“Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 về cơ bản thay đổi cuộc sống, công việc lẫn các mối quan hệ của con người. Các trường đại học nói chung cũng không nằm ngoài cuộc cách mạng này. Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật là một trong những trường tiên phong cải cách đồng bộ từ cơ sở vật chất, phương pháp đến nguồn nhân lực để thích ứng với yêu cầu đào tạo nhân lực trong kỷ nguyên số, hướng đến mục tiêu trở thành trường đại học sáng tạo nhất”, PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng trường cho biết.
Ông cũng chính là người lãnh đạo tâm huyết của trường trên hành trình “Đổi mới mô hình quản trị đại học thông qua tự chủ và sáng tạo”. Dù có nhiều thành tích cá nhân nổi bật từ những ngày còn đi học, từng được phong tặng danh hiệu nhà giáo ưu tú, nhưng ông luôn từ chối nói về mình. “Hãy nói về trường, về những nỗ lực của tập thể để không bị lạc hậu so với Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (hay cuộc cách mạng số) đang diễn ra với tốc độ chóng mặt”, ông nói.
Trong cuộc cách mạng này, công nghệ mới được áp dụng vào thực tế cuộc sống rất nhanh như: Trí tuệ nhân tạo (AI), máy học (machine learning), công nghệ blockchain, kết nối vạn vật (internet of things), mạng 5G… Nó cũng bao gồm sự kết nối giữa sản phẩm và thông tin, tốc độ truyền dữ liệu ngày càng nhanh, lưu trữ thông tin không giới hạn, các đối tượng thực – ảo ngày càng thông minh và giao tiếp với nhau trong môi trường làm việc.
Công nghệ đã làm thay đổi văn hóa làm việc của con người, chúng ta dành nhiều thời gian trên internet, điện thoại thông minh, trên mạng xã hội và giao tiếp nhiều hơn với các thiết bị thông minh được kết nối internet…
____
Những thay đổi này ảnh hưởng đến việc dạy và học trong nhà trường thế nào, thưa ông?
Rõ ràng việc dạy học theo kiểu truyền thụ kiến thức không còn phù hợp với giáo dục hiện nay vì sinh viên (SV) có thể tự tìm và học mọi kiến thức cần thiết từ mạng internet. Giảng viên thay vì phải dạy (teach) như trước đây thì nay sẽ trở thành người hướng dẫn (coach).
Để hình thành thói quen học cả đời, nhà trường đã đổi mới phương pháp giảng dạy, kiểm tra, đánh giá, chuyển sang đánh giá quá trình để SV học liên tục. Tuy nhiên, việc này đã tạo ra áp lực và tải trọng quá lớn đối với giảng viên. Chẳng hạn, trong lớp học có 100 SV, người dạy phải chấm 700 lượt bài tập lớn nhỏ, dự án, thuyết trình, tiểu luận…
Vì vậy, phát triển hệ thống trợ lý giảng dạy (TA – teaching assistant) từ học viên cao học và SV đã khắc phục được bất cập nêu trên. Hệ thống TA không những giúp giảm tải cho giảng viên, đáp ứng việc thay đổi phương pháp giảng dạy, kiểm tra, đánh giá mà còn giúp SV thêm thu nhập, được học hỏi, trau dồi kiến thức, kỹ năng mềm với vai trò là trợ lý giảng dạy, đồng thời giảm các nguy cơ tiềm ẩn khi các em phải kiếm việc làm thêm bên ngoài.
“Học theo dự án cung cấp kiến thức đa ngành, đồng thời phát huy tối đa sức sáng tạo, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng giải quyết các vấn đề phức tạp.”
____
Còn về nguồn nhân lực thì sao, hẳn cũng có những thay đổi để đào tạo nguồn nhân lực mới?
Tự động hóa và trí tuệ nhân tạo đã làm thay đổi các yêu cầu về kỹ năng của nguồn nhân lực. Công nghệ mới cũng làm phân cực hóa thị trường lao động. Cơ cấu ngành nghề thay đổi nhanh, xuất hiện các ngành mới, ngành lai, một số công việc và ngành nghề sẽ biến mất. Sách trắng Cuộc biến đổi số của công nghiệp – World Economic Forum 2016 dự đoán rằng trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, thì 47% tổng số việc làm tại Mỹ bị robot thay thế và từ 2 triệu đến 2 tỉ việc làm toàn cầu cho con người sẽ bị mất.
