Cô vợ nghe được, trách chồng giấu tiền riêng… Vợ chồng chiến tranh lạnh làm mấy ngày tết mất vui.
Thế là bàn tán sôi nổi, người thì nói việc cho tiền gia đình cha mẹ, dù thu nhập vợ chồng không đều nhau cũng phải minh bạch; người khác phản biện ngay, không phải khoản chi nào cho cha mẹ cũng phải “trình báo”.
Cha mẹ đến chơi hay về thăm ông bà, con cái biếu tiền cha mẹ là bình thường, không nhất thiết phải công khai cho chồng hay vợ biết. Không phải vợ chồng nào cũng hiểu nhau, nhiều bà vợ cứ phải dấm dúi cho tiền cha mẹ sợ chồng biết, hay có ông phải có quỹ riêng để khi cần thì cho bố mẹ.
Mỗi nhà mỗi cảnh, một bà vợ kể chuyện có lần ông chú ruột đến chơi nhà. Bình thường mỗi khi chú đến chơi, chị vẫn hay cho tiền chú gọi là đi xe bus, uống ly nước… Hôm ấy chị đi vắng, chồng chị và chú nói chuyện hồi lâu vẫn chưa thấy chị về, chú chờ không được đứng lên, chồng chị liền mở ví tặng chú ít tiền, chỉ hành động nhỏ ấy thôi mà nghe kể lại chị vẫn cảm động vì chồng mình biết cư xử.
Tiền bạc muôn đời luôn là chuyện nhạy cảm, tế nhị. Đã có nhiều trường hợp vợ chồng xảy ra mâu thuẫn chỉ vì số tiền cho riêng cha mẹ. Vợ xét nét mỗi khi chồng mang tiền giúp cha mẹ, anh chị bên chồng, trong khi rất vui vẻ, xởi lởi mỗi khi có cơ hội giúp gia đình mình. Ngược lại, nhiều ông chồng khó chịu ra mặt khi thấy vợ cho tiền gia đình riêng, đôi khi còn cấm!
Trong bàn cà phê hôm ấy có nhiều người khoe bạn đời của mình biết cư xử, xởi lởi với gia đình hai bên. Một chị kể, ba chị ngày xưa đối với gia đình bên ngoại chị như bát nước đầy. Không chỉ giúp đỡ ông bà ngoại mà còn dì, cậu… Do ông làm ăn có, tính tình rộng rãi, hơn nữa bởi ông là con một, cha mẹ mất sớm nên bao nhiêu tình cảm ông dồn hết cho bên vợ.
Chị kết luận, nhờ ba chị biết ăn ở nên con gái được phước cha, mấy chị em nhà chị đều lấy được chồng biết ăn ở với bên vợ, cho tiền ba má riêng, chồng không phàn nàn, đôi khi còn chủ động cho tiền cha mẹ vợ nữa. Nghe vậy, ai cũng xuýt xoa khen chị tốt phước. Con rể như thế là hàng hiếm!
Có trường hợp ông chồng đã ly hôn với vợ đầu, nhưng vẫn nặng tình với cha mẹ vợ, thỉnh thoảng chủ động đến thăm đều có quà cáp. Trường hợp này, gặp bà vợ sau biết điều thì tốt, gặp bà nào khó chịu sẽ coi như hành động cho tiền như vậy là… bất hợp pháp!
Mọi người ồ lên, trên đời chắc chẳng có bà vợ sau nào chịu như thế. Đã ly hôn là chấm hết. Trợ cấp cho con vợ trước mà có bà còn khó chịu. Nên mới dẫn đến chuyện nhiều ông đã ly hôn thường không công khai chuyện mình trợ cấp nuôi con như thế nào với vợ sau, và đa phần người mới cũng không thích nhắc đến chuyện cũ.
- Xem thêm: Vợ chồng cùng bàn luận tài chính
Câu chuyện lại chuyển sang hướng khác đó là đòi hỏi sự biết điều của người sau. Việc chấp nhận là quan trọng, lấy một người rồi thì nên nhớ và biết rằng người đó còn “chút tình riêng” cả tình cảm và tiền bạc với con riêng của họ.
Điều kết luận rút ra là “ăn dễ, ở khó”, người xưa nói chẳng sai. Đã là con người dù có dễ tính, xởi lởi, vị tha đến đâu, chuyện tiền bạc phải tế nhị. Công khai minh bạch tùy thuộc vào tính của người phối ngẫu. Làm sao có thể công khai được khi ông chồng hay bà vợ luôn xét nét chuyện tiền nong?
May mắn cho ai có được người bạn đời biết cư xử. Nhưng lưu ý rằng dù người kia có biết cư xử đến đâu thì cũng phải chừng mực, bởi lợi dụng sự dễ dãi ấy đôi lúc dẫn đến nhiều hệ lụy, nhất là về tiền bạc.