Sự phát triển công nghệ đã tạo nhiều cơ hội ngoài mong đợi cho teen (thanh thiếu niên ở độ tuổi 13-19, còn gọi là teenager) trong thế giới mới – kỷ nguyên số.
Con người trong tương lai gần sẽ nhàn rỗi hơn bởi các công việc tay chân được giải phóng; được hỗ trợ để ra quyết định nhanh chóng hơn và chính xác hơn bởi bộ “thần chú dữ liệu”; cơ hội trở thành người làm việc tự do nhiều hơn, tài năng dễ phát lộ hơn nhờ các nền tảng số; cơ hội học hỏi rộng lớn và dễ dàng hơn thông qua các khóa học trực tuyến miễn phí hoặc với chi phí không quá đắt – từ đó chất lượng cuộc sống sẽ được cải thiện hơn rất nhiều. Nhưng thời đại số không chỉ có “hoa thơm quả ngọt”. Nhân thân trên mạng sẽ là một chủ đề quan trọng có tính quyết định cho đời sống tương lai của teen. Người lớn có thể giúp teen như thế nào?
Đừng tin vào nút “xóa”
Trong một cuộc phỏng vấn, Eric Beinhocker, Tổng giám đốc điều hành Học viện Tư duy mới về kinh tế thuộc Đại học Oxford, đã đưa ra khái niệm về sự tiến hóa của “công nghệ vật chất” (physical technology) – công cụ bằng đá, cày do ngựa kéo, hay vi mạch – với sự tiến hóa của “công nghệ xã hội” – tiền bạc, tinh thần thượng tôn pháp luật, hệ thống các quy định điều tiết.
Các công nghệ vật chất tiến hóa theo tốc độ phát triển của khoa học kỹ thuật – tiến hóa theo cấp số nhân – còn các công nghệ xã hội chỉ cải tiến theo tốc độ mà con người có thể thay đổi – chậm hơn nhiều. Trong khi những thay đổi công nghệ vật chất tạo nên nhiều điều kỳ thú mới lạ, các tiện ích chưa từng có, nền y học phát triển cao hơn… thì các thay đổi công nghệ xã hội lại thường tạo ra những căng thẳng và hỗn loạn xã hội quy mô lớn.
Các công nghệ vật chất sẽ không chậm lại – định luật Moore sẽ thắng thế – do đó chúng ta đang ở trong cuộc đua sao cho các công nghệ xã hội theo kịp được với công nghệ vật chất. Chúng ta cần phải hiểu sâu sắc hơn về cách thức vận hành của tâm lý cá nhân, từ đó tăng cường khả năng thích ứng và tốc độ tiến hóa của chúng.
Khái niệm này của Eric Beinhocker nhắc nhớ tới các trường hợp “giang hồ mạng” mới nổi gần đây tại Việt Nam như Khá Bảnh, Dương Minh Tuyền và hàng loạt những vụ bạo lực học đường được tung lên mạng xã hội dưới hình thức các clip quay cảnh đánh nhau của các em học sinh. Không chỉ giới hạn trong giới teen, hiện tượng “hỗn loạn” thông tin xấu, nhiễu cũng quấy rầy thế giới của các bậc bố mẹ và cả ông bà. Với hơn 45 triệu người dùng Facebook tại Việt Nam tính đến năm 2017, câu hỏi về sự an toàn thông tin, bảo toàn sự lành mạnh cho con trẻ trên mạng chưa bao giờ trở nên cấp thiết và đau đáu như vậy.
Giờ đây, teen đóng cả hai vai trò trong hệ thống lan truyền thông tin trên mạng. Một mặt, teen đóng vai trò người dùng – người tiêu thụ thông tin, mặt khác teen lại đóng vai trò người sản xuất thông tin. Không có gì chắc chắn là con cái chúng ta một ngày kia sẽ không trở thành “Khá Bảnh”, hay không xem các clip về Khá Bảnh. Những gì mà một đứa trẻ chưa kịp trưởng thành ngày hôm nay phát tán trên internet sẽ đem lại những hậu quả gì cho trẻ mai sau?
Trong cuốn sách The New Digital Age (bản tiếng Việt là Sống sao trong thời đại số – NXB Trẻ), tác giả Eric Schmidt cho rằng: Dấu vết thông tin của chúng ta để lại trên internet sẽ quyết định nhân thân trên mạng của chúng ta trong tương lai và dấu vết này bắt đầu trước khi chúng ta có đủ năng lực đánh giá để hiểu được tầm quan trọng của nó. Mức độ bị kiểm tra, đánh giá mà những người trẻ tuổi sẽ phải đối mặt trong những thập niên tới sẽ không giống bất cứ thứ gì chúng ta đã nhìn thấy”.
Khi thế hệ trẻ kế tiếp này bước vào độ tuổi trưởng thành, với khả năng kỹ thuật số ghi lại tất cả những việc vô trách nhiệm họ đã làm trong giai đoạn thanh thiếu niên, thì người lớn sẽ phải đối mặt với những khó khăn, thách thức để hướng dẫn, bảo vệ trẻ. Bài toán về an toàn cá nhân và bí mật đời tư là trách nhiệm chung giữa các công ty, người sử dụng và các bên liên quan khác.