Vì vậy, nếu không có những kỹ năng cần thiết thì SV ra trường sẽ bị thất nghiệp. Theo đó, nguồn nhân lực trong kỷ nguyên mới không thể thiếu các kỹ năng học kết hợp (blended learning), học trực tuyến (online and mobile learning), học thông qua chế tạo (learning by making), học theo dự án (project based learning)… và đặc biệt cần có sự sáng tạo (innovation).
Hầu hết các công ty muốn cạnh tranh trên thị trường đều phải có sự sáng tạo. Nguồn nhân lực muốn có giá trị cạnh tranh trong thế giới phẳng cũng không thể thiếu sự sáng tạo. Mà sáng tạo thì chỉ có được khi bắt tay vào làm, không thể chỉ truyền đạt bằng lời.
Mặt khác, mô hình đào tạo đơn ngành ở các trường đại học cũng ngày càng không phù hợp. Sáng tạo diễn ra trong cách học theo dự án cần có sự phối hợp đa ngành. Một dự án do nhóm SV khoa Cơ khí – Chế tạo máy trường tôi thực hiện theo đơn đặt hàng của một doanh nghiệp Hà Nội vào năm ngoái được nhiều người biết đến là chiếc máy bán phở, bánh mì, trà sữa tự động.
Để làm một chiếc máy như thế, các em SV sẽ phải tìm hiểu về cơ khí, lập trình, kỹ thuật nhiệt, công nghệ hóa – sinh, thiết kế đồ họa, xử lý ảnh, điều hòa nhiệt độ… Như vậy, cách làm một dự án thật sẽ cung cấp kiến thức đa ngành, đồng thời phát huy tối đa sức sáng tạo, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng giải quyết các vấn đề phức tạp…
Thật sự, những luồng gió mới của thời đại được đưa vào các hoạt động của nhà trường đã đạt được những thành công nhất định. Tôi cảm thấy rất tự hào khi nhiều công trình SV thực hiện khi học theo dự án đã được báo chí thông tin và doanh nghiệp đón nhận, trong đó có cả dự án của các em năm thứ nhất.
____
Mô hình học theo dự án không mới, khá nhiều trường áp dụng nhưng chưa thật hiệu quả, nguyên nhân vì sao?
Mô hình này nói thì đơn giản, nhưng áp dụng cho đến nơi đến chốn thì không dễ dàng. Thứ nhất, các dự án của đại học phải giải quyết được nhu cầu thực tế của doanh nghiệp. Từ trước đến nay, doanh nghiệp thường “chê” trường đại học đi chậm và làm ra các dự án không thực tế.
Đôi bên chưa thể “gặp nhau” nên doanh nghiệp phải mua công nghệ, máy móc nước ngoài giá cao trong khi dự án của trường đại học thì “đắp chiếu”. Để khắc phục điều này, tôi cùng nhà trường tìm cách cho đôi bên gặp nhau, đối thoại trực tiếp để tìm hiểu nhu cầu từ hai phía. Tháng 5 vừa qua, chúng tôi đã tổ chức buổi hội thảo gặp gỡ 100 doanh nghiệp tại trường nhằm giới thiệu năng lực của sinh viên, giảng viên, gợi ý doanh nghiệp đặt hàng.
Ngoài ra, chúng tôi cũng có Hội đồng tư vấn doanh nghiệp nhằm tư vấn cho nhà trường trong nhiều hoạt động như: thiết kế, đánh giá và góp ý hiệu chỉnh chương trình đào tạo, phối hợp tổ chức đào tạo tại doanh nghiệp, cung cấp nơi thực tập cho giáo viên và sinh viên, định hướng mở ngành mới, phối hợp tổ chức các buổi giới thiệu công nghệ mới…
Trong những năm qua, nhiều công ty lớn tài trợ xây dựng các trung tâm đào tạo, nghiên cứu, các phòng thí nghiệm, tặng thiết bị, máy móc thực hành với giá trị nhiều triệu USD theo nguyên tắc đôi bên cùng có lợi. Thiết bị đào tạo được miễn thuế, công ty có thể sử dụng miễn phí để huấn luyện cho nhân viên và đại lý. Thời gian còn lại, SV của trường được thực hành trên các hệ thống thiết bị công nghiệp mới nhất nên rất tự tin khi ra làm ở các công ty.
