Chúng tôi đổ bộ xuống cửa rừng thuộc xã Phước Trung, huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận vào lúc 7 giờ sáng, bắt đầu hành trình hai ngày băng rừng Bác Ái. Sáng sớm nhưng thời tiết khá nóng. Dù đã nghe nói đến “gió như phang và nắng như rang” của xứ này, nhưng lời rủ rê của anh bạn làm tour vẫn hấp dẫn chúng tôi. Cung đường với địa hình đa dạng: một chút Tà Năng, một chút Mũi Đôi, một chút Bù Gia Mập – vậy thì ngán gì mà không đi.
Người làm tour trekking vốn là dân Ninh Thuận đặt cho hành trình hai ngày này là cung đường Thác Cam – Trảng Cỏ, hai địa danh cũng là hai điểm nhấn của chuyến đi. Điểm xuất phát cao 300m so với mực nước biển, còn điểm đến ở độ cao 1.100m, thật ra cung đường không có quá nhiều đồi dốc nhưng cái nóng và sự đa dạng địa hình vừa là thử thách vừa là sự cám dỗ.
Men theo con đập của người dân tộc ở địa phương dẫn nước từ núi ra, chúng tôi tiếp cận với hệ sinh thái đầu tiên: rừng khộp. Mới trung tuần tháng 3 nhưng cái nóng đã hút cạn chất diệp lục trên lá, những cánh rừng thưa đổ vàng và lá đang rụng dần, khảm một lớp thảm vàng nâu trên đất. Đoàn 13 người chúng tôi nối bước nhau đi, nghe lá giòn khô như rên dưới chân mình. Rồi con suối đầu tiên xuất hiện. Gặp suối giữa cái nóng bức của rừng giống như buồn ngủ gặp chiếu manh! Khi mấy cô trong đoàn còn e lệ tháo giày, từ tốn ngâm chân dưới làn nước mát lạnh thì đám trai tráng trung niên đã đánh ùm xuống nước.
Chẳng có cái sướng nào giống cái sướng tắm suối, nhất là khi đã đi qua một chặng đường dài trong cái nóng điên đảo. Con suối chảy từ đâu đó phía thượng nguồn, đến đoạn này được những khối đá lớn chặn lại, ngăn dòng tạo nên một bể chứa lớn, nước trong vắt và đủ sâu để bơi lội vẫy vùng. Những phiến đá bao quanh cũng bằng phẳng đủ để năm ba người chia nhau chỗ nằm.
Cứ tìm một chỗ ngon lành nhất cho mình mà chợp mắt! 15 phút ngủ giữa rừng sau một hành trình dài và nhất là sau khi đã tắm suối như một giải pháp hữu hiệu để tái tạo năng lượng, những mệt mỏi căng cơ biến đâu mất. Cái bể chứa nước thiên nhiên ấy với cây cối tươi tốt (nhờ ở gần suối) khiến từ chỗ phiến đá tôi nằm nhìn lên, cảm giác như đang ở trung tâm của một cái “giếng trời” hoàn hảo được tạo hóa thiết kế.
Ngay sau bữa trưa là một con dốc! Và những con dốc tiếp nối. Độ khó của hành trình bắt đầu tăng dần. Những con dốc không quá cao nhưng kết hợp với những khe đá mà phải dồn lực đôi chân để nhảy qua hoặc cần sự hỗ trợ của đồng đội đi cùng. Rồi những vùng trắng rất ít cây cối. Chỉ có vài bụi dứa dại cao lớn thò ra những nhánh rễ to bằng cườm tay, lần mò trên đá cố tìm một khe hở để đâm sâu vào lòng đất. Nắng vẫn như rang! Thi thoảng đoàn người lại luồn vào một cánh rừng, vẫn kiểu rừng khộp nhưng mật độ cây cối đã dày hơn.
