Năm 2018 đã có khá nhiều văn bản pháp lý điều tiết hoạt động của ngành ngân hàng được ban hành và bắt đầu có hiệu lực. Về cơ bản, các văn bản này đều theo hướng siết lại các hoạt động rủi ro và nâng cao tính minh bạch, an toàn cho hệ thống.
Siết tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn
Ngày 28-12-2017, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành Thông tư 19/2017/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 36/2014/TT-NHNN ngày 20-11-2014 của Thống đốc NHNN quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Thông tư có hiệu lực thi hành từ ngày 12-2-2018.
Đáng chú ý, trong lộ trình từ 1-1-2018 đến 31-12-2018, tỷ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng cho vay trung hạn và dài hạn của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài là 45%. Kể từ 1-1-2019 trở đi, tỷ lệ này sẽ giảm xuống còn 40%.
- Xem thêm: Vì sao cần “siết” tín dụng ngoại tệ?
Việc siết dần tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn đã tác động khá lớn tới thị trường. Trong năm 2018, tín dụng bất động sản (BĐS) có xu hướng bị siết lại, các ngân hàng kiểm soát chặt chẽ hơn khi giải ngân cho lĩnh vực BĐS, vốn là các khoản vay có thời gian rất dài; lãi suất cho vay tăng lên đồng thời ngân hàng đưa ra các điều kiện cho vay khắt khe hơn trước.
Ngoài ra, việc phải giảm tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay dài hạn đã dẫn đến cuộc đua tăng lãi suất của các ngân hàng vào nửa cuối năm nhằm bổ sung nguồn vốn dài hạn. Cùng với đó, các ngân hàng cũng tìm đến phương án khác là huy động vốn từ phát hành trái phiếu để bổ sung nguồn vốn nhanh chóng.
Siết tín dụng chảy vào các lĩnh vực rủi ro
Đáng lưu ý trong năm 2018, NHNN đã ra nhiều văn bản điều hành chỉ đạo các TCTD kiểm soát chặt tốc độ và chất lượng tín dụng hệ thống. Chỉ thị 04/CT-NHNN ngày 2-8-2018 của NHNN về việc tiếp tục triển khai hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của ngành ngân hàng trong những tháng cuối năm 2018, trong đó không xem xét, điều chỉnh tăng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng trừ trường hợp đặc biệt và tiến hành kiểm tra các TCTD có tốc độ tăng trưởng tín dụng cao vào lĩnh vực BĐS, chứng khoán, tiêu dùng…
Dư nợ tín dụng với kinh doanh BĐS đến cuối tháng 8-2018 tăng 5,2% so với đầu năm, thấp hơn tốc độ tăng trưởng tín dụng chung toàn ngành và tín dụng BĐS chiếm tỷ trọng khoảng 7,4%. Trong khi cùng kỳ năm 2017 tín dụng BĐS tăng 9,79% và chiếm tỷ trọng khoảng 6,7%. Dư nợ đầu tư kinh doanh chứng khoán tăng 1,7% so với cuối năm 2017 và chỉ chiếm tỷ trọng 0,36%.
Ngân hàng không được mua trái phiếu doanh nghiệp với mục đích cơ cấu nợ
Ngày 18-6-2018, NHNN đã ban hành Thông tư số 15/2018/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 22/2016/TT-NHNN ngày 30-6-2016 quy định việc TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua trái phiếu doanh nghiệp (TPDN). Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 2-8-2018. Điểm đáng chú ý trong Thông tư này là quy định các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được mua TPDN phát hành với mục đích cơ cấu lại các khoản nợ của doanh nghiệp.
Theo đánh giá, việc cho vay đảo nợ nói chung và mua TPDN để đảo nợ thường tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, đặc biệt là nguy cơ che giấu nợ xấu của các ngân hàng. Do vậy, động thái siết chặt của NHNN có thể khiến nhiều doanh nghiệp đang có khoản nợ lớn ở các TCTD gặp khó khăn và chính các ngân hàng cũng sẽ vất vả với việc giải quyết món nợ. Tuy nhiên, việc siết lại này là cần thiết để chất lượng tín dụng, tình hình nợ xấu và sức khỏe các ngân hàng, doanh nghiệp được nhìn nhận thực chất hơn.
Chiến lược phát triển ngành ngân hàng
Ngày 8-8-2018, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 986/QĐ-TTg về Chiến lược phát triển ngành ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Đáng lưu ý, một trong những mục tiêu được đề ra là đẩy mạnh phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, tối ưu hóa mạng lưới ATM và POS.
Đến cuối năm 2020, Việt Nam đặt mục tiêu tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán ở mức dưới 10%; đến cuối năm 2025, tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán ở mức dưới 8%. Đồng thời, chiến lược phát triển ngành ngân hàng cũng xác định phấn đấu đến cuối năm 2025 có ít nhất từ 2-3 ngân hàng thương mại nằm trong tốp 100 ngân hàng lớn nhất (về tổng tài sản) trong khu vực châu Á và 3-5 ngân hàng niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán nước ngoài. Nợ xấu của toàn hệ thống các TCTD phấn đấu ở mức dưới 3%.