Những cuốn sách viết về cuộc đời, sự nghiệp của họ là cả kho thông tin về thời đại và ẩn chứa nhiều bài học lịch sử lý thú. Trong tháng Năm này, Pyotr Đại đế: Người con vĩ đại của nước Nga và Hồi ký Mahathir Mohamad là hai tác phẩm đáng chú ý nhất trong dòng sách danh nhân.
Pyotr Đại đế: Người con vĩ đại của nước Nga trình bày cuộc đời và sự nghiệp của Pyotr I Đại đế (1672-1725), hoàng đế của Đế quốc Nga. Ông là một trong những nhân vật kiệt xuất của lịch sử thế giới và gần đây được nhân dân Nga bình chọn là người Nga được yêu mến nhất mọi thời đại. Đạt được nhiều thành tựu lớn lao trong công cuộc hiện đại hóa đất nước, Pyotr Đại đế đã đưa một nước Nga lạc hậu, đi sau Tây Âu hàng trăm năm, trong một thời gian ngắn vượt lên thành một cường quốc khiến cho những nước châu Âu còn lại phải nể vì. Lịch sử đã dành cho Pyotr Đại đế nhiều lời khen ngợi. Có lẽ lời khen ngợi trước tiên là tầm nhìn chiến lược của ông, kế đến là nhận thức rồi quyết tâm. Những tầm nhìn, nhận thức và quyết tâm ấy hầu như thiếu vắng trong khắp nước Nga thời bấy giờ. Chỉ một mình ông có tầm nhìn sâu rộng, nhận thức đúng đắn, rồi có quyết tâm sắt đá để đi đến đích. Chẳng hạn, bao triều đại trước đều không nhận ra là nước Nga bao la chỉ có một cảng biển thông ra bên ngoài thế giới trong sáu tháng mỗi năm, không có hải quân, và cả nước Nga mãn nguyện với đội thuyền đi theo dòng nước trên sông. Chỉ riêng Pyotr Đại đế nhận ra đấy là những khiếm khuyết vô cùng hệ trọng trong chiến lược xây dựng kinh tế và quân sự cho đất nước ông. Chính Pyotr Đại đế đã nhận thức được công dụng diệu kỳ của một chiếc thuyền buồm không những có thể đi xuôi mà còn có thể đi ngược lại chiều gió – điều mà loại thuyền bè Nga hồi ấy không thực hiện được. Quyết tâm xây dựng cảng biển và tạo dựng nên hải quân Nga khởi phát từ tầm nhìn và nhận thức như thế… Sách bìa cứng, dày 824 trang, giá 210.000 VNĐ.
Trong tác phẩm Hồi ký Mahathir Mohamad, với sự chính xác của một nhà giải phẫu, bác sĩ Mahathir đã đưa ra những phân tích sâu sắc về lịch sử phát triển dân tộc và vai trò của ông trong công cuộc định hình một nước Malaysia hiện đại. Phương Tây gọi nguyên Thủ tướng Malaysia Tun Dr Mahathir Mohamad là kẻ cứng đầu, phân biệt chủng tộc và ngạo mạn. Ngược lại, các nước đang phát triển lại vinh danh ông là một lãnh tụ nhìn xa trông rộng, một nhà lãnh đạo hiếm thấy, người đã đem lại cho nhân dân các nước thế giới thứ ba lý do để tự hào về dân tộc mình. Ngay cả những người chỉ trích gay gắt nhất cũng không thể chối bỏ sự thật rằng ông đã đem lại dũng khí cho những nước ít được chú ý đến nhất, chỉ cho họ con đường đến tương lai tương sáng hơn. Trong sự nghiệp chính trị của ông không phải là không có những tranh cãi. Trong 22 năm lãnh đạo đất nước, tên tuổi ông gắn liền với hai cụm từ: Độc tài và Nhà lãnh đạo truyền cảm hứng. Rất ít nhà lãnh đạo có khả năng chuyển đổi một đất nước mà nền kinh tế chủ yếu dựa vào nông nghiệp thành một cường quốc công nghiệp – càng ít người có khả năng thành đạt được thành tựu này chỉ trong vòng hai thập niên ngắn ngủi. Sách dày 860 trang, bìa cứng, giá 269 ngàn đồng.
P.V