Trước năm 1967, người ta vẫn nghĩ rằng tất cả những ý nghĩa của tác phẩm văn học đều là cái có sẵn, do tác giả “cài đặt” trong đó và người đọc không có quyền hạn nào ngoài việc đi tìm kiếm, chỉ ra chúng. Vì thế, trong lịch sử văn học, các nhà văn và tác phẩm được đề cao, còn vai trò của độc giả gần như bị bỏ quên. Quan niệm này chi phối đời sống văn học trong một thời gian rất dài, từ văn học cổ đến cận đại, mãi đến khi Hans Robret Jauss và trường phái Konstanz của Đức xuất hiện mới có thay đổi mang tính đột phá.
Jauss (1921-1997) là người Đức, vốn làm giảng viên tại nhiều trường đại học khác và năm 1966 – khi Trường Đại học Konstanz tiến hành cải cách giáo dục, đã mời ông về giúp sức. Năm 1967 không những là dấu mốc quan trọng bậc nhất trong sự nghiệp của Jauss, mà còn là dấu mốc không thể nào quên đối với đời sống văn học hiện đại. Bởi lúc này, tại Trường Konstanz, trước đông đảo sinh viên và giảng viên, Jauss đã đọc diễn văn nhậm chức giáo sư và tiểu luận nhan đề Lịch sử văn học như là sự thách thức đối với khoa nghiên cứu văn học của ông như là tuyên ngôn ra đời, là định hướng hoạt động của trường phái Konstanz sau đó đã nhanh chóng gây chấn động giới văn học toàn thế giới, nhất là khi nó được dịch ra tiếng Anh năm 1970.
Bài viết của Jauss đã thổi một luồng sinh khí mới cho đời sống phê bình nghiên cứu văn học Đức nói riêng và thế giới nói chung đang lâm vào cảnh khủng hoảng vì những quan niệm và phương pháp cũ kỹ chưa tìm ra lối thoát. Ông phê phán cách hiểu và viết lịch sử văn học cũ chỉ chú ý vào tác giả tác phẩm hay thời đại, đồng thời chỉ ra vai trò quan trọng đến mức quyết định giá trị tác phẩm và lịch sử văn học của độc giả. Theo Jauss, các cách nghiên văn học cũ và đương thời không lý giải được những câu hỏi quan trọng sau: “Tại sao cùng một tác phẩm mà mỗi độc giả khác nhau, mỗi giai đoạn khác nhau, mỗi nền văn hoá khác nhau lại cho thấy những ý nghĩa, giá trị khác nhau?”.
Theo Jauss, ý nghĩa của tác phẩm không phải thứ bất biến cố định mà liên tục thay đổi theo thời gian, vậy nên nó cũng không phải là sản phẩm độc quyền của tác giả, mà thực tế là sản phẩm do độc giả tạo ra. Ở đây, văn bản tác phẩm chỉ được xem như là điều kiện “cần”, là sản phẩm thô, là tác phẩm ở dạng “tiềm năng” mà chưa phải là tác phẩm đích thực, ông cho rằng, chỉ khi được đọc, sản phẩm hay văn bản do nhà văn tạo ra kia mới trở thành tác phẩm thực thụ. Và ý nghĩa của văn bản do tác giả tạo ra chỉ là những căn cứ, cơ sở để từ đó độc giả tạo nghĩa cụ thể cho tác phẩm, “hiện thực hóa” tiềm năng của văn bản, và độc giả đến với tác phẩm không phải ở thế thụ động, mà là tích cực chủ động sáng tạo.
Như vậy, đến Jauss, quyền lực của độc giả mới được công nhận, khẳng định một cách mạnh mẽ quyết liệt. Bởi mỗi cá nhân, cộng đồng, thời đại có những vốn tri thức kiến văn khác nhau mà Jauss gọi là “tầm đón nhận” (tiếng Đức: Erwartungshorizont, tiếng Anh: Horizon of expectations), nên có những tầm đón nhận khác nhau. Trước khi tiếp xúc với một tác phẩm, bất kỳ người đọc nào cũng đã có sẵn những hiểu biết bao gồm cả định kiến nào đó và người ta sẽ dùng cái vốn ấy để cảm thụ, đánh giá tác phẩm. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến sự khác biệt trong cách hiểu, đánh giá tác phẩm của mỗi người, mỗi thời kỳ, mỗi nền văn hóa khác nhau khi tiếp nhận cùng một tác phẩm.
