Trên thế giới, 3 tổ chức đánh giá độ an toàn uy tín nhất về xe hơi hiện nay là: Cơ quan an toàn giao thông quốc gia Mỹ NHTSA (National Highway Traffic Safety Administration), Viện nghiên cứu an toàn giao thông quốc gia Mỹ IIHS (Insurance Institute for Highway Safety) và chương trình đánh giá xe mới EuroNCAP (European New Car Assessment Programme).
Những thử nghiệm độ an toàn được các tổ chức này tiến hành lần đầu tiên vào những năm 1970, riêng IIHS mới bắt đầu đánh giá cho khách hàng từ năm 1995. Nếu NHTSA và EuroNCAP được chính phủ Mỹ và chính phủ các nước châu Âu bảo lãnh thì IIHS lại phục vụ cho các hãng bảo hiểm ôtô. Để kết quả mang tính phổ dụng cao, các tổ chức đánh giá thường chọn những mẫu xe nhiều người sử dụng, có cấu trúc và các thiết bị an toàn không có sự khác biệt lớn so với mẫu xe ưu tiên.
1. NHTSA
NHTSA – viết tắt của National Highway Traffic Safety Administration (Ủy ban An toàn Giao thông Đường bộ Mỹ). Một cục của Bộ giao thông vận tải Mỹ thành lập năm 1970 với các chương trình đánh giá của NHTSA được chính phủ Mỹ tài trợ.
Từ năm 1978, NHTSA bắt đầu thử nghiệm những cú va chạm trực diện. Sau này, họ mở rộng sang các bài va chạm ở bên hông và bài kiểm tra lật xe cũng như đề xuất Chương trình đánh giá xe mới (NCAP). Ở mỗi hạng mục chiếc xe lại được chấm điểm riêng, tổng điểm sẽ được thể hiện dưới dạng sao, 5 sao là điểm cao nhất.
Mỗi năm tổ chức này lại thực hiện từ 90-125 bài kiểm tra trên các mẫu xe mới nâng cấp hoặc hoàn toàn mới đăng ký vào năm đó. NHTSA có nhiều trung tâm thử nghiệm độc lập tại Mỹ. Calspan Corporation có trụ sở tại New York được biết đến nhiều nhất với diện tích gần 5.400 m2, 2 sảnh lớn nhằm đánh giá va chạm của đủ loại xe từ xe hơi, mô tô đến xe tải.
1.1 Đánh giá va chạm phía trước (Frontal Crash Test)
Bài kiểm tra này sẽ tái hiện cú va chạm2 chiếc xe có cùng trọng lượng đâm nhau. Mẫu xe kiểm tra sẽ chạy với tốc độ 56 km/h và đâm vào một chướng ngại vật cứng (cùng trọng lượng mẫu kiểm tra). Hai hình nhân với kích thước và cấu tạo tương tự người thường sẽ ngồi trong xe gồm: 1 người nam nặng trung bình ở ghế tài, 1 người nữ nặng trung bình ở ghế phụ. Cả hai hình nhân đều được đeo đai an toàn khi thử nghiệm.
1.2 Đánh giá va chạm bên (Side Barrier Crash Test)
Bài kiểm tra này nhằm tái hiện những tình huống tai nạn do xe khác đâm từ bên hông xe. Một vật thể nặng khoảng 1,3 tấn sẽ tông vào bên hông xe với tốc độ 62 km/h. Hai hình nhân với kích thước và cấu tạo tương tự người thường sẽ ngồi trong xe gồm: 1 người nam nặng trung bình ở ghế tài, 1 người nữ nặng trung bình ở ghế sau lưng ghế tài.
1.3 Đánh giá va chạm vào cột bên (Side Pole Crash Test)
Bài đánh giá này tái hiện lại những tai nạn đâm vào cột điện cột đèn mà người tham gia giao thông hay gặp phải. Mẫu xe sẽ chạy với vận tốc 32 km/h và đâm một góc 75 độ vào một cột chướng ngại vật có đường kính 24 cm. Theo đó, vị trí bị tác động mạnh nhất chính là vị trí của người lái.
1.4 Đánh giá chống lật (Rollover Resistance Test)
Một tình huống cũng hay gặp trên đường chính là lật xe ở tốc độ cao. Do đó, NHTSA đã thực hiện bài đánh giá chống lật này để đo đạc độ lật/ khả năng lật của một chiếc xe.
2. IIHS
IIHS là viết tắt của Insurance Institute for Highway Safety (Viện Bảo hiểm an toàn đường bộ Mỹ), tổ chức phi lợi nhuận được tài trợ bởi hiệp hội bảo hiểm. IIHS thực hiện 6 bài đánh giá cho 50 đến 80 xe mỗi năm. IIHS chia kết quả đánh giá của mình ra làm 4 mức: Tốt (Good), Chấp nhận được (Acceptable), Trung bình (Marginal) và Tệ (Poor).
Điểm đánh giá cao nhất của IIHS là Top Safety Pick+. Để đạt được nó, chiếc xe phải đạt điểm Good ở các hạng mục: Va chạm góc nhỏ phía trước bên tài, va chạm góc vừa phía trước, phía bên, độ cứng của nóc, độ bảo vệ đầu. Nó cũng phải đạt được điểm Good cho hệ thống đèn pha và đạt mức Good/ Acceptable ở hạng mục va chạm góc nhỏ phía trước bên phụ. Ngoài ra, nó cũng phải đạt được điểm Advanced/ Superior cho các hệ thống phòng tránh va chạm phía trước (như là hệ thống phanh tự động khẩn cấp).
