quan trọng hơn cả là tránh uống nhiều rượu, ngược lại phải uống thật nhiều nước để bù lại sự mất nước. Có thể uống thêm trà, nước trái cây và nước suối.
Đối với hành khách trong nhóm dễ bị tai biến, trong trường hợp không cấm dùng thuốc có chứa Acetylsalicylsaure thì nên uống một viên Aspirin 80mg trước khi lên máy bay.
Đồng thời đặt chỗ ngồi sát lối đi hoặc cạnh chỗ thoát nạn để có thể cử động dễ dàng. Ngoài ra, nên mang thêm vớ chống sự tạo thành cục máu đông (bas de contention).