- Xem thêm: Lang thang miền Tây xứ Thanh
Mặc dù đã nghe tiếng thác nước đâu đó nhưng chỉ là tiếng vọng của rừng, hoặc là các vách đá, rừng cây đã giấu đi, không cho cơ hội để tiếp cận. Phải nhiều lần tưởng như sắp đến, mãi rồi mới thực sự chạm mặt: thác Cam đây rồi. Thác mùa khô không quá nhiều nước nhưng vẫn có một “bể bơi” sâu ngập đầu người. Đây cũng là điểm dừng để cắm trại qua đêm.
Lúc này đã gần 4 giờ chiều. Khi các thành viên trong đoàn còn đang ngồi thở dồn vì mệt thì nhóm hậu cần đã tỏa đi tìm củi khô nhóm bếp. Sau khi quan sát đánh giá tình hình, mình tôi lang thang lên phía thượng nguồn con thác. Chỉ băng qua vài ghềnh đá khô, tôi đã thấy nước ứa ra từ những thớ đá lớn xếp chồng lên nhau, cùng với tiếng rì rầm từ phía bên trong lòng núi. Tôi đoán, nếu phía bên trong không phải là hang động thì cũng có một con suối ngầm để từ đó nước chảy qua các khe đá thành con suối lộ thiên, đổ về thác Cam.
Vậy thôi là đủ. Bây giờ hãy trở về với sự cám dỗ của cái bể bơi phía dưới cái đã! Trầm mình trong làn nước mát lạnh, tôi cứ hình dung mình, trong bối cảnh thiên nhiên, được nhìn từ trên cao xuống. Chắc chắn đây là một quang cảnh đẹp, mà bất kỳ khu nghỉ dưỡng 5-6 sao cũng không thể có, chỉ bàn tay tạo hóa mới sắp xếp được!
Sáng hôm sau là hành trình chinh phục Trảng Cỏ! Khen người làm tour bao nhiêu cũng không đủ, nhưng chúng tôi vẫn phải cảm ơn người bạn dẫn đường vì đã dành cho đoàn những trải nghiệm đẹp nhất, thú vị nhất cho ngày cuối của hành trình. Để lại balô hành lý tại điểm cắm trại, chúng tôi băng qua một cánh rừng già hầu như chưa có đường mòn. Bám sát nhau để khỏi lạc (sự lưu ý này là cần thiết, bởi chúng tôi là nhóm khách đầu tiên đi tour này, trong khi trước đây khi đi nghiên cứu tour thì chính nhóm mở đường cũng bị… lạc), cái cảm giác là những người đầu tiên đi trong khu rừng già mới cực kỳ hấp dẫn!
- Xem thêm: Đi rừng Bù Gia Mập giữa mùa vắt
Những cây cổ thụ ngã đổ vắt ngang đường, trông tưởng rất chắc chắn nhưng khi đặt chân lên lại mềm mủn và xốp xộp như bước lên đống tro, chứng tỏ chúng đã ngã xuống từ lâu lắm rồi. Thi thoảng lại có một đoạn rừng thưa, nắng xiên khoai đổ xuống vai áo người đi trước. Rồi cũng đến trảng cỏ! Dù đã trang bị quần áo tay dài và vớ ống đầy đủ, nhưng chúng tôi vẫn phải cẩn thận với đám lá tranh cao ngang tầm người, phải giơ hai tay lên nhờ ống tay áo che chắn, bảo vệ vùng cổ vì lá tranh rất sắc.
Ở trảng cỏ tranh thứ hai, rộng lớn hơn thì cảm giác lại hoàn toàn khác. Bãi cỏ khô đã tự bốc cháy từ thuở nào, chỉ còn lại xác cỏ vàng héo chưa kịp cháy hết và lớp tro đen trên mặt đất, lún phún những mầm xanh đang nhú lên. Chỉ vài tháng nữa nếu trở lại nơi đây, chúng tôi sẽ thấy một màu xanh tươi non trên trảng cỏ khô khốc hôm nay.
Hai ngày trong rừng, với tôi vừa là một hành trình khám phá bản thân, xem sức chịu đựng của mình trước nắng nóng đầu hè và 30km đi xuyên rừng, chia sẻ từng ngụm nước cùng những người bạn mới quen, vừa là cơ hội quan sát và học cách sống tử tế với thiên nhiên, cũng là tử tế với tương lai.