Có rất nhiều phương thức tiêu hủy hàng tồn kho đang diễn ra bất chấp nhiều hệ lụy. Trong bối cảnh xu hướng thời trang ngày càng bền vững, việc chấm dứt tiêu hủy là cần thiết nhưng không hề dễ dàng.
Thời trang khác với các ngành công nghiệp khác như thực phẩm, công nghệ. Hàng tồn kho của những ngành khác có thể tái chế hoặc phân hủy, thời trang thì không.
Hơn nữa, vòng xoay thời trang diễn ra ngày càng nhanh chóng khiến cho những món đồ vừa qua một mùa bỗng dưng không còn giá trị, buộc các thương hiệu phải đưa về những outlet bán đồ quá mùa và chúng sẽ bị tiêu hủy khi quá thời hạn được bán.
Nhiều năm nay việc tiêu hủy hàng tồn kho thời trang, nhất là đối với hàng xa xỉ đã nhận nhiều chỉ trích bởi tác hại đối với môi trường cũng như gây lãng phí nguồn tài nguyên.
Thực tế cho thấy dù tiêu hủy chúng bằng cách nào cũng gây ra những tác động nặng nề, tạo thêm rác thải và gây ô nhiễm không khí nếu thực hiện theo cách đốt bỏ.
Về phía các thương hiệu, thật khó để giải quyết hàng tồn theo một cách khác, nhất là đối với những món hàng có giá trị từ vài trăm cho đến vài ngàn USD bởi chính sách không giảm giá hoặc giảm rất ít, cũng như không để hàng tồn quá lâu, mà thành phẩm thì khó tái chế. Thậm chí, nếu có thể tái chế hoặc tái sử dụng, khâu phát sinh này sẽ làm tốn thêm một khoản không hề nhỏ.
Trước xu hướng bền vững và xanh hóa của thời trang trong tương lai và nhận thức của người tiêu dùng cũng đang dần thay đổi, có thể dự báo tình trạng tiêu hủy hàng tồn sẽ chấm dứt.
Hãng thời trang Burberry (Anh) đã đi tiên phong khi tuyên bố ngừng tiêu hủy hàng tồn kho vào tháng 9-2018, sau cáo buộc hãng đã “xử lý” lượng hàng có giá trị khoảng 37 triệu USD vào năm 2017. Thông báo này cũng gây hiếu kỳ, rằng không biết hãng sẽ giải quyết hàng tồn theo cách nào.
- Xem thêm: Tương lai của đồ jeans là sự bền vững
Sẽ có câu trả lời nếu như hàng loạt thương hiệu cũng (bị buộc phải) ngừng tiêu hủy hàng tồn kho. Mới đây, chính phủ Pháp vừa ra thông báo đang trong quá trình đưa dự luật cấm tiêu hủy hàng tồn với các thương hiệu trong nước.
Nói về vấn đề này, ông Brune Poirson – Bộ trưởng Bộ sinh thái Pháp khẳng định: “Họ không thể tiếp tục hành động đó nữa!”.
Chắc chắn khi bộ luật này được ban hành, các thương hiệu thời trang sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn. Thế nhưng đây là sự thay đổi cần thiết và là một phần tiến hóa của ngành thời trang thế kỷ 21. Với những thử thách như thế, thương hiệu sẽ tìm ra cách để khắc phục và tồn tại theo cách mạnh mẽ hơn.