Mới đây, nữ vận động viên Lâm Túc Ngân đã đại diện Việt Nam tham dự giải vô địch thế giới Ironman 70.3. Nội dung thi đấu gồm bơi 1,9km, đạp xe 90km và chạy 21km. Sau khi trở về từ Nam Phi, chị đã chia sẻ những trải nghiệm có được trong cuộc thi với Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần.
Chào Lâm Túc Ngân, chị có thể cho biết cảm xúc của mình sau khi trở về từ giải vô địch thế giới Ironman 70.3?
Ironman giúp tôi cảm nhận rõ hơn ý nghĩa của câu nói, cũng như slogan của Ironman, “Anything is Possible” – Không có gì là không thể. Thực sự mà nói, cho đến thời điểm hiện tại, tôi cảm thấy rất hài lòng với kết quả và trải nghiệm tuyệt vời sau chuyến đi này. Ở tuổi 23, sau khi đoạt giải vô địch nữ Việt Nam tại giải Techcombank Ironman 70.3 Việt Nam 2018 hồi tháng 5 vừa qua tại Đà Nẵng, tôi giành được suất tham dự giải vô địch thế giới Ironman 70.3 tại Nam Phi. Tham gia giải, tôi rất vui vì học hỏi được rất nhiều và cảm thấy vô cùng háo hức để chuẩn bị cho những trải nghiệm tiếp theo ở những giải khác vào năm tới, đặc biệt là giải Techcombank Ironman 70.3 vô địch châu Á – Thái Bình Dương năm 2019, sẽ diễn ra tại Đà Nẵng.
Việc chuẩn bị của chị cho giải Ironman 70.3 ra sao?
Thực ra thời gian để tôi chuẩn bị cho giải vừa qua là không nhiều, nếu không nói là khá gấp rút. Hai giải chỉ cách nhau khoảng mười tuần. Đây là chuyến đi đua ở nước ngoài lần đầu tiên tôi tham dự, mà lại ở tận Nam Phi nên có nhiều nỗi lo, từ việc sắp xếp công việc để đảm bảo theo sát kế hoạch tập luyện rồi đến chuyện tháo xe đạp để mang theo… Phải bay hơn 30 giờ, quá cảnh những bốn lần, nhỡ hành lý, đặc biệt là xe đạp bị thất lạc thì biết làm sao? Về thời tiết, cơ thể tôi thích nghi tốt với nóng nực, nhưng giải lại diễn ra vào cuối mùa đông bên ấy nên tôi khó mường tượng được bơi ở biển nhiệt độ dưới 15 độ C thế nào. Bơi xong, lên bờ, cơ thể bị lạnh thì tiếp tục đạp xe ra sao. Tóm lại là rất nhiều nỗi lo…
Cuối cùng thì mọi thứ đã diễn ra một cách suôn sẻ, dù vẫn có đôi chút thử thách. Ví dụ với hơn bốn chuyến bay, chờ quá cảnh, múi thời gian thay đổi lung tung, di chuyển liên tục và nơi hạ cánh của hai chuyến cuối lại gần biển. Khổ nổi người ta phục vụ bằng hai máy bay nhỏ nên trong hai chuyến bay cuối, tôi bị say, nôn ra mật xanh mật vàng, giờ nghĩ lại vẫn còn thấy ngán. Tôi đến nơi tập trung lúc 8 giờ tối, rất mệt nhưng cảm giác như được sống lại, coi như thử thách chặng 1 đã hoàn thành.
Từ hôm sau, tôi bắt đầu làm quen với thời tiết, với cái lạnh khoảng 8-10 độ C bằng những buổi tập bơi, đạp, chạy ngắn với hy vọng là trong bốn ngày, cơ thể có thể thích nghi để đến khi đua không bị sốc. Hôm đầu tiên xuống nước để bơi, bơi được chưa đến năm phút là tôi cảm thấy buốt hết cả đầu, thở khó, chưa kể tay chân cũng lạnh cóng. Đến khi thử đường đạp thì không những đường dốc mà gió cũng rất mạnh, thổi từ nhiều hướng khiến việc giữ thăng bằng trên xe cũng trở thành một thử thách mới. Khi tập chạy tôi cũng gặp khó trong việc thở vì thở gấp trong thời tiết lạnh rất khác so với thời tiết nóng, cổ họng khô và xoang buốt hơn vì tôi vốn bị viêm xoang.
