Trong 55 triệu người trong lực lượng lao động của Việt Nam thì có 1,1 triệu người thất nghiệp (tính đến quý I-2018), những vụ án giết người, xâm hại đang diễn ra hằng ngày, tỷ lệ người lớn bị trầm cảm tăng nhanh… Việt Nam đang tốn chi phí lớn để giải quyết những vấn đề xã hội, mà nguyên nhân quan trọng là do “bỏ quên” giáo dục mầm non.
Đầu tư giáo dục mầm non bị bỏ quên
Chúng ta đang sôi sục những câu chuyện về tự chủ đại học, đổi mới giáo dục phổ thông, nhưng lại bỏ quên một giai đoạn phát triển quan trọng trong xây dựng nguồn nhân lực quốc gia, đó là giai đoạn mầm non. Đầu tư cho giáo dục lứa tuổi từ 0 đến 5 tuổi sẽ tạo ra lợi nhuận cao nhất trong nguồn vốn dành cho nguồn nhân lực quốc gia và nó có ảnh hưởng rất lớn đến thành công trong xã hội tương lai.
Theo nghiên cứu của Giáo sư kinh tế người Mỹ James Joseph Heckman, đầu tư vào giáo dục mẫu giáo cho lợi nhuận từ 7% – 10% mỗi năm, căn cứ trên việc tăng trưởng kinh tế và thành công trong nghề nghiệp cũng như giảm chi phí cho giáo dục, y tế và an ninh. Riêng đối với trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, một chương trình mầm non chất lượng cao sẽ mang lại lợi nhuận khoảng 13% một em mỗi năm trong tương lai. Nghiên cứu của vị giáo sư từng đoạt giải Nobel này đã được các nhà hoạch định chính sách và giới truyền thông tại nhiều quốc gia trên thế giới tham khảo để cải thiện chất lượng giáo dục mầm non tại các nước này.
Nghiên cứu của giáo sư Heckman cho thấy, tỷ lệ học sinh trầm cảm, bỏ học, tội phạm, thất nghiệp… ngày càng cao mà chúng ta đang đối mặt là hậu quả của một nền giáo dục mẫu giáo chưa được quan tâm đúng mức. Riêng đối với trẻ nghèo khó, giáo dục mầm non chất lượng sẽ giảm thiểu khoảng cách giàu – nghèo, cải thiện sức khỏe, tăng thu nhập và tạo ra lợi nhuận kinh tế cao. Vì sự phát triển thời thơ ấu của một người có ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng cuộc sống lẫn ảnh hưởng xã hội của người đó trong tương lai.
“Sự đầu tư nguồn nhân lực quốc gia đạt tỷ lệ hoàn vốn cao nhất khi ưu tiên cho giáo dục mầm non, trong các gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Vì vậy, những người làm chính sách cần nhận thức điều này để có chiến lược giảm thâm hụt ngân sách và tăng cường phát triển kinh tế hiệu quả hơn”, Heckman nói. Vì theo ông nghiên cứu, lứa tuổi mầm non có bộ não phát triển nhanh chóng để xây dựng nền tảng các kỹ năng nhận thức cần thiết, từ đó phát triển một con người thành công trong trường học, có sức khỏe, nghề nghiệp và chất lượng cuộc sống. Giáo dục mầm non nuôi dưỡng các kỹ năng nhận thức cùng với động lực, tự kiểm soát và kỹ năng giao tiếp xã hội, giúp hình thành một công dân tử tế và yêu thích lao động.
Giáo dục mầm non là khoản đầu tư công và hiệu quả giúp giảm thâm hụt và tăng cường nền kinh tế. Như vậy, muốn giảm chi phí xã hội trong tương lai, các nhà hoạch định chiến lược giáo dục cần phải quan tâm nhiều hơn đến các gia đình khó khăn, đầu tư phát triển cho trẻ em có nguy cơ cao. Ngoài ra, chúng ta cần thấy rằng đầu tư cho các gia đình khó khăn cũng quan trọng không kém, vì đây là môi trường phát triển của trẻ em. Qua đó, cần chú trọng chính sách tín dụng ưu đãi cho hộ nghèo là một phần quan trọng trong chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.
Bài học gì cho Việt Nam?