- Xem thêm: Khi thế hệ Z đơn độc chọn đồng hành ảo
“Các công ty như Google, Apple, Amazon và Facebook có trách nhiệm bảo vệ dữ liệu, ngăn chặn hệ thống bị xâm nhập và cung cấp những công cụ hữu hiệu nhất để người sử dụng có thể tối ưu hóa khả năng kiểm soát bí mật đời tư và an toàn cá nhân. Lựa chọn “xóa” dữ liệu nói chung chỉ là một ảo tưởng – các tập tin bị mất, các thư điện tử và tin nhắn có thể được phục hồi chẳng mấy khó khăn. Lưu trữ dữ liệu gần như vĩnh viễn có tác động lớn đối với cách cư xử của công dân trong thế giới ảo.
Sẽ có hồ sơ lưu lại tất cả các hoạt động và quan hệ của họ trên mạng, và mọi thứ được đưa lên internet sẽ trở thành một phần của một kho chứa thông tin vĩnh viễn. Dấu vết của bạn còn được lưu giữ ở những trang web mà bạn thăm viếng, những người bạn trong mạng lưới liên lạc của bạn trên mạng, những gì được bạn bấm nút “thích”, và những gì mà bạn bè trên mạng của bạn làm, nói và chia sẻ”, Eric Schmidt cho biết.
Dạy trẻ về ý thức quản lý nhân thân và trở thành người đưa tin có trách nhiệm
Khi “mỗi người là một nhà báo” trong thời đại Facebook, YouTube…, chưa bao giờ ý thức về quản lý nhân thân trên mạng và trách nhiệm đưa tin trên mạng lại trở nên quan trọng như bây giờ. Hệ thống trường học sẽ phải thay đổi để thích nghi với vai trò quan trọng mới; hội phụ huynh học sinh sẽ yêu cầu trường tổ chức các lớp học về sự riêng tư và an toàn cho con cái của họ song song với lớp dạy về giới tính. Những lớp học như thế sẽ dạy cho học sinh biết cách tối ưu hóa sự riêng tư và an toàn trên mạng, và giúp cho các em hiểu biết nhuần nhuyễn về những gì nên làm và không nên làm trong thế giới ảo.
Cần dạy cho trẻ biết rằng cách chúng ta lấy thông tin từ đâu và chúng ta tin tưởng những nguồn thông tin nào sẽ có một tác động sâu sắc đến danh tính chúng ta trong tương lai. Chuyện gì sẽ xảy đến cho thông tin trong thời đại internet đã được nhiều sách báo bàn đến. Có thể thấy rõ rằng các cơ quan truyền thông chính thống sẽ ngày càng chậm bước trong lĩnh vực tường thuật thông tin trên thế giới, bởi vì các tổ chức này không thể phản ứng đủ nhanh trong một thời đại nối mạng, cho dù các phóng viên hay cộng tác viên của họ có tài giỏi đến đâu và có được bao nhiêu nguồn cung cấp thông tin.
Thay vào đó, những tin tức nóng hổi, mới nhất trên thế giới sẽ tiếp tục xuất hiện trên Twitter, Facebook, Zalo… bởi những cá nhân có thiết bị kết nối mạng. Xét trên nhiều mặt, các tổ chức đưa tin sẽ vẫn tiếp tục là phần quan trọng không thể thiếu của xã hội, nhưng nhiều đơn vị cung cấp tin tức sẽ không thể tồn tại dưới hình thức hiện nay. Việc có rất nhiều đối tượng mới tham gia – những người được kết nối với một hệ thống truyền thông lớn thông qua các trang mạng – dẫn đến kết quả là các hãng truyền thông lớn sẽ bớt thời gian tường thuật và dành nhiều thời gian hơn để xác minh tin tức.
Điều này cần được người lớn hướng dẫn chi tiết cho trẻ: hãy cẩn thận với các nút like, nút share và các bình luận của mình, vì tốc độ của thông tin không thay thế được tính minh bạch, sự thật và những góc nhìn khác nhau từ thông tin đó. Và điều này cũng quan trọng không kém: sự hấp dẫn của quyền lực – trở thành người ảnh hưởng – bằng cách có những thông tin mới nhất, “nóng hổi” nhất, “giật gân” nhất – niềm vui tức thời của chúng ta và con cái chúng ta, có thể đang góp phần hủy hoại cuộc đời một ai đó.
Cần dạy trẻ rằng “khi con có nhiều quyền hơn, con cần có thêm sự thông thái, tri thức và lòng trắc ẩn”. Nếu không có những cái “thêm” này, kỷ nguyên số sẽ trở thành kỷ nguyên ác. Cần cho trẻ biết rằng “quyền được “thiện” là quyền của chính con”.
(Bài viết có tham khảo và trích lược cuốn sách Sống sao trong thời đại số – NXB Trẻ)