Hằng năm, thành phố Indio của miền Nam California nước Mỹ cứ đến trung tuần tháng Tư lại náo nức chào đón những người yêu nhạc đến với Coachella Valley Music and Art Festival (hay còn gọi là Coachella Festival), một sự kiện âm nhạc lớn ra đời từ năm 1999.
Lễ hội này diễn ra trong ba ngày (từ 15 đến 17-4) và luôn thu hút được sự chú ý của các cư dân địa phương lẫn các du khách nước ngoài. Năm nay, tham gia lễ hội có sự góp mặt của gần 190 nghệ sĩ, nhóm nhạc theo tất cả các thể loại âm nhạc và được thực hiện trong bối cảnh nghệ thuật sắp đặt.
Đây là sự kiện âm nhạc ngoài trời hoành tráng, thu hút khoảng hơn 80 ngàn người đến dự mỗi ngày. Không phân biệt ca sĩ hay người bình thường, không phân biệt màu da, ngôn ngữ, tôn giáo, họ đến đây để được đắm mình vào một niềm say mê chung: âm nhạc.
Nhìn người…
Coachella Festival không phải là lễ hội âm nhạc đặc biệt duy nhất ở Mỹ. Tại đất nước hợp chủng này, hằng năm có khá nhiều hoạt động âm nhạc nổi bật, điển hình phải kể đến lễ hội Ozzfest do huyền thoại nhạc rock Ozzy Osbourne và vợ ông (bà Sharon Osbourne) mở ra từ năm 1996 với không khí rock cực mạnh hay lễ hội Treasure Island ở San Francisco diễn ra trong hai ngày trên một hòn đảo nhân tạo cùng tên trong vịnh San Francisco – địa điểm xa xôi hẻo lánh, đem lại cảm giác phiêu lưu mạo hiểm cho những người tham dự.
Điểm đặc biệt trong lễ hội này là du khách có dịp ngắm nhìn các khu hội thảo, khu nghệ thuật, nơi trưng bày hàng thủ công và cả khu sàn nhảy disco từ chiếc bánh xe đu quay Ferris Wheel ở trên độ cao hơn 190 mét. Tất nhiên, điểm chính của lễ hội vẫn là âm nhạc, cụ thể là sự kết hợp giữa dòng nhạc số và indie (là tên gọi chủ yếu ở Anh dành cho thể loại nhạc Alternative rock, xuất hiện vào những năm 1980 và được biết đến nhiều từ thập niên 1990). Còn lễ hội VIA ở thành phốPittsburghlà một sự kết hợp giữa âm nhạc với nghệ thuật thị giác…
Tại châu Âu, tiêu biểu nhất có lễ hội âm nhạc quốc tế de Benicàssim ở Tây Ban Nha. Lễ hội này được tổ chức lần đầu vào năm 1995, tại khu nghỉ mátMediterranean. Thông thường, sự kiện này sẽ diễn ra vào bốn ngày giữa tháng Bảy. Đây là một trong số ít những lễ hội trên thế giới mà khách tham dự có thể bơi lội, vui chơi, thư giãn trên bãi biển vào ban ngày và tận hưởng bầu không khí âm nhạc sôi động vào ban đêm. Liên hoan Benicassim thường có các hoạt động hấp dẫn khác như các buổi chiếu phim ngắn, biểu diễn khiêu vũ…
Lễ hội âm nhạcRoskildeở Đan Mạch cũng thuộc nhóm lễ hội âm nhạc lớn được người dân châu Âu quan tâm. Sự kiện này được tổ chức lần đầu tiên vào năm 1971, trước khi chính thức được Quỹ Roskilde bảo trợ và tổ chức. Từ đó đến nay, lễ hội thường niên này ngày càng nổi tiếng và trở thành một trong những lễ hội lớn nhất châu Âu. Hiện nay, lễ hộiRoskildeđược tổ chức như là một sự kiện phi lợi nhuận với mục đích phát triển âm nhạc và văn hóa trong khu vực. Năm nay, lễ hội này sẽ diễn ra từ ngày 29-6 đến 7-7.