Ngoài ra, chúng tôi còn có chương trình đưa môi trường công nghiệp vào các xưởng, tập cho SV có tác phong và kỷ luật công nghiệp khi còn ngồi trên ghế nhà trường, áp dụng các quy tắc 5S (sàng lọc, sắp xếp, sạch sẽ, săn sóc, sẵn sàng) vào các xưởng thực tập và các phòng ban. Mục đích chính là giáo dục người học tác phong công nghiệp, thói quen tiết kiệm chi phí trong sản xuất, giảm thiểu các hoạt động không gia tăng giá trị, cung cấp một môi trường làm việc với tinh thần cải tiến liên tục, cải thiện tình trạng an toàn và chất lượng sản phẩm.
“Con người luôn là yếu tố quan trọng nhất trong mọi cuộc cải cách nhưng thay đổi tư duy là chuyện không dễ.”
____
Phải chăng dạy theo dự án đã áp dụng cho tất cả SV ở trường?
Hiện nay thì chưa vì SV đông mà không phải em nào cũng có ý tưởng tốt. Chúng tôi chỉ khuyến khích các nhóm tham gia dự án ngày càng nhiều và hỗ trợ để các em làm việc hiệu quả nhất.
Điều kiện thuận lợi cho các em khi học theo dự án là tất cả các hoạt động của nhà trường đều được áp dụng công nghệ thông tin. Việc thiết kế lại chương trình đào tạo cũng mang yếu tố quyết định vì nó phù hợp với các yêu cầu mới về kiến thức, kỹ năng và thái độ của nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số. Khoảng cách giữa chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo và yêu cầu thực tế của doanh nghiệp dần thu hẹp nhờ SV tốt nghiệp ra trường có kiến thức, kỹ năng phù hợp với các yêu cầu của nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số.
Người học được trang bị đủ tất cả các phẩm chất của người kỹ sư trong thế kỷ XXI – từ kiến thức, kỹ năng giải quyết các vấn đề phức tạp, kỹ năng mềm làm việc nhóm, làm việc với cộng đồng và ý thức nghề nghiệp, ý thức xã hội và hơn nữa là tư duy sáng tạo, khả năng tự học, tự nghiên cứu và khởi nghiệp. Nhà tuyển dụng trong và ngoài nước những năm qua đánh giá rất cao chất lượng SV tốt nghiệp, chính là thành quả của công cuộc cải cách.
____
Hầu hết các cải cách nhanh chóng ở các trường đều không thể tránh khỏi sự chống đối ở một bộ phận cán bộ viên chức, trường ông thì thế nào?
Trường tôi cũng khó tránh khỏi điều này, nhưng quan trọng nhất là tầm nhìn của người lãnh đạo cũng như sự kiên định, quyết không từ bỏ. Con người luôn là yếu tố quan trọng nhất trong mọi cuộc cải cách nhưng thay đổi tư duy là chuyện không dễ, nhất là đối với những giảng viên khó thích nghi với cái mới. Họ cần thay đổi tư duy thông qua các khóa tập huấn trong và ngoài nước. Tôi cũng cố gắng đảm bảo thu nhập cao cho người lao động để có thể cống hiến, toàn tâm toàn ý vào công cuộc cải cách và cũng quan tâm đến chính sách thu hút người tài.
Ngoài những bước thay đổi từ từ nhưng quyết liệt, tôi cũng áp dụng một số chính sách quản lý như “cây gậy và củ cà rốt”, ban đầu thì khuyến khích cán bộ viên chức thay đổi bằng các chính sách khen thưởng, sau thì áp dụng KPI để họ phải thực hiện nghiêm túc và hiệu quả. Các phần mềm Dashboard giúp lãnh đạo các cấp ra quyết định chính xác dựa trên Big data. Phần mềm KPI giúp công tác thi đua và trả lương công bằng.
Ngoài ra, không kém phần quan trọng là truyền thông đi trước để thay đổi tư duy, kết nối tất cả các bên liên quan thông qua công nghệ số để tạo niềm tin vào công cuộc đổi mới.
Cải cách giáo dục đại học để thích ứng với yêu cầu về đào tạo nhân lực trong kỷ nguyên số là việc làm cấp bách nhưng rất khó khăn chủ yếu vì tư duy của con người. Công cuộc cải cách là một quá trình, không phải một đích đến nhất thời. Thay đổi thói quen và văn hóa làm việc rất khó nhưng không phải là không thể làm được.
____
So với thái độ e dè của các trường khi thực hiện tự chủ đại học, trường ông lại khá tự tin khi trở thành trường đại học tự chủ đầu tiên trong khối sư phạm?
