Quán cà phê của khách sạn nằm ở tầng trệt, hình vòng cung, nhô ra như một bao lơn, nhìn xuống lưng đồi thoai thoải toàn thông và phủ đầy một thứ dây leo lấm tấm hoa vàng rực. Những búp thông non, hình mũi tên nhọn hoắt, khỏe khoắn lao thẳng lên bầu trời. Ban mai trong trẻo. Cái lạnh vùng cao dịu dàng mơn man da thịt.
Cà phê từng giọt… sóng sánh trong chiếc tách men trắng thơm lựng mang đến cho Liên một cảm giác dễ chịu. Liên ít khi đi du lịch. Đây là lần đầu tiên chị đi du lịch một mình. Cao nguyên là lựa chọn đầu tiên. Chị sợ biển. Nó mênh mông, sâu thẳm, có khi dữ dội quá. Sông dịu dàng, gần gũi và thân thiện hơn nhưng Liên không thích lắm bởi một lý do riêng, nó gắn liền với tuổi thơ buồn của chị. Nhà nằm cạnh một con sông. Mùa nước nhảy lên bờ, hai mẹ con ôm nhau trên căn gác gỗ chênh vênh chờ nước rút. Đêm tối mịt mù… Nước xoáy vào bờ tre ùng ục. Cây lá vặn vẹo, tơi tả theo gió rít từng hồi. Nhà này cách nhà kia một khu vườn. Nước bốn bề trắng xóa… Thèm biết bao sự hiện diện của một người đàn ông. Càng thấm thía cảnh mẹ góa con côi.
Bố mất khi chị lên ba. Mẹ lúc ấy chưa quá hai mươi lăm. Gái một con, nhan sắc mặn mà lắm. Chủ một cửa hàng tạp hóa nhỏ ở chợ, sở hữu một căn nhà và mảnh vườn do bố để lại. Nhiều người nhòm ngó vì nhan sắc của bà và cũng vì của nả của người chồng để lại. Ở quê Liên, người ta kiêng không cho con gái ăn dĩa vì sợ cạn lòng. Không biết bà ngoại có làm thế không. Nhưng khi lớn lên, hiểu đời một chút, Liên thấy mẹ lạc lòng và cả tin lắm. Đó là một người đàn bà – trẻ con.
Bà chống chỏi với nhiều thứ, cả bên trong lẫn bên ngoài để nuôi Liên cho đến mười tuổi. Cuối cùng, bà cũng đi bước nữa. Bố dượng làm nghề tài xế. Da nâu bóng, tóc ngắn, bắp tay cuồn cuộn. Giọng ồm ồm, tếu táo, bỗ bã đầy cường lực, thu hút cánh phụ nữ, nhất là những bà góa cô đơn. Mỗi lần ông đến chơi, tiếng cười và giọng nói sang sảng khuấy động cả ngôi nhà yên tĩnh. Mẹ cười tít mắt. Liên thấy bất lực, cô bé mười tuổi chỉ còn biết rút vào phòng, đóng cửa, nước mắt tràn mi…
Mẹ chỉ nghĩ đơn giản lo cho Liên đủ ăn, đủ mặc, học hành đến nơi đến chốn là đã hoàn tất bổn phận mà không hiểu vết thương lòng của một đứa con sớm mất cha. Nỗi ray rứt vì mẹ chia sẻ tình cảm với người khác khiến chị thu mình lại với nỗi buồn, đẩy những người còn lại trong gia đình về phía khác. Không giao thiệp nhiều và ngại tâm sự, chị tìm vui qua sách. Chị đọc tất cả những gì có được. Chị đắm mình trong thế giới của sách, vui, buồn, sướng, khổ cùng với nhân vật. Chị lãng đãng giữa đôi bờ mộng và thực. Nhìn lại thời thơ ấu, Liên thấy mình không bị bệnh tự kỷ là may lắm.
