Tọa lạc trên đường Lý Văn Lâm, phường 1, TP. Cà Mau, chùa Monivongsa Bopharam đậm nét kiến trúc Phật giáo Nam tông. Được xây dựng từ năm 1964, chùa là công trình tôn giáo có giá trị về mặt thẩm mỹ ở một đô thị cực Nam Tổ quốc.
Toàn bộ vẻ ngoài của chùa Monivongsa Bopharam là một màu vàng rực với các mái vòm cao vút, ở các chân cột đều có hình tượng tiên nữ đứng đội mái vòm.
Với chánh điện cao đến 32m, chùa có không gian tu tập của các nhà sư, phía sau có các tháp cốt được chạm khắc công phu và chung quanh có rất nhiều bức tượng.
Gây ấn tượng nhất là bức tượng Phật nằm với kích thước rất lớn trong sân chùa – thể hiện sự uy nghi và bề thế của chùa.
Còn điểm thu hút nhất trong chánh điện là những bích họa được vẽ kín các bức tường, kể lại cuộc đời của Đức Phật Thích Ca từ lúc Ngài mới đản sinh cho đến khi nhập Niết bàn, cùng những câu chuyện bằng hình ảnh có tính chất răn dạy chúng sinh không làm điều ác.
Du khách sau khi lễ Phật có thể tản bộ trong khuôn viên chùa có nhiều cây xanh, ao sen… ngắm nhìn khung cảnh tĩnh lặng và chơi đùa với đàn chim bồ câu hàng trăm con rất dạn dĩ với khách, thoải mái cho chúng ăn.
Hằng năm, vào những dịp lễ hội của người Khmer như Chol Chnam Thmay, Sel Đol Ta, Ok Om Bok… người dân địa phương đến chùa cúng kiếng, tổ chức vui chơi, thu hút đông đảo đồng bào ở tỉnh Cà Mau cùng tham dự.
Những dịp lễ hội như thế thường kéo dài nhiều ngày và diễn ra suốt đêm với các sinh hoạt sống động như đá cầu, ném tạ, nhảy lưới, giấu khăn, bịt mắt bắt dê, đánh đáo, kéo co, thả đèn trời…
- Xem thêm: Về Hà Nam ghé thăm chùa Long Đọi Sơn
Các dịp lễ hội cũng là lúc có nhiều đêm biểu diễn văn nghệ truyền thống của người Khmer như sân khấu truyền thống Dù kê, Rô-băm, biểu diễn các điệu múa dân gian. Ngôi chùa trở thành một trung tâm sinh hoạt cộng đồng.
Du khách đến chùa vào các dịp lễ hội có dịp thưởng thức và tham dự không chỉ các sinh hoạt văn nghệ truyền thống của người Khmer bản địa mà còn được trải nghiệm các món ăn mà người dân mang đến cúng chùa, trong không khí tưng bừng thâu đêm suốt sáng.