Sự kiện hai hãng hàng không Việt Nam mở đầu năm mới bằng thỏa thuận mua 110 máy bay Boeing trị giá hơn 15 tỉ USD chưa thể đem lại sự hưng phấn cho thị trường. Lý do, sự tăng trưởng vượt mức của các hãng hàng không Việt Nam đang đè nặng lên hạ tầng cơ sở ngành hàng không vốn đang gồng gánh quá sức, đặc biệt tại các sân bay ở các thành phố lớn. Sự chính thức gia nhập thị trường của Bamboo Airways cùng với tâm thế sẵn sàng vào cuộc của nhiều nhà đầu tư khác, trong khi các hãng hàng không đang hoạt động vẫn không ngừng mở rộng đội bay, cho thấy thị trường hàng không Việt Nam có thể sẽ phát triển mạnh mẽ trong những năm tới.
Không ngại đầu tư mạnh vào hãng hàng không vừa mới khai sinh, Tập đoàn FLC cho thấy họ thật sự tự tin với tiềm năng kinh doanh ở lĩnh vực vận chuyển hàng không tại Việt Nam mặc dù trước đó đã có doanh nghiệp phải gãy gánh giữa trời. Có thể nói, sự thành công của Vietjet Air là một cú hích mạnh mẽ cho sự tăng tốc của ngành hàng không dân dụng Việt Nam trong hơn bảy năm gần đây. Chỉ xếp sau hãng hàng không danh tiếng Singapore Airlines, hãng hàng không giá rẻ (LCC) đầu tiên của Việt Nam đạt giá trị vốn thị trường ở mức 3,6 tỉ USD vào tháng 9-2018 trong khi đối thủ nặng ký cùng phân khúc quốc tế là AirAsia cũng chỉ đạt mức 2,5 tỉ USD dù áp đảo hơn nhiều về số máy bay sở hữu đang khai thác và đặt hàng.
Theo IATA – Hiệp hội vận tải hàng không thương mại quốc tế – ngành vận chuyển hàng không Việt Nam đã giữ mức tăng trưởng trung bình 17,4% trong hơn thập niên qua và đó cũng là lý do để không chỉ các nhà đầu tư trong nước mà cả các thương hiệu hàng không nước ngoài vẫn đang rất quyết liệt để được gia nhập vào bầu trời Việt Nam. Mặc dù có chút chậm lại so với hai năm trước nhưng tổng số ghế mà ba hãng hàng không đang nắm giữ thị phần chính là Vietnam Airlines, Jetstar Pacific và Vietjet Air vẫn đạt con số 46 triệu ghế trong năm 2018, tăng 4% so với năm 2017. Số liệu từ Cục Hàng không cho thấy, năm ngoái các hãng hàng không Việt Nam đã vận chuyển gần 50 triệu hành khách, tăng 10,1% so với năm trước và trên 400.000 tấn hàng hóa.
Theo đánh giá của Vietjet Air, với dân số hơn 90 triệu người, trong đó 40% ở độ tuổi 25-59, Việt Nam hiện vẫn là quốc gia có tỷ lệ thấp nhất khu vực Đông Nam Á về cơ hội tiếp cận hàng không giá rẻ của người dân, chỉ đạt 1,7 máy bay trên 1 triệu dân trong khi con số này tại Philippines là 2,1 và Indonesia là 2,6. Vì vậy có thể thấy thị trường hàng không Việt Nam đang là một miếng bánh ngon và hấp dẫn, đáng để cho nhiều nhà đầu tư thòm thèm nhưng chưa chạm vào được. Tập đoàn AirAsia là một minh chứng cho sự kiên trì theo đuổi đối với miếng bánh này khi đã trải qua gần 14 năm nhắm đến mục tiêu chinh phục mảnh ghép quan trọng còn lại để giúp AirAsia có thể phủ sóng hoàn toàn các nước ASEAN.
Sau ba lần nỗ lực bất thành – lần đầu tiên là kế hoạch kết hợp với Pacific Airlines (tiền thân của Jetstar Pacific) vào năm 2005, kế đến với Vinashin và sau nữa là với chính Vietjet Air – AirAsia đang đặt nhiều kỳ vọng vào nỗ lực lần thứ tư khi nhiều thông tin cho thấy, có khả năng thương hiệu hàng không này sẽ chính thức hiện diện tại Việt Nam trong năm 2019 thông qua một hãng hàng không mới thuộc Thiên Minh Group. Cùng với Bamboo Airways, hãng hàng không mới này có thể tạo thêm hai gam màu mới cho thị trường hàng không Việt Nam năm 2019.
Với con số 165 máy bay đang được khai thác bởi các hãng hàng không trong nước và dự kiến sẽ tăng lên mức gần 200 chiếc vào cuối năm nay, cùng sự gia nhập ngày càng đông đúc của các hãng hàng không nước ngoài, hạ tầng cơ sở của các sân bay Việt Nam được ví như một chiếc áo quá chật với một cơ thể đang phổng phao từng ngày.
Tính đến hết năm 2018, Việt Nam có cả thảy 22 cảng hàng không đang hoạt động với chín cảng quốc tế và 13 cảng nội địa. Tuy nhiên, áp lực tần suất bay vẫn tập trung chủ yếu tại hai sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất. Mặc dù Chính phủ đã có nhiều nỗ lực đầu tư mở rộng cũng như triển khai xây dựng các dự án mới, nhưng sự tăng trưởng của thị trường đã vượt xa cơ sở hạ tầng và có nguy cơ dẫn đến “vỡ trận” vì sự quá tải. Theo Cục Hàng không Việt Nam, lượng hành khách qua các cảng hàng không trên cả nước ước đạt 106 triệu lượt năm 2018, tăng 12,9% so với năm 2017, con số này dự đoán có thể đạt mức hơn 112 triệu lượt vào năm 2019 khi có thêm sự tham gia của các hãng hàng không mới cũng như gia tăng số lượng đáng kể các đường bay mới.
Dù biết khó có thể đáp ứng ngay nhu cầu tăng trưởng của thị trường trong thời gian ngắn, nhưng việc tập trung và ưu tiên mọi nguồn lực để đầu tư xây dựng và phát triển cảng hàng không mang tính chiến lược như Long Thành (Đồng Nai), đầu tư hệ thống thiết bị, công nghệ, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý và khai thác cảng theo chuẩn quốc tế, xây dựng mới nhà ga hành khách T3 tại sân bay Tân Sơn Nhất; các nhà ga hành khách sân bay Đà Nẵng, Cam Ranh; mở rộng nhà ga hành khách T2 sân bay Nội Bài; xây dựng nhà ga hành khách T2 tại các sân bay quốc tế Cát Bi, Vinh, Phú Bài, Đồng Hới, Thọ Xuân… là những cố gắng đáng ghi nhận để giảm bớt nỗi lo cho khâu quản lý cũng như nắm bắt trọn vẹn cơ hội để hàng không Việt Nam sẽ vươn mình tối đa ra với bầu trời rộng lớn hơn trong thời gian không xa.