Liên rất thích núi. Nó có gì đó cứng cáp, vững chãi và bao dung. Chị ao ước một mình đến đây. Chỉ một mình. Vì thế, khi nhận được tiền bản quyền của tập truyện ngắn đầu tay, chị thực hiện ý định đi du lịch một chuyến. Thời tiết ở đây thật tuyệt. Không có mùi của phố xá, cỏ cây, núi đồi dậy lên hương vị đặc biệt. Liên hơi duỗi mình, ngả người vào lưng ghế, mắt lim dim, tận hưởng. Quán vắng khách, ở đây chị là người lạ, có gì mà phải e dè. Tiếng dương cầm thả ra từng giọt mơn man. Khoảnh khắc diệu kỳ. Liên cảm nhận sự tồn tại của mình. Không vướng bận, ràng buộc với một ai, với một điều gì. Hoàn toàn thảnh thơi, nhởn nhơ như cánh bướm, phiêu bồng như mây trời lãng đãng. Một sự tự do tuyệt đối. Và chị mỉm cười với những cảm xúc xôn xao, mới lạ như thế…
Liên mở mắt. Chị thấy một người đàn ông lạ, ngồi chênh chếch ở góc kia đang nhìn chăm chắm vào mình. Chị nhìn lại. Ai thế nhỉ? Một người bạn cũ? Một người quen? Người đàn ông không gây ấn tượng gì. Chắc anh ta nhầm chị với ai đó. Chị thong thả đứng lên, rời sảnh, trở về phòng. Một mình và tĩnh lặng. Đó là những điều xa xỉ, rất cần đối với chị. Phải tận dụng, không nên bỏ phí một buổi sáng như thế.
Liên rời khách sạn. Đứng ở đầu dốc, có thể thấy con đường nhựa phẳng phiu, viền hai hàng cây uốn thành một đường cong mềm mại bao quanh hồ. Vỉa hè rộng, thông thoáng. Nắng và gió tràn trề. Cả sự tĩnh lặng nữa. Du khách nước ngoài đi thành từng nhóm bằng xe đạp địa hình, áo sặc sỡ đủ màu, nét mặt và nụ cười rạng rỡ. Liên vừa đi vừa ngước nhìn. Có cả một ngày dài và nhiều điều cần được khám phá ở cái thị trấn nhỏ và xinh xắn này. Thình lình, Liên dừng lại… Ngôi nhà mái xuôi xuôi và cửa màu xám đậm.
Tường gạch xám trắng. Rất thanh thoát vì đường nét được tiết chế và tinh giản tối đa. Nó không mang khuynh hướng kiến trúc của thời đại nhưng đậm đà dấu ấn sáng tạo cá nhân và gu thẩm mỹ của chủ nhân. Cả ngôi nhà là một khối sáng màu, tinh tế và lãng mạn trong cái ngời ngời của sắc xanh cây cỏ. Càng hòa hợp hơn với núi đồi tĩnh lặng, mặt hồ dưới kia, cả bầu trời mùa thu trong vắt. Ôi! Cái màu xám tuyệt vời mà chị thường ưa thích! Liên ngẩn ngơ. Chị nhón chân, bám vào hàng rào thưa để nhìn vào bên trong cho rõ…
- Xem thêm: Người đàn bà bí ẩn
Mải miết… Chị chẳng nghe thấy tiếng xe dừng và tiếng chân người. “Chị tìm ai?”. Liên quay lại. Người đàn ông lạ đang nhìn chị. Như bị bắt quả tang phạm tội, chị lúng túng: “Xin lỗi… Tôi thấy ngôi nhà đẹp quá…”. Trông người đàn ông quen quen và hình như cũng vừa nhận ra chị, anh ta cười thân thiện. “Không sao. Chị đi du lịch và ở Khách sạn Mimosa trên kia?”.
Bây giờ Liên mới chợt nhớ và nhận ra người đàn ông lạ chăm chú nhìn mình ngày hôm qua. E ngại và đề phòng, chị định chào và bỏ đi. “Chị vào trong xem một chút không? Thực ra nó chẳng có gì đặc biệt lắm. Có lẽ hơi khác so với những ngôi nhà chung quanh. Dân địa phương chúng tôi mà được đón khách du lịch thì thiệt là hân hạnh…”. Sức hấp dẫn của ngôi nhà và người đối diện tạo được sự tin cậy khiến Liên quên cả đề phòng. Chị thăm dò: “Có phiền anh không?”. Không trả lời. Anh ta đẩy cổng rồi dắt xe vào. “Nắng ấm thế này, có lẽ ta nên ngồi ngoài vườn”.
Người đàn ông mời chị ngồi trên một bộ bàn gỗ sơn trắng đặt trước hàng hiên rồi vào nhà. Khu vườn thoáng, nhiều cây leo và cỏ, có vẻ được chăm sóc kỹ. Ngôi nhà tĩnh lặng. Ít người hay đã đi vắng và hình như cũng không có tiếng trẻ con. Anh đi ra với một cái khay, vừa rót trà giọng cởi mở: “Cà phê ở quán thích hợp khi gặp bạn bè. Trong vườn, một tách trà lại thấy thích”. Liên nhấp một ngụm. Chất trà đắng nhưng vừa uống xong vị ngọt còn đọng ở đầu lưỡi. Người đàn ông nhìn chị, khóe môi cong cong phảng phất nụ cười. “Chị là nhà văn Liên Chi?”.