2.1 Đánh giá va chạm góc bên tài (Driver’s-Side Small-Overlap Front)
Chiếc xe sẽ chạy với vận tốc 65 km/h đâm vào cột cao 1,5 m, rộng bằng 1/4 đầu xe. Bài đánh giá này tái hiện lại những tai nạn đâm xe vào cây của các tài xế. Ngồi ở ghế tài là một hình nhân nam có kích thước trung bình.
2.2 Đánh giá va chạm góc nhỏ bên phụ (Passenger-Side Small-Overlap Front)
Bài kiểm tra này nhằm tái hiện lại những trường hợp tai nạn đâm vào góc nhỏ phía trước. 2 hình nhân nam được dùng trong bài test này sẽ ngồi ở ở 2 ghế trước.
2.3 Đánh giá va chạm góc vừa phía trước (Moderate-Overlap Front)
Chiếc xe sẽ chạy với tốc độ 65 km/h đâm vào cột cao 0,6 m với chiều rộng khoảng 4/10 chiếc xe. Hình nhân nam có kích thước trung bình được ngồi ở ghế tài. Bài test này tái hiện lại những va chạm trực diện giữa hai xe với nhau.
2.4 Đánh giá va chạm bên (Side Impact)
Một chướng ngại vật có trọng lượng khoảng 1,5 tấn (tương tự như một chiếc SUV) sẽ đâm vào bên hông xe ở vận tốc 50 km/h. Hai hình nhân được sử dụng gồm một hình nhân nữ ngồi ở ghế tài và một hình nhân trẻ em 12 tuổi ngồi ở ghế sau ghế tài.
2.5 Đánh giá độ cứng nóc (Roof Strength)
Trong bài test này, một mặt phẳng kim loại sẽ nén lực vào nóc xe. Sau khi nén phần nóc được 12,7 cm thì IIHS sẽ tính toán lực nén. Chiếc xe càng khiến bộ máy phải dùng nhiều lực để nén phần nóc thì càng bền.
2.6 Đánh giá va chạm sau đầu (Head Restraints)
Bài kiểm tra này sẽ đánh giá xem nếu xe bị tông từ phía sau thì nó có thể bảo vệ an toàn của người ngồi trong xe hay không. Một chướng ngại vật giả lập sẽ tông chiếc xe từ phía sau với tốc độ 32 km/h. Người ta sẽ đo lực tác động lên cổ của người dùng thông qua các hình nhân thông minh.
3. Euro NCAP
Euro NCAP là một tổ chức phi lợi nhuận có nguồn kinh phí được duy trì bởi chính phủ các nước thành viên EU và những người sáng lập. Theo thống kê mới nhất, có khoảng 90% lượng xe ôtô trên thị trường được đánh giá bởi tổ chức này. Euro NCAP đã tiến hành kiểm tra hơn 1.800 vụ va chạm với tổng chi phí lên tới 160 triệu Euro, giúp cứu sống 78.000 người.
Những chiếc xe được thử nghiệm tại Euro NCAP sẽ trải qua các bài kiểm tra gồm kiểm tra tổng thể, kiểm tra mức độ an toàn với người trưởng thành, trẻ em, người đi bộ và cuối cùng là kiểm tra các trang thiết bị hỗ trợ.
3.1 Đánh giá mức độ an toàn đối với người trưởng thành
Bài kiểm tra được dàn dựng dựa trên những tai nạn mô phỏng tác động trực diện khi ôtô va chạm với các đối tượng chuyển động hoặc cố định như cột đèn, cột điện… Chúng có thể gây ra các chấn thương cổ cho người lái.
3.2 Đánh giá mức độ an toàn đối với trẻ em
Các chuyên gia dựa trên 3 yếu tố để cho điểm, đó là hệ thống giữ trẻ ở phía trước và phía tác động, khả năng ổn định và chất lượng ghế ngồi dành cho trẻ em (hệ thống chốt dành cho ghế của trẻ, nút dừng khẩn cấp hoạt động của túi khí…).
3.3 Đánh giá mức độ an toàn đối với người đi bộ
Euro NCAP xác định sự an toàn của chiếc xe đối với người đi bộ bằng cách đánh giá các nguy cơ gây chấn thương đầu, xương chậu và chân từ những cấu trúc khác nhau gồm nắp ca-pô, kính chắn gió, cạnh nắp ca-pô và tấm chắn trước xe. Những xe ôtô trang bị hệ thống phanh khẩn cấp tự động sẽ được cộng điểm trong trường hợp này.
3.4 Đánh giá mức độ an toàn của các trang thiết bị hỗ trợ
Euro NCAP đề cao vai trò quan trọng của các công nghệ hỗ trợ người lái. Bởi chúng giúp người dùng kiểm soát xe tốt nhất từ nhắc nhở cài dây an toàn, cảnh báo tốc độ, hỗ trợ chuyển làn, phanh khẩn cấp…
Sau khi tổng kết và phân tích điểm số, chúng sẽ được đánh giá theo mức độ an toàn từ 1 đến 5 sao. Kết quả kiểm tra của Euro NCAP có hiệu lực trong vòng 6 năm liên tiếp. Tổ chức khuyến khích các hãng xe gửi lại mẫu ôtô để thử nghiệm sau khoảng thời gian này với các tiêu chí được sắp xếp và phân loại lại một cách hợp lý.