Những câu chuyện bạo hành trẻ mầm non diễn ra gần đây đã phần nào cho thấy giáo dục mầm non tại Việt Nam chưa được quan tâm đúng mức. Hệ thống trường mầm non công lập, chưa đáp ứng đủ nhu cầu của dân số, đó là chưa nói đến chương trình dạy và học còn nhiều bất cập. Do tình trạng quá tải tại các trường mầm non mà việc xin một suất học cho trẻ em sẽ trở nên rất khó khăn hơn, ngay cả những người có hộ khẩu tại địa phương và là đối tượng được ưu tiên.
Các trường tư thục ra đời ngày càng nhiều đã phần nào đáp ứng được nhu cầu gửi trẻ của nhiều gia đình không đủ điều kiện cho con vào học trường công. Nhưng trong số các trường tư này, có rất nhiều trường chưa đạt yêu cầu về cơ sở vật chất, hạ tầng và chất lượng của đội ngũ giáo viên. Mức lương của các giáo viên ở các trường mầm non tư thục không cao, các chính sách bảo hiểm xã hội không lâu dài.
Vì vậy những người được đào tạo chuyên môn chính quy thường tìm cơ hội ở các trường công lập hoặc làm trái nghề. Và để bù đắp sự thiếu hụt này, nhà trường thường tuyển dụng nhân sự mới được đào tạo ngắn hạn, thậm chí cả những người chưa có chuyên môn và chỉ mới tốt nghiệp phổ thông. Ngay cả trình độ của người đứng đầu trường mầm non cũng cần được nói đến, khi mà việc rao bán, nhượng quyền mở lớp mầm non tư thục lại rất phổ biến ở trên mạng internet, mà không hề đề cập đến yêu cầu trình độ, bằng cấp người quản lý. Như vậy, người đứng đầu các trường tư có thể chỉ là người kinh doanh chứ không phải là một người làm giáo dục có đào tạo bài bản.
Thực tế, tại nhiều trường mầm non tư, chỉ một vài giáo viên có bằng cấp chuyên môn, còn lại là các cô bảo mẫu chưa được đào tạo nghề nghiệp hoàn chỉnh. Thậm chí có trường còn thuê những người mới tốt nghiệp phổ thông ở quê vào để dạy trường mầm non. Khi những vụ bạo hành trẻ mầm non được phanh phui mới đây, hầu hết các cô bảo mẫu đều chưa có bằng cấp. Nếu một người chưa qua đào tạo kỹ năng giáo dục các em nhỏ thì làm sao họ biết cách giao tiếp với trẻ, chứ chưa nói đến việc phát triển các kỹ năng bên trong mỗi đứa trẻ?
Trong khi đó, giáo dục mầm non đối với các gia đình khó khăn hoặc công nhân lại là một bài toán khó, chưa có lời giải. Tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, nhu cầu gửi trẻ là rất lớn trong khi các cơ sở công lập không đáp ứng được và việc tìm đến các trường mầm non tư thục là điều không tránh khỏi. Với nguồn lương ít ỏi, cha mẹ công nhân thường phải cho con vào các trường mầm non tư thục, thậm chí là các điểm trông trẻ không có giấy phép.
Hằng năm có hơn 1 triệu trẻ em ra đời mới là chuyện chúng ta đã có quy hoạch rất cụ thể rõ ràng. Hầu như Nhà nước vẫn chưa có quy hoạch về giáo dục mầm non ở những nơi tập trung các gia đình công nhân có nhu cầu trông giữ trẻ. Đây là một sự thiếu hụt lớn, cần phải có quy hoạch lại để tập trung ưu tiên những vùng có nhu cầu cao để đảm bảo trẻ được chăm sóc một cách đầy đủ… Bên cạnh đó, việc hàng nghìn các cơ sở mầm non tư thục không đạt tiêu chuẩn quy định về trường học vẫn được cấp phép thành lập, cho thấy việc cấp phép cũng như quản lý các trường mầm non tư thục, các cơ sở trông giữ trẻ tư nhân hầu như bị buông lỏng trong thời gian qua.
Qua đó có thể thấy, trách nhiệm của các cơ quan quản lý chuyên ngành lẫn chính quyền địa phương cần được đặt ra khẩn thiết để hạn chế tối đa những cơ sở mầm non tư nhân chưa đạt tiêu chuẩn quy định về trường học, giáo viên chưa có trình độ chuyên môn trông dạy trẻ và các cơ sở trông giữ trẻ không giấy phép. Ở tầm chiến lược, các nhà làm giáo dục cần xem giáo dục mầm non quan trọng tương đương với giáo dục ở những cấp bậc khác, nếu muốn có một giải pháp thượng nguồn cho một quốc gia phát triển trong tương lai.