Và có lẽ để làm cho chị ngạc nhiên, anh đọc: “Tôi là một kẻ mơ mộng lạc loài giữa một thế giới kiệt cùng sự lãng mạn và mộng tưởng về tình yêu, tình người…”. Liên sửng sốt. Chị không ngờ cuốn sách của mình lại chu du đến được nơi hẻo lánh này. Như đoán được ý nghĩ của chị, người đàn ông giải thích: “Tôi có người bạn thân dưới kia. Anh ta đọc thấy thíchnên gửi lên tặng tôi”.
Một tình huống quá bất ngờ khiến Liên lúng túng. “Cảm ơn anh… Viết ra mà có người đọc, dù chỉ số ít thôi cũng đã là hạnh phúc. Tôi chỉ là cây bút nghiệp dư. Mấy năm trước tôi bệnh một trận rất nặng. Bỏ dạy và dùng thời gian ít ỏi còn lại để làm điều mình thích, nào ngờ qua khỏi được. Viết là để cho mình… Chỉ một tập truyện ngắn, có đáng gì mà gọi là nhà văn. Ngượng lắm…”.
“Đâu kể nhiều hay ít. Chỉ cần vài bài thơ hay là có được chỗ đứng và sức sống lâu dài trong lòng bạn đọc. Mà thực ra, tôi cũng không đủ trình độ và thẩm quyền để đánh giá hay, dở. Một độc giả bình thường chỉ có thể nói được thích hay không. Tôi không thích lối viết tỉa tót, cầu kỳ. Mà cũng sợ sự trần trụi, dung tục đến mức thô bỉ để cố chứng minh cho một khuynh hướng hiện đại nào đấy. Tôi thích cái nhìn tinh tế và sự hồn nhiên trong cách viết của chị. Trang viết nào cũng ăm ắp tình người. Có lẽ đó là con đường ngắn nhất để đến với độc giả”.
Anh ta rót thêm trà vào tách. Mắt Liên nhìn lướt chung quanh rồi dừng lại ở một chậu hoa đặt trên một chiếc đôn gần đó. Chiếc chậu sành, sắc men bóng màu thúy lục có vằn ngang đen sẫm. Trên đám lá thanh mảnh, mềm, uốn cong màu lục biếc là hai cành hoa đài các vươn cao. Đài màu lục nhạt, cánh hoa trắng muốt. Dáng thế của lá, của hoa, của chậu hài hòa. Chị tò mò:
– Lan gì đây hả anh? Trông lạ quá. Khác với các loại thường thấy.
– Một loại địa lan kiếm. Chị xem, lá của nó có hình lưỡi kiếm. Chị nhớ tiệc rượu Thạch Lan hương của cụ Kép không? Bạch Ngọc đấy.
– Hương cuội của Nguyễn Tuân chứ gì?
– Trước đây tôi chơi lan ngoại và một số hoa khác. Một hôm nọ lên chùa, sư trụ trì cho xem một chậu Bạch Ngọc vừa nở. Trong khung cảnh tĩnh lặng của ngôi chùa cổ, tiếng chuông và mùi hương trầm phảng phất. Chậu Bạch Ngọc phô hết vẻ thanh thoát lạ lùng của nó khiến tôi choáng váng. Thời gian sau, sư sẻ cho vài tép và hướng dẫn cách chăm sóc. Từ đó, tôi chỉ chơi một loại này thôi. Không thứ gì khác nữa.
Theo hướng nhìn của chủ nhân, mắt Liên đậu lại trên một khoảnh sân. Nắng vàng tươi, lọc qua mành lưới, chấp chới trên mấy cụm địa lan, lá thanh mảnh, dài, nhọn hoắt hình lưỡi kiếm. “Nhiều loại lắm nhưng có một điểm chung, sắc nhã, hương dịu, dáng thanh, cốt cách thanh cao mang lại ý vị cho người ngắm nó. Người tinh ý, lướt qua vẻ đẹp bên ngoài thấu được cái thần sâu thẳm bên trong…”.
– Đúng là nó thơm thoang thoảng. Ban đầu tôi tưởng hương trà. Hóa ra không phải.