Và việc viết văn học sử cũ dựa vào việc liệt kê phân tích tác giả tác phẩm cần được thay thế bằng cách văn học sử mới dựa vào trải nghiệm đọc, hoạt động đọc của độc giả. Tác phẩm sở dĩ có giá trị không phải vì nó làm hài lòng người đọc bằng những cái người ta đã biết, mà vì nó đem đến cho người đọc một hiểu biết nhận thức mới khác biệt so với trước, làm thay đổi “tầm” của người đọc.
Nếu như ở thời kỳ đầu, Jauss chỉ quan tâm đến tính lịch sử của văn học, đến vai trò độc lập của độc giả, thì ở giai đoạn cuối đời, ông lại chú ý đến mối quan hệ biện chứng giữa độc giả và tác giả, tác phẩm. Lúc này Jauss chuyển từ quan điểm người đọc làm nên lịch sử văn học sang quan niệm lịch sử văn học là quá trình giao lưu, ở đây tác phẩm trở thành “sân chơi” trung gian cho độc giả giao lưu, đối thoại, tâm sự với tác giả, người xưa, thể hiện rõ tính kết nối giữa quá khứ và hiện tại.
Người thứ hai khẳng định quyền năng đặc biệt của người đọc là Wolfgang Iser (1926-2008). Ông được xem là người có vai trò quan trọng tương đương với Jauss trong trường phái Konstanz, nhưng nếu Jauss đặt trọng tâm chú ý vào mối quan hệ giữa tác phẩm và lịch sử thì Iser đặt trọng tâm chú ý vào mối quan hệ giữa tác phẩm và độc giả. Iser đưa ra câu hỏi: “Tác phẩm thu hút, hấp dẫn người đọc bằng những yếu tố nào?”, rồi “Người phản ứng như thế nào khi tiếp xúc với tác phẩm?” và các nghiên cứu của ông nhằm trả lời cho các vấn đề vừa mang tính lý luận vừa mang tính thực tiễn trên.
Từ đó, Iser thấy rằng thực ra độc giả không chỉ có quyền đón nhận tác phẩm mà còn có quyền từ chối tác phẩm nếu thấy nó không hợp với mình; ngoài quyền thưởng thức phê bình tác phẩm, độc giả còn có quyền sửa đổi tác phẩm theo ý mình, làm thay đổi diện mạo kết cấu cũ của tác phẩm vì một mục đích nào đó. Quyền chủ động, sáng tạo ấy của độc giả được trường phái Konstanz xác quyết, bởi nó là một thực tế cần được công nhận và tìm hiểu thay vì bài bác phủ nhận như người ta thường làm.
Theo lý giải của Iser, sở dĩ độc giả có nhiều cách hiểu cách giải thích khác nhau, có thể sửa đổi được văn bản tác phẩm, vì xét từ bản thân tác phẩm có tồn tại những “khoảng trống”, những “điểm bất xác định” tức những chỗ “mơ hồ” tạo nên “kết cấu mời gọi” (tiếng Đức: Die Appellstruktur der Texte, tiếng Anh: The Appeal Structure of Texts) và xét từ phía độc giả thì người đọc luôn tồn tại những tri thức, tình cảm khác nhau.
Trong giai đoạn sau của sự nghiệp, Iser quan tâm tìm hiểu mối quan hệ giữa bản chất của tác phẩm và nhu cầu của độc giả, ông đặt ra câu hỏi: “Tại sao dù biết tác phẩm văn học là sản phẩm hư cấu, mà người đọc vẫn yêu thích say mê nó?”. Và Iser đã trả lời cho chúng ta biết, rằng bởi con người luôn muốn vươn đến cái cao xa hơn thực tại, luôn muốn tự do tuyệt đối, luôn muốn vượt qua tất cả những giới hạn, luôn muốn trở thành chúa tể sáng tạo ra mọi thứ,… trong khi thực tế thì không khi nào được như vậy.
