Lực cầu bắt đáy nhập cuộc mạnh sáng nay, nhất là khi VN-Index về vùng 915 điểm, kéo các chỉ số tăng vọt trở lại sau chuỗi phiên lao dốc liên tiếp.
Trong phiên sáng hôm qua, áp lực bán mạnh ngay khi mở cửa đã khiến VN-Index mất mốc 940 điểm với sắc đỏ bao trùm bảng điện tử.
Nếu không có sự trở lại ngoạn mục của VIC và SAB, cùng VHM về tham chiếu, đà giảm của chỉ số này sẽ mạnh như HNX-Index.
Trong phiên chiều, áp lực bán tháo đã kích hoạt trên diện rộng đẩy hàng chục mã giảm sàn không kể lớn bé, khiến VN-Index có lúc rơi gần 40 điểm trước khi hồi nhẹ trên mốc 930 điểm.
Bước vào đợt khớp ATC, lực bán tháo với mức sàn tiếp tục được tung vào, gây áp lực lớn tới thị trường. Tuy nhiên, nhờ lực đỡ từ VIC +3,74%, VN-Index cuối cùng giữ được mốc 930 điểm.
Điểm tích cực là lực cầu bắt đáy chảy khá mạnh, giúp thanh khoản thị trường cải thiện đáng kể.
Sau khi chứng kiến thị trường rơi mạnh trong thời gian gần đây, ông Phạm Hồng Sơn, Phó Chủ tịch của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (SSC) đã lên sóng VTV và có phát biểu rằng: “Thị trường có lên có xuống nên nhìn chung vẫn đảm bảo bền vững nhờ nền kinh tế vĩ mô ổn định và tăng trưởng tốt, thị trường tiền tệ tốt, nhiều doanh nghiệp có tăng trưởng lợi nhuận cao.Theo ông, hơn 90% doanh nghiệp niêm yết ở sàn HOSE và HNX đều có tăng trưởng”.
Cũng theo ông Sơn, chuỗi phiên giao dịch giảm mạnh gần đây có nhiều nguyên nhân.
Đầu tiên là thị trường đã có giai đoạn tăng trưởng mạnh trong năm 2017 và quý I/2018. Vì vậy đợt giảm này nằm trong xu thế điều chỉnh, cùng với đó là nhà đầu tư cũng có tâm lý chốt lời bán ra.
Thứ hai, lượng cung hàng hóa trên thị trường cổ phiếu thời gian qua tương đối nhiều. Nhiều cổ phiếu lớn lên sàn niêm yết trong khi lượng cầu hiện tại không đủ và cần có thêm thời gian để hấp thụ lượng cung này.
Riêng về phiên 28-5, khi hàng loạt mã lớn giảm sâu và thậm chí giảm sàn, nhà đầu tư cho rằng đã có lượng lớn các cổ phiếu bị call Margin, tuy nhiên, ông Nguyễn Vũ Quang Trung, Ủy viên HĐQT của HOSE đánh giá: “Tại các công ty chứng khoán Top đầu, áp lực bán giải chấp (call margin) chỉ từ 40-50 tỷ đồng trong phiên hôm qua. So với giá trị giao dịch hơn 6.000 tỷ đồng của HoSE, đây là con số không đáng kể”.
Bước vào phiên giao dịch sáng nay (29-5), bất chấp những động thái trấn an từ lãnh đạo SSC và HOSE, nhà đầu tư vẫn tiếp tục xả mạnh cổ phiếu, VN-Index lao dốc xuống ngưỡng 916 điểm, trước khi nhận được lực cầu bắt đáy, nhưng cũng chỉ đủ để giúp chỉ số này leo lên 920 – 925 điểm và rung lắc.
Diễn biến cổ phiếu đã có sự phân hóa mạnh trên bảng điện tử, khi một số mã vẫn còn giảm sàn như SBT, DIG, VCI, cùng nhóm cổ phiếu lớn khác nỗ lực để thoát mức giảm hết biên độ là GAS, ROS, LDG, BHN…, cùng cặp đôi VHM – VIC cũng đang giảm khá mạnh (3 – 4%).