Đúng vậy, vì chúng tôi tin vào năng lực của mình. Và chúng tôi cũng xác định tự chủ là bước đi tiên phong tạo thêm động lực, nguồn lực cho công cuộc cải cách. Đến nay, chúng tôi đã chủ động tăng học phí, điểm đầu vào tăng 8 điểm trong vòng năm năm nhưng vẫn thu hút đông đảo sinh viên. Vì vậy, có thể nói vấn đề tự chủ tài chính lẫn tự chủ nguồn nhân lực ở trường đã được giải quyết thấu đáo. Thậm chí, thu nhập cán bộ, giảng viên hiện nay tăng gần gấp đôi so với mặt bằng chung, đạt hơn 20 triệu/tháng.
Để phục vụ cải cách, trường cũng đã đầu tư lớn vào cơ sở hạ tầng như hệ thống server, hệ thống phần mềm quản lý và mạng thông tin tốc độ cao, phủ mạng wifi toàn trường, đầu tư vào kênh truyền hình kỹ thuật số đầu tiên của một trường đại học UTE-TV…
“Kỷ nguyên số là kỷ nguyên kết nối mọi người thông qua các thiết bị công nghệ mới và mạng xã hội, cũng là kỷ nguyên của sự chia sẻ.”
____
Có cần thiết phải tốn nhiều chi phí cho kênh truyền hình riêng của trường không?
Kỷ nguyên số là kỷ nguyên kết nối mọi người thông qua các thiết bị công nghệ mới và mạng xã hội. Nhà trường kết nối thông qua nhiều kênh với các bên liên quan. Kênh truyền hình kỹ thuật số UTE-TV được ra đời sẽ giúp kết nối nhà trường với thí sinh, SV, cựu SV, phụ huynh, doanh nghiệp… để tạo niềm tin đối với cải cách. Muốn cải cách có hiệu quả, vai trò truyền thông rất lớn.
Các chương trình tư vấn online trên kênh UTE-TV, marketing trên phương tiện thông tin đại chúng, trên mạng xã hội Facebook, ngày mở, kết nghĩa với các trường phổ thông trung học, tư vấn trà sữa, xây dựng câu lạc bộ STEM (khoa học – công nghệ – kỹ thuật – toán học) và sáng tạo kỹ thuật ở 100 trường trung học phổ thông để đưa các sân chơi khoa học kỹ thuật về cho học sinh trải nghiệm, tư vấn ngành nghề cho các em ngay từ khi còn ở bậc trung học để học sinh chủ động trước khi vào đại học với tâm thế tốt hơn, chọn đúng nghề, yêu thích tạo nên động lực, tinh thần học tập tốt hơn ở bậc đại học, đã giúp chất lượng đầu vào của trường tăng từng năm – yếu tố quyết định chất lượng đầu ra để đảm bảo tỷ lệ SV có việc làm cao.
Các hoạt động đổi mới sáng tạo liên tục của trường với các sản phẩm, ý tưởng mang tính nhân văn và ứng dụng công nghệ cao đã thu hút các phương tiện thông tin đại chúng, góp phần đưa số bài, phóng sự về trường…
Kỷ nguyên số còn là kỷ nguyên của sự chia sẻ, như cách mà Uber, Grab đã thành công trong dịch vụ chia sẻ chuyến đi hay Airbnb thành công trong dịch vụ chia sẻ phòng trọ vậy.
____
Sự chia sẻ thể hiện trong giáo dục thế nào, ông có thể giải thích rõ hơn?
Đó là việc liên kết, chia sẻ nguồn lực giảng dạy, nghiên cứu rất dễ dàng, tiện ích. Như thế mới mang lại giá trị, thương hiệu và xây dựng tinh thần của một đại học đúng nghĩa. Theo đó, SV Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật có thể học các môn đại cương tại Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh hoặc ngược lại. Giữa các trường cũng có thể chia sẻ tài liệu, chất xám, phòng Lab, phòng thí nghiệm, thư viện… vừa tiết kiệm chi phí cho các trường mà vừa có thể đầu tư tập trung vào chuyên môn.
Có một số giáo viên phản đối chủ trương chia sẻ này vì lo sẽ ảnh hưởng đến thu nhập. Điều này không đúng. Nguồn thu vẫn được chi trả đầy đủ cho các trường và mô hình này đã được chứng minh hiệu quả bởi hệ thống các trường đại học lớn trên thế giới. Chỉ tiếc là đến thời điểm này, mô hình chia sẻ trong giáo dục tại Việt Nam vẫn rất hạn chế, do các trường thiếu tính liên kết và hầu như chưa tìm được tiếng nói chung. Tôi hy vọng rằng nỗ lực của mình sẽ thuyết phục được họ trong nay mai.
____
Cảm ơn ông về cuộc trao đổi hôm nay.