– Giống địa lan, nhất là loại Bạch Ngọc này lạ lắm. Chú ý thì hình như chẳng thấy gì. Cứ để tự nhiên thì hương phảng phất. Có có, không không. Khi gần, khi xa, huyền hoặc.
Anh ta nhìn chị, giọng tâm sự:
– Cuộc sống bây giờ tất bật, lo toan quá. Thư thái bên một giò lan, nhấm nháp một chén trà. Có lẽ là những khoảnh khắc hiếm hoi quý giá, nói theo kiểu Nguyễn Tuân “…như một thanh âm trong trẻo chen vào giữa một bản đàn mà nhạc luật lúc nào cũng hỗn loạn, xô bồ”.
Liên nhìn người đàn ông. Vẻ bề ngoài bình thường không nói lên được điều gì. Sơ giao mà nói thế kể cũng hơi nhiều. Nhưng không phải cách nói hùng hồn để phô trương kiến thức, chữ nghĩa, mà là giọng nói trầm ấm, tự nhiên, từ tốn như cuộc trao đổi giữa hai người quen. Khi đưa chị ra cửa, anh ta ngần ngừ:
– Chị còn ở đây lâu không?
– Khoảng gần một tuần…
– Nếu chị cần hướng dẫn, xin cứ nói, đừng ngại… Tôi rất hân hạnh, với tư cách là dân địa phương. Và là một độc giả…
Anh ta đưa chị một tấm danh thiếp. Liên nhìn lướt qua: Nguyễn Nam – Kỹ sư.
Khu vườn và ngôi nhà đẹp như trong mơ. Người đàn ông lạ gây ấn tượng. Những ngẫu nhiên và bất ngờ… Mà chẳng phải là chị đã mong những bất ngờ thú vị trong chuyến đi này hay sao.
- Xem thêm: Cho lại từ đầu…
Liên muốn đi xe ngựa. Nhưng không phải là thứ xe ngựa du lịch sang trọng, màu sắc, tua tụi lòe loẹt, cầu kỳ. Mà là một chiếc xe thổ mộ Việt Nam đúng nghĩa từ bao đời. Liên nhờ Nam và anh đã thuê cho chị một chiếc xe đúng như mong muốn. Người đánh xe ít nói, đôi bắp tay săn chắc ghì lấy dây cương. Chiếc mũ cói rộng vành trông ngồ ngộ. Xe đi giữa bạt ngàn đồi thông, giữa mênh mông đồng cỏ, thôn xóm, làng bản lấp ló mù sương… Tiếng lạc ngựa leng keng, tiếng vó ngựa lốp cốp trên đường. Thỉnh thoảng mới có một chiếc xe chạy qua. Xe xa dần… trả lại núi rừng sự yên tĩnh nguyên sơ vốn có. Trên đường về, chị gợi chuyện: “Chắc anh và anh Nam là chỗ quen biết?”.
– Anh Nam là sếp cũ của tôi. Sau này không làm chung với nhau nhưng vẫn giữ liên lạc. Chị là bạn hay bà con?
– Chúng tôi mới biết nhau… Qua một người bạn… Anh Nam có ngôi nhà đẹp nhưng hình như không có nhiều người?
– Vợ anh ấy mất sáu, bảy năm nay vì tai nạn giao thông. Anh ấy có một cô con gái theo học dưới kia. Hiện đang ở với cô em gái, bác sĩ làm việc ở bệnh viện huyện. Suốt ngày anh ấy bận bịu, nghiên cứu, thực nghiệm những giống cây mới. Say mê lắm. Nếu không, buồn chết được. Ở đây không có gì để giải trí. Trên đường về, tiện thể, tôi đưa chị ghé qua chỗ anh ấy làm việc cho biết.
Nam đón Liên ở cổng công ty rồi mời chị vào một quán nhỏ bên đường. Quán vắng khách vì đang giờ làm việc nhưng cà phê khá ngon. Khung cảnh tuềnh toàng, lộng gió, gây cảm giác không có gì ngăn cách giữa con người và thiên nhiên ngoài kia. Mây vờn trên đỉnh núi xa, sương mù chưa tan còn vương vất dưới thung lũng. Những đồi chè xanh ngời ngợi nối tiếp nhau lúp xúp những công nhân đang làm việc. Đất đai, cây cỏ bừng bừng sức sống trong cái nắng cao nguyên. Một thứ nắng mới vàng tươi, không nồng và trong như lọc làm say lòng người…
Họ yên lặng. Rồi giọng Nam vang lên hứng khởi: “Chắc chị đã đọc Cuốn theo chiều gió . Truyện thì hay hơn phim nhiều. Nhưng tôi thích một cảnh trong phim. Đoàn xe bò trở về trong ánh chiều vàng rực. Những nô lệ da đen và những bài hát. Đất đỏ và những cánh đồng bông vải bạt ngàn…”.
