Kết quả khảo sát từ năm 2014-2015 của nhóm nghiên cứu phát triển thuộc Ngân hàng Thế Giới (World Bank)* cho thấy Việt Nam đứng hạng 116/142 trên toàn thế giới với 24% dân số có hiểu biết về quản trị tài chính cá nhân. Đứng đầu danh sách là nhóm các nước Âu – Mỹ như Na Uy, Thụy Điển, Đan Mạch, Canada… trong khi xếp cuối là các nước như Somalia, Afghanistan, Albani và Yemen.
Cuộc khảo sát được thực hiện trên 150.000 người từ 15 tuổi trở lên ở hơn 140 nền kinh tế trên thế giới trong suốt năm 2014. Những người tham gia cuộc khảo sát phải trả lời các câu hỏi về những kiến thức cơ bản của bốn vấn đề cốt yếu khi phải đưa ra một quyết định về tài chính: kiến thức về lãi suất, lãi suất gộp, lạm phát và phân tán những nguy cơ.
Kết quả cuộc khảo sát này cũng trùng khớp với một cuộc khảo sát khác do Master Card thực hiện trong năm 2016 cho thấy người trẻ Việt yếu kỹ năng Quản trị tài chính cá nhân trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương khi đứng thứ 14/16 nước tham gia khảo sát. Bên cạnh đó, một cuộc khảo sát của trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) vào cùng năm cho thấy 40% sinh viên mới ra trường được hỏi không biết quản trị tài chính cá nhân thế nào là hiệu quả.
Về cơ bản, những người không có nhiều hiểu biết về những khái niệm tài chính cơ bản sẽ không thể có những quyết định sáng suốt cho bản thân. Ngược lại, những người hiểu biết tài chính sẽ có khả năng chọn lựa mục đích sử dụng cho từng nguồn tiền vào các việc tiết kiệm, đầu tư, vay mượn… để có được cuộc sống thịnh vượng, lâu dài.
Ngày nay, kiến thức tài chính đặc biệt quan trọng khi ngày càng có nhiều sản phẩm tài chính phức tạp dễ dàng tiếp cận đến phần lớn dân số trên toàn thế giới. Nhiều quốc gia đã cố gắng đẩy mạnh những dịch vụ tài chính trong nước, dẫn đến số lượng người dân sở hữu tài khoản ngân hàng và sử dụng dịch vụ tín dụng tăng gấp bội.
Thiếu hiểu biết về tài chính sẽ dẫn đến những thiệt hại đáng kể liên quan đến túi tiền. Những khách hàng không hiểu về khái niệm lãi gộp sẽ phải mất nhiều tiền cho các loại phí giao dịch, chịu những số nợ ngày càng lớn dần, tạo ra những con số lãi suất hoặc những khoản vay khổng lồ. Kết cục, họ mãi luẩn quẩn trong những vòng tròn vay mượn và không dành dụm được bao nhiêu. Trong khi đó những người với hiểu biết tài chính tốt sẽ có được kế hoạch cụ thể cho công việc và những khoản tiết kiệm khi về hưu. Ở quy mô khác, các nhà đầu tư am hiểu tài chính sẽ thường phân tán nguy cơ qua việc chia nguồn đầu tư vào nhiều dự án mạo hiểm khác nhau.