Mùa xuân là mùa của niềm tin và hy vọng. Doanh nhân nước ta bước vào mùa xuân với niềm tin về những bước phát triển vững chắc hơn trong thời gian tới, dựa trên nền tảng trí tuệ của toàn dân tộc Việt Nam ta.
Trí tuệ – nền tảng của sự phát triển
Thời gian qua, nền kinh tế nước ta có tốc độ tăng trưởng khá, song chủ yếu là dựa vào tăng vốn đầu tư, sử dụng lao động giá rẻ, khai thác tài nguyên khoáng sản, nguyên liệu thô; năng suất lao động và giá trị gia tăng rất thấp. Yêu cầu của công cuộc phát triển đất nước trong thời kỳ mới đòi hỏi chuyển đổi mô hình tăng trưởng và cơ cấu kinh tế từ chủ yếu phát triển theo chiều rộng sang kết hợp giữa chiều rộng và chiều sâu, chú trọng chất lượng và hiệu quả. Muốn vậy, không thể không khai phóng tư duy, phát huy trí tuệ của mỗi con người, của toàn dân tộc Việt Nam ta.
Trí tuệ của toàn dân tộc cần được thu hút vào việc xử lý những vấn đề then chốt của sự nghiệp phát triển đất nước, bảo đảm phát huy sức mạnh tinh thần và vật chất của toàn dân tộc, để nền kinh tế phát triển bền vững, để chất lượng cuộc sống của người dân ngày một nâng cao, để các vùng miền phát triển hài hòa, để chênh lệch giàu nghèo được dần dần thu hẹp, để hội nhập quốc tế thành công, v.v… Doanh nhân và các tầng lớp nhân dân ta cũng đang day dứt và rất tâm huyết muốn được đóng góp nhiều hơn nữa trí tuệ và công sức, vì tuy GDP đã đạt được trên 104 tỉ USD nhưng quy mô ấy vẫn quá nhỏ bé so với một dân tộc có trên 86 triệu dân, mà chất lượng của sự phát triển cũng còn nhiều yếu kém.
Phát huy trí tuệ của ba nhóm người
Trong thời kỳ phát triển mới, việc tiếp tục phát huy trí tuệ toàn dân tộc là hết sức cần thiết, song từ thực tế, có thể thấy quan trọng nhất là cần nâng cao và phát huy tầm trí tuệ của ba nhóm người sau đây.
Những người hoạch định đường lối, chính sách. Đây là nhóm người giữ vai trò quyết định trong việc hình thành đường lối, cương lĩnh, chiến lược phát triển của đất nước. Vì vậy, nâng cao tầm trí tuệ của nhóm người này, nhất là những người giữ vai trò chủ chốt có ý nghĩa hàng đầu.
Nâng cao tầm trí tuệ của nhóm người này tức là đòi hỏi ở họ tư duy đổi mới, đầu óc sáng tạo, luôn luôn suy nghĩ, tìm tòi cái mới, có dũng khí từ bỏ những suy nghĩ cũ kỹ, giáo điều, lỗi thời. Những người này cần chân thành tiếp thu những ý kiến đóng góp của các tầng lớp nhân dân, các doanh nhân, nhà khoa học, công nghệ, bảo đảm cho đường lối, chính sách thực sự là kết tinh trí tuệ của toàn dân tộc, đáp ứng kịp thời yêu cầu của công cuộc đổi mới đất nước. Những nhà khoa học, công nghệ. Đây là đội ngũ trí thức có tác động trực tiếp đến năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế – xã hội của mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Trí thức nước ta, trong lĩnh vực khoa học xã hội cũng như khoa học tự nhiên, đang có hoài bão lớn, rất tâm huyết đóng góp vào sự phát triển của đất nước. Việc nâng cao tầm trí tuệ của họ chính là tạo một không gian tự do với những điều kiện thuận lợi và thái độ trân trọng để họ theo đuổi sự nghiệp nghiên cứu, sáng tạo. Cần có những chính sách phù hợp để khuyến khích họ, nhất là những trí thức đầu đàn đóng góp ý kiến vào quá trình hoạch định thể chế, chính sách cũng như vào các công đoạn của quá trình sản xuất, kinh doanh.
Các doanh nhân. Đây là những người trực tiếp đầu tư vốn liếng, mở doanh nghiệp, làm ra của cải cho xã hội, góp phần chủ yếu vào sự phát triển đất nước. Họ thực hiện đường lối, chính sách, các cơ chế, chính sách quản lý trong doanh nghiệp, là người ứng dụng kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học, công nghệ vào sản xuất, kinh doanh. Chất lượng, quy mô và tốc độ của tăng trưởng dựa vào đội ngũ này.
Nâng cao tầm trí tuệ của tầng lớp doanh nhân, nhất là lớp doanh nhân trẻ tuổi, là cập nhật, bổ sung kiến thức mới để họ phát huy tính năng động, sáng tạo trong kinh doanh, chủ động thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả kinh doanh, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, từ đó góp phần bảo đảm chất lượng, hiệu quả của toàn bộ nền kinh tế và bảo đảm hiệu quả trong hội nhập kinh tế quốc tế.
Xin nhấn mạnh rằng, trong ba nhóm người ấy, nhóm người giữ vị trí quyết định là nhóm người hoạch định chính sách phát triển. Việc nâng cao tầm trí tuệ của nhóm người này có ý nghĩa rất quyết định. Tư duy của họ được khai phóng, trí tuệ của họ được nâng cao cùng với việc phẩm chất, đạo đức của họ được trau dồi, thì đường lối, chính sách do họ hoạch định và quyết định mới có thể đáp ứng được nhiệm vụ chuyển đổi mô hình tăng trưởng; hướng vào năng suất, chất lượng, năng lực cạnh tranh, để đất nước tiếp tục phát triển bền vững.
Phát huy dân chủ, khuyến khích tự do tư tưởng
Để phát huy trí tuệ Việt Nam, trước hết và quan trọng nhất là phát huy dân chủ, tự do tư tưởng, cũng tức là khuyến khích khai phóng tư duy, khuyến khích những cách suy nghĩ mới, những giải pháp có tính đột phá, coi tự mãn, giáo điều, sách vở là nguy cơ lớn, là lực cản chủ yếu trong tư duy. Dân chủ trong tư tưởng phải thể hiện bằng sự lắng nghe, thảo luận và tranh luận một cách công khai, thẳng thắn, bình đẳng.
Cần khuyến khích phản biện xã hội, coi đây là một hoạt động thể hiện quyền làm chủ của dân trong việc giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, đồng thời là một kênh chủ yếu để những người có trách nhiệm thu hút được trí tuệ của các tầng lớp nhân dân vào việc hoạch định và thực thi thể chế, chính sách. Phản biện xã hội là nhu cầu cần thiết và là đòi hỏi bắt buộc của quá trình lãnh đạo và điều hành đất nước, là một giải pháp hữu hiệu để khắc phục tệ quan liêu, xa thực tế.
Mùa xuân mới, chúng ta hãy hy vọng về sự bừng nở, tỏa sáng của trí tuệ Việt Nam, đem lại một tương lai huy hoàng của đất nước.