Ở châu Á, nổi bật có lễ hội Summer Sonic ở Osaka và Tokyo của Nhật Bản. Mặc dù mới chỉ tồn tại được khoảng chục năm nay nhưng Summer Sonic đã nhanh chóng trở thành một trong những sự kiện âm nhạc lớn nhất ở Nhật Bản. Tại lễ hội, người ta có cơ hội được thưởng thức các thể loại nhạc như rock và pop. Lễ hội kéo dài trong hai ngày (từ 13 đến 14-8) và được tổ chức tại cảTokyolẫnOsaka. Người Nhật còn có lễ hội Fuji Rock ở tỉnh Niigata, hằng năm thu hút khoảng 200 nghệ sĩ Nhật Bản và quốc tế tham gia biểu diễn. Lễ hội Fuji Rock lần đầu tiên được tổ chức tại chân núi Phú Sĩ hồi năm 1997. Kể từ năm 1999, nó được tổ chức tại khu nghỉ mát Naeba Ski của tỉnhNiigata.
…lại nghĩ đến ta
Từ sự phong phú của những lễ hội trên thế giới có thể thấy rằng âm nhạc đã trở thành một món ăn tinh thần đặc biệt, không thể thiếu trong cuộc sống của nhân loại. Trong những ngày diễn ra lễ hội, những người yêu nhạc được thả mình vào những giai điệu trầm bổng của âm thanh, của lời ca, nhịp điệu để sống hết mình trong âm nhạc, nhờ đó có thể tạm lãng quên những lo toan, khó khăn, thách thức trong cuộc sống náo nhiệt. Chỉ xuất phát từ mục đích đơn giản nhưng lại mang một ý nghĩa to lớn như vậy, nhưng ở nước ta những lễ hội âm nhạc còn khá nghèo nàn, vừa ít về lượng, vừa nhạt về chất.
Đánh dòng chữ “Những lễ hội âm nhạc tại Việt Nam” trên thanh công cụ tìm kiếm Google, hẳn bạn sẽ ngỡ ngàng với kết quả được hiện ra. Biết lý giải thế nào về kết quả đó? Không phải người Việt Nam không say mê âm nhạc. Bằng chứng là trong các buổi biểu diễn âm nhạc lớn số lượng khán giả đến xem vẫn chật ních khán phòng hay trong những buổi giao lưu âm nhạc quốc tế được tổ chức tại các thành phố lớn, khán giả vẫn xếp hàng dài trước những quầy bán vé, còn nếu ở các tỉnh nhỏ, mỗi khi có đoàn ca nhạc từ TP. Hồ Chí Minh hoặc Hà Nội về thì không chỉ giới trẻ, mà nhiều người đã lớn tuổi cũng không thể bỏ qua.
Có lẽ cái mà chúng ta đang thiếu và cần là một không gian âm nhạc, nơi mà ở đó mọi người có thể đi lại, nằm ngồi, ca hát, nhảy múa một cách tự do, được giao lưu kết bạn với những người xa lạ nhưng thân mật trong điệu nhạc, chứ không bó hẹp trong phạm vi một khán phòng với bốn bức tường để nghe nhạc một cách thụ động hay có “thoáng” hơn là ở bãi cỏ rộng ngoài trời đã được lập hàng rào để chống trốn vé…
May mắn thay, gần đây (ngày 13-4) mới diễn ra một sự kiện âm nhạc mang ý nghĩa nhân văn cao cả là lễ hội âm nhạc đường phố dành cho người khuyết tật tại Hà Nội được tổ chức lần đầu tiến. Đây là sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động của Liên hoan nghệ thuật với tên gọi “Vẻ đẹp Vầng trăng khuyết 2013” cũng là một trong những hoạt động hưởng ứng Ngày người khuyết tật Việt Nam 18-4 do Hội Thanh niên khuyết tật Hà Nội phối hợp cùng Trung tâm Sáng kiến sức khỏe và dân số Hà Nội tổ chức. Lấy chủ đề “Hình thể của tôi – tài năng của tôi”, thông qua hơn 20 tiết mục do chính những người khuyết tật tự biên tự diễn, đêm hội âm nhạc này đã chứng tỏ tài năng cũng như tâm hồn của những người khuyết tật luôn ngời sáng và tràn đầy nghị lực.
Lễ hội âm nhạc có ý nghĩa như vậy rất đáng phát huy để đời sống thêm phong phú và con người gần gũi nhau hơn qua môi trường âm nhạc.