– Ta-ra của Scarlet.
– Chỉ cần ấn vào tay cô gái trẻ một nắm đất đỏ của Ta-ra là có thể thức tỉnh một thứ tình yêu sâu kín mà nồng nàn trong cô đối với đất… Đất không chỉ là không gian sinh hoạt. Nó còn là không gian của tình yêu và kỷ niệm… Suy cho cùng, ai cũng phải thuộc vào một nơi nào đó trong đời. Đó là một cái gì thiêng liêng, bất khả thay thế….
– Anh chắc thuộc về nơi này?
– Vâng… Có lẽ thế…
Ngày cuối cùng của chuyến đi sẽ trôi qua bình thường nếu Nam không đến. Chỉ là một cuộc gặp ngắn. Anh tặng chị một chậu Mặc Lan và nói lời tạm biệt. Trước khi về, như chợt nhớ ra, anh buông một lời mời, hình như cố ý bỏ ngỏ như một câu nói bâng quơ: “Hôm nay hoa quỳnh nở, lại có trăng… Nếu rảnh, mời chị đến xem…”.
Những người chơi hoa, yêu hoa, đâu dễ gì tặng hoa quý cho ai. Và cả lời mời ngắm hoa… Hấp dẫn thực đấy nhưng chị ngại. Vì thế mà phân vân…
Liên nhìn đồng hồ. Gần tám giờ tối. Chị mặc áo lạnh, quàng khăn rồi rời khách sạn. Trăng mười tám như chiếc đĩa bạc lơ lửng giữa bầu trời trong vắt… Mặt hồ lóng lánh… Đêm cao nguyên đẹp tuyệt! Ngày mai chị sẽ trở lại cuộc sống bình thường như bao năm qua chị vẫn sống. Đời mẹ cho chị thấy nỗi khổ của người phụ nữ giữa đường đứt gánh, nó chông chênh, xộc xệch như thuyền không lái. Nên chị trân trọng những gì mình có và thường tự nhắc mình, không gì hoàn hảo, không ai hoàn hảo.
Có hai con người tồn tại trong chị. Người phụ nữ của cuộc sống đời thường và một con người mãi mãi là thiếu nữ, roi rói những ước mơ không tìm thấy trong cuộc đời thực. Bảy ngày qua, với những ngẫu nhiên và bất ngờ thú vị. Đó là cuộc phiêu lưu vào những giấc mơ. Ước mơ thường vô cùng nhưng cuộc đời luôn có những giới hạn. Và có những giới hạn, nếu vượt qua sẽ dẫn đến những bến bờ xa lạ, không tìm được đường về. Đừng cố mà leo đến đỉnh trời. Hãy giữ nó trong tâm tưởng…
Người đàn ông khuất sau một góc tối của khu vườn nhìn người phụ nữ đi qua. Nhẹ nhàng, khoan thai, mắt nhìn về phía trước. Anh không lạ và đoán chị sẽ quyết định như thế. Anh hiểu rõ về chị, không phải chỉ qua một, hai cuộc nói chuyện. Chị đã để lộ mình nơi này, nơi kia, kể cả những góc khuất sâu kín nhất qua từng trang sách. Đấy là một tâm hồn thực sự trong sáng.
Chị lướt qua… Người phụ nữ không còn trẻ nhưng có gì đó hồn nhiên và hơi mơ màng. Vẻ yểu điệu, mong manh, không thực như những mỹ nữ trong các bức họa cổ của Trung Hoa. Chị ra khỏi quầng sáng của ngọn đèn đường, chiếc khăn quàng màu xanh phất phơ, nhập vào ánh trăng rồi nhòa dần trong màng sương núi và hơi nước bốc lên từ mặt hồ…
Anh trở lại chỗ ngồi. Hoa quỳnh đang nở. Nó cựa quậy… Nhụy vàng rung rinh và cái màu trắng nõn, mịn, non tơ, huyền hoặc nhễ nhại ánh trăng… Anh nhớ một câu chị viết. “Hạnh phúc mong manh còn nỗi buồn thì rực rỡ”.
Tháng 8-2011