Lúc ấy, tôi nghĩ rằng đó chỉ là khó khăn tạm thời, mọi khó khăn đều có cách để giải quyết miễn là vững tinh thần. Theo những lời khuyên của các anh chị đi trước, hằng ngày tôi cố gắng ra ngoài tập thở. Cuối cùng tất cả những thách thức đó đã được xử lý trước ngày đua.
Trong thời gian tham gia thi đấu Ironman 70.3, chị có tích lũy thành tích vận động của mình cho giải chạy ảo Uprace 2018 không?
Tất cả những phần chạy để chuẩn bị cho Ironman 70.3 đều được sử dụng để tham dự Uprace (chương trình chạy bộ cộng đồng thông qua nền tảng online). Hôm thi đấu, tôi cũng đồng bộ hóa quãng đường đã vượt qua vào Uprace với hy vọng góp phần vào Quỹ Newborns Vietnam.
Đồng hành cùng tổ chức Newborns Vietnam, chị nghĩ thế nào về đóng góp của thể thao vào các hoạt động thiện nguyện?
Tôi biết đến Newborns Vietnam từ trước khi thi đấu giải Techcombank Ironman 70.3 Việt Nam 2018 tại Đà Nẵng. Newborns đã cho tôi thấy được rằng đừng bao giờ bỏ cuộc dù gặp bất kỳ khó khăn nào. Thể thao như một ngôn ngữ toàn cầu có tác dụng giúp kết nối mọi người với nhau. Hoạt động thiện nguyện cũng thế, cả hai đều có chung mục tiêu: kết nối con người và vượt qua mọi khó khăn thử thách.
Theo quan điểm của chị, việc đưa thói quen luyện tập trở thành một phần cuộc sống hằng ngày của một người trẻ dễ hay khó?
Thực sự mà nói, trong thời gian đầu, ai cũng gặp đôi chút khó khăn vì phải thay đổi thói quen, nhưng nếu chúng ta có quyết tâm, tin rằng không có gì là không thể thì mọi việc sẽ trở nên dễ dàng hơn. Theo kinh nghiệm của tôi, để có thể thay đổi thói quen, trước tiên chúng ta cứ thay đổi từ những điều nhỏ nhặt, dễ dàng nhất, ví dụ đặt báo thức để hôm sau dậy sớm hơn hôm trước 15 phút, dành thời gian để nhảy dây hay chạy bộ nhẹ hay ngày mai phải chạy hơn hôm nay 100m… Tất cả những điều nho nhỏ được tích lũy qua từng ngày sẽ tạo nên chuyển biến lớn. Không có gì là không thể, đặc biệt là thói quen. Nếu không rèn luyện được cách thay đổi khi còn trẻ, thì thử thách sẽ nhiều hơn khi chúng ta về già.
Chạy bộ có ý nghĩa như thế nào với chị?
Việc chạy bộ nói riêng, tập các môn thể thao đường dài nói chung như một dạng khác của thiền. Trên quãng đường bơi, đạp, chạy, sẽ có những lúc bạn cảm thấy bình yên đến lạ lùng. Những khoảnh khắc đó vô cùng đặc biệt, rất khó giải thích bằng lời. Với tôi, môn thể thao đường dài giống như một thử thách mà qua đó chúng ta rèn giũa được những kỹ năng cần thiết cho cuộc sống, đặc biệt cần thiết với các bạn trẻ. Sau hơn một năm tập luyện, tôi cảm nhận được những thay đổi rõ ràng trong tính cách. Tôi kiên nhẫn hơn, từng bước từng bước kiên trì thực hiện kế hoạch đã vạch ra. Tính kỷ luật của tôi cũng cao hơn vì để đạt được kế hoạch đề ra, tôi phải theo sát việc thực hiện từng ngày. Khác với các môn tốc độ hay cần sức mạnh, ở môn thể thao đường dài, chúng ta phải theo sát bài tập hằng ngày để tích lũy sức bền. Ở mỗi giai đoạn, môn thể thao đường dài dạy cho tôi những bài học khác nhau nhưng trên hết là tinh thần không bao giờ bỏ cuộc.
Sau giải Ironman 70.3 vừa qua, chị có dự định tham gia hoạt động nào nữa trong thời gian tới?
Tôi có kế hoạch sẽ tham dự nhiều hoạt động thể thao, đặc biệt là các hoạt động thể thao đường dài, mà ưu tiên nhất vẫn là Ironman 70.3 với mục đích truyền cảm hứng nhiều hơn đến các bạn trẻ. Tôi học được rất nhiều từ thể thao và hy vọng các bạn cũng thế.