Chỉ có văn học với bản chất hư cấu và tưởng tượng mới có thể giúp con người đạt được những ước mơ ấy. Và ở phương diện khác, chính những khát vọng tưởng chừng chỉ là “viển vông” ấy đã làm nên ý nghĩa cuộc sống; kỳ lạ hơn, chính chúng lại là đầu mối của tất cả những gì có trong hiện thực của chúng ta. Nếu bảo hư cấu bắt nguồn từ hiện thực, vậy hiện thực bắt nguồn từ đâu?
Câu trả lời sẽ khiến chúng ta kinh ngạc: Hiện thực bắt nguồn từ hư cấu. Nghe có vẻ vô lý, nhưng đó lại là sự thực mà thành tựu khoa học xã hội hiện đại đã chỉ ra cho chúng ta thấy. Bởi những thứ chung quanh ta, từ nhà cửa, quần áo cho đến xe cộ, máy móc, điện thoại,… thậm chí văn hóa, rồi các định chế xã hội kia chẳng phải đều bắt đầu từ một sự hư cấu, tưởng tượng nào đó hay sao?
Lý thuyết tiếp nhận trường phái Konstanz có khoảng 30 năm lịch sử, ra đời cách nay đã nửa thế kỷ, bên cạnh thành tựu đạt được, đương nhiên nó cũng bị những phê phán chỉ trích, chẳng hạn: Cực đoan trong việc đánh giá vai trò của người đọc, phức tạp khó hiểu,… Nhưng nó vẫn được nhiều người ở nhiều quốc gia hiện nay quan tâm tìm hiểu nghiên cứu cả về lý luận và ứng dụng thực tiễn. Điều này, ngoài nguyên nhân do bản thân các nhà Konstanz không ngừng thu nhận thành tựu của các trường phái khác, điều chỉnh đổi mới mình, mà còn bởi bản thân thực tế vai trò, quyền năng của người đọc ngày nay còn rất nhiều vấn đề cần khám phá.
Trường phái Konstanz được biết đến ở Việt Nam ít nhất từ 1978, qua chuyến viếng thăm và bài tiểu luận mang tính phê phán của học giả Naomann Đông Đức tại Viện Văn học (sau đó được Huỳnh Vân dịch và đăng trên tạp chí Văn học). Đến nay, dù đã có thêm nhiều công trình giới thiệu, ứng dụng, nhưng vẫn còn rất ít ỏi và thiếu thốn so với nhu cầu lớn trong đổi mới cách nghiên cứu, cách đọc văn học hiện nay của chúng ta, cả đối với văn cổ và văn học hiện đại, cả đối với nhà chuyên môn và người đọc đại chúng.
Nếu xem xét văn học cổ điển Việt Nam theo gợi ý lý luận từ trường phái Konstanz cũng hứa hẹn nhiều phát hiện mới mẻ thú vị. Chẳng hạn chúng ta sẽ thấy và chấp nhận, giải thích được “tính tập thể” của Truyện Kiều, những cách hiểu khác nhau một cách vô tình hay cố ý của các nhóm người đọc khác nhau, sẽ thú vị trước những dấu ấn độc giả để lại trong tác phẩm này thông qua hàng nghìn chữ khác nhau giữa nhiều bản Truyện Kiều mà ta thường gọi là “nhuận sắc” hay thay chữ, sửa chữ, thêm bớt câu, chú thích hoặc bình luận bên lề sách,… bằng lý luận về vai trò người đọc của trường phái Konstanz, mà các cách nghiên cứu cũ, giải thích cũ chưa làm rõ được hoặc chưa có cơ sở lý luận thuyết phục. Hy vọng rằng, cách nghiên cứu mới, quan điểm đọc mới này sẽ giúp chúng ta đánh giá đúng hơn vai trò quan trọng của người đọc trong lịch sử văn học mà lâu nay bị quên lãng hoặc xem nhẹ.