Ngược lại, một số cổ phiếu nhận được lực bắt đáy khá lớn và đang tăng tốt, đặc biệt là nhóm cổ phiếu ngân hàng, khi những VCB, CTG, BID, MBB đang tăng lên sát mức giá trần, thanh khoản khớp lệnh cũng tăng vọt so với những phiên gần đây.
Sau khi nhóm cổ phiếu ngân hàng nhận được lực cầu mạnh và tăng rất tốt thì dường như tâm lý nhà đầu tư cũng đã trở nên tích cực hơn, dòng tiền nhập cuộc trở lại tuy không quá lớn do áp lực từ những phiên giảm sâu gần đây vẫn đang chi phối nhà đầu tư, nhưng cũng đủ để kéo VN-Index lên sắc xanh khi hết phiên sáng nay.
Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 178 mã tăng và 99 mã giảm, VN-Index tăng 6,93 điểm (+0,74%), lên 938,68 điểm. Như vậy, so với mức đáy của phiên sáng, VN-Index đã tăng gần 23 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 100,63 triệu đơn vị, giá trị 2.824,04 tỷ đồng, tương đương với phiên sáng hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 11,7 triệu đơn vị, giá trị 352 tỷ đồng.
Như đã nêu trên, động lực chính của thị trường là nhóm cổ phiếu ngân hàng, khi đột ngột nhận dòng tiền bất ngờ, kéo nhiều cổ phiếu nhóm này tăng vọt từ nửa sau phiên sáng.
Đáng kể nhất là 3 cổ phiếu ngân hàng trong top vốn hóa lớn nhất thị trường là VCB tăng kịch trần +6,8% lên 50.000 đồng, khớp lệnh 2,36 triệu đơn vị; CTG tăng 6,2% lên 25.850 đồng, khớp 4,6 triệu đơn vị, dẫn đầu thanh khoản HOSE. BID cũng tăng mạnh 6% lên 27.350 đồng, khớp lệnh 1,63 triệu đơn vị.
Nhóm cổ phiếu còn lại cũng có giao dịch tích cực khi VPB cũng vọt từ sát mức giá sàn lên 39.750 đồng, tương đương +2,4% lên 39.750 đồng, khớp 4,35 triệu đơn vị. MBB tăng 4,9% lên 27.600 đồng, khớp 3,58 triệu đơn vị; STB tăng 5,5% lên lên 11.450 đồng, khớp 3,65 triệu đơn vị; HDB tăng 5,2% lên 34.500 đồng, khớp 2,46 triệu đơn vị; TPB tăng 5,2% lên 28.500 đồng, khớp hơn 350.000 đơn vị. Duy nhất có EIB bị đẩy lui -1% xuống 14.350 đồng.
Nhóm 10 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất thị trường thì cặp đôi VHM-VIC vốn những phiên trước thay nhau đóng vai trò là lực đỡ hãm bớt đà rơi của thị trường thì trong phiên sáng nay lại trở thành gánh nặng, khi VHM giảm 2,3% xuống 114.300 đồng, VIC giảm 3,2% xuống 107.500 đồng.
Bên cạnh đó, giảm điểm còn có GAS -2,7% xuống 95.400 đồng, mặc dù đã có thời điểm rơi xuống mức giá sàn; MSN cũng thu hẹp đà giảm, chỉ còn mất 2,1% xuống 78.300 đồng. Ngược lại, SAB lại bị đẩy từ sắc xanh xuống -2,6% xuống 225.900 đồng.
Tăng điểm ngoài nhóm ba mã ngân hàng lớn nêu trên thì còn VNM +0,5% lên 165.800 đồng, mặc dù phần lớn thời gian phiên sáng cũng ở sắc đỏ. Tương tự là VRE, khi được kéo mạnh +3% 41.500 đồng.
Nhóm bluechip VN30 ngoài VIC, SAB, MSN thì giảm điểm đáng kể chỉ còn có ROS -3,7% xuống 54.900 đồng; SBT -4,6% xuống 13.600 đồng, khớp 4 triệu đơn vị; VJC -1,4% xuống 146.300 đồng; KDC -0,9% xuống 33.500 đồng, tuy nhiên điểm tích cực là các mã này đều có chung diễn biến là thu hẹp mức giảm tương đối mạnh…
Nhóm cổ phiếu ngân hàng tăng tốt cũng đã ảnh hưởng tích cực lên nhóm chứng khoán khi mà SSI +6,5%; VND +5%; VDS tăng trần +6,9%; HCM +5,2%…
Ngoài nhóm ngân hàng, chứng khoán nổi bật, thì một số mã bất động sản, xây dựng cũng không kém cạnh khi cũng đua nhau tăng mạnh như NVL +6,7% lên 54.400 đồng, khớp hơn 4 triệu đơn vị; HBC +5,7% lên 23.700 đồng; DXG thậm chí tăng trần +6,9% lên 27.950 đồng, khớp 1,54 triệu đơn vị; CTD +4,8% lên 130.000 đồng.
Nhóm cổ phiếu thị trường chia đôi ngả, khi sắc đỏ phủ lấy HAG, HNQ, HQC, QCG, EVG, trong khi đó các mã khác lại tăng điểm có ASM, FLC, IDI, ITA, AMD, OGC…và thậm chí một số còn tăng trần như VHG, SJF, FCM, khớp lệnh cao nhất có FLC với hơn 2,34 triệu đơn vị; IDI có 2 triệu đơn vị….
Trên sàn HNX, diễn biến cũng tích cực hơn, khi chỉ số HNX-Index chỉ chớm đỏ trong ít phút, sau đó đã liên tục đi lên nhờ đà tăng nới rộng của nhóm cổ phiếu chi phối.
Cụ thể, SHB tăng 7,3% lên 8.800 đồng, khớp hơn 5,86 triệu đơn vị, dẫn đầu thanh khoản HNX; VPS tăng 4,5% lên 16.400 đồng, khớp 2,94 triệu đơn vị; ACB tăng 7,2% lên 38.800 đồng, khớp 2,9 triệu đơn vị; CEO tăng 5,2% lên 16.100 đồng, khớp hơn 812.000 đơn vị; HUT tăng 3,5% lên 5.900 đồng, khớp hơn 1,28 triệu đơn vị. Điều đặc biệt là cả 5 mã cổ phiếu nêu trên thì đến 4 mã mở cửa ở mức giá sàn.
Nhóm cổ phiếu mất điểm đang kể chỉ còn VGC -1,8% xuống 21.500 đồng, khớp 1,81 triệu đơn vị; DNP -1,5% xuống 19.100 đồng, khớp 1,64 triệu đơn vị.
Nhóm cổ phiếu nhỏ KLF tăng trần; DST +6,4%; MST +6,2%…, khớp lệnh KLF có hơn 1,9 triệu đơn vị.
Chốt phiên sáng, sàn HNX có 77 mã tăng và 44 mã giảm, HNX-Index tăng 4,23 điểm (+3,94%), lên 111,6 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 27,75 triệu đơn vị, giá trị 390,37 tỷ đồng, tăng 31% về khối lượng nhưng chỉ tăng hơn 4% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 2,84 triệu đơn vị, giá trị 39,3 tỷ đồng.
Trên sàn UpCoM, chỉ số UpCoM-Index tương đồng trên HNX, khi đã liên tục đi lên từ đầu phiên sáng, dù mở cửa trong sắc đỏ nhẹ, với hầu hết các cổ phiếu lớn đều tằng điểm.
Trong đó, LPB khớp lệnh cao nhất với hơn 1,5 triệu đơn vị, chốt phiên +4,3% lên 12.000 đồng.
Nhóm cổ phiếu còn lại không mã nào khớp trên 500.000 đơn vị, nhưng cũng được màu xanh che phủ như BSR +2,8%; OIL +3,7%; POW +1,5%; HVN +5,6%; ART +1,4%; VIB +3,8%; QNS +0,3%; DVN +2,1%…
Chốt phiên sáng, UpCoM-Index tăng 1,07 điểm (+2,1%), lên 52,17 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 4,64 triệu đơn vị, giá trị 63,41 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 5,11 triệu đơn vị, giá trị 66,86 tỷ đồng.
-Theo ĐTCK