Ánh Tuyết – Duyên kiếp cùng giọng xứ Quảng
Người yêu nhạc thường nhớ đến Ánh Tuyết với các ca khúc của Văn Cao, Đoàn Chuẩn hay Trịnh Công Sơn, Phạm Duy… nhưng với Duyên kiếp, chị đã thu âm một album với mười ca khúc đều là những ca khúc bolero nổi tiếng của các nhạc sĩ Lam Phương, Trúc Phương, Huỳnh Anh, Ngân Giang, Châu Kỳ, Minh Kỳ, Thanh Phương, Hoàng Nguyên… Điểm thú vị nhất của album Duyên kiếp chính là ở điểm có đến hai phiên bản: phiên bản một là giọng hát thính phòng quen thuộc của Ánh Tuyết và phiên bản hai được hát bằng giọng Quảng “chính gốc”. Với người khác miền, “Quảng ngữ” luôn là một “thách thức” khi có dịp trò chuyện với dân gốc Quảng Nam, chứ đừng kể là khi thưởng thức một album được hát bằng chất giọng Quảng “đặc sệt” như trong phiên bản hai của Duyên kiếp. Có khá nhiều ý kiến trái ngược khi một, hai bản thu giọng tiếng Quảng xuất hiện trên YouTube, nhưng ca sĩ Ánh Tuyết vẫn tự tin với phiên bản hai của Duyên kiếp, vốn dĩ đã lấy đi của chị gần nửa năm “đi tới đi lui” giữa Đà Nẵng và Sài Gòn để thu âm: “Album sẽ đem lại một trải nghiệm hoàn toàn mới mẻ trên những tác phẩm đã quá quen thuộc dành cho khán giả”.
Tuyết Loan – Jazz Lady’s Intimate Concert
DVD này do Viết Tân sản xuất cùng với các nhạc công nổi tiếng như Vũ Trọng Hiếu (Hiếu Râu) – piano, Phú Toàn – guitar, Lê Tấn Quốc – saxophone và sự góp mặt của nghệ sĩ saxophone Trần Mạnh Tuấn. Với những người yêu jazz Sài Gòn và hâm mộ giọng hát Tuyết Loan, đây là đĩa nhạc “không thể không mua” bởi nó “gói ghém” trọn vẹn hành trình 50 năm Tuyết Loan đi cùng với jazz. Ở đó có những tác phẩm jazz kinh điển và các ca khúc nổi tiếng được phối với phong cách jazz với khả năng hát tiếng Anh điêu luyện, và một “tinh-thần-jazz” của Tuyết Loan. Phần hình ảnh đã được quay trực tiếp từ minishow của Tuyết Loan vào tháng 4-2012 vừa qua.
Phạm Thu Hà – Classic meets Chillout
Sự kết hợp đầy lạ lẫm, nhưng hấp dẫn tuyệt vời: giọng hát nữ bán cổ điển sang trọng của Phạm Thu Hà trên nền nhạc điện tử theo phong cách chillout của nhạc sĩ Võ Thiện Thanh. Lần đầu xuất hiện vào hai năm trước, Phạm Thu Hà đã gây choáng cho người yêu nhạc với album Tình thu, vốn không được phát hành rộng rãi, vì album ra đời với mục đích đánh dấu sự kiện Phạm Thu Hà tốt nghiệp bậc đại học về thanh nhạc tại Học viện Âm nhạc Quốc gia. Cô không chỉ có giọng hát rất hay, mà còn có ngoại hình rất quyến rũ, đầy đủ tố chất để trở thành một ngôi sao. Sau khi xuất hiện tại một vài chương trình âm nhạc trên truyền hình, Phạm Thu Hà giới thiệu đĩa đơn Habanera New Mix (DJ Hoàng Anh thực hiện bản phối), tiếp sau đó là album Classic meets Chillout với dòng nhạc cổ điển giao thoa với nhạc điện tử đang phát triển rất mạnh mẽ trên thế giới.
Hiền Thục – Gặp nhau lúc 3:15 chiều
Không ít người nghi ngại về sự trưởng thành của cô ca sĩ có bề ngoài quá trẻ so với độ tuổi này, dẫu giọng hát của Hiền Thục đã được “bảo chứng” khi nhận được không ít lời khen. Năm 2012 là năm rất thành công với Hiền Thục. Bản hit Nhật ký của mẹ đã cho thấy một phong cách và bản lĩnh riêng của cô. Sau gần hai năm không phát hành sản phẩm mới, Hiền Thục trở lại với album Free 3:15 PM. Về mặt biên tập, Free 3:15 PM chưa hẳn là một album thật sự xuất sắc, nhưng với bản lĩnh và lối hát mộc mạc của Hiền Thục, album đã có một chỗ đứng riêng của mình.
Hồng Vy – Giấc mơ mùa lá
Một đĩa nhạc semi-classic với chín ca khúc đã trở nên quen thuộc về đề tài Hà Nội. Cũng có ý kiến cho rằng, cả album chỉ nghe được mỗi ca khúc Giấc mơ mùa lá (một sáng tác tặng vợ Hồng Vy của nhạc sĩ trẻ Trần Mạnh Hùng), các ca khúc Hướng về Hà Nội (Hoàng Dương), Đêm nằm mơ phố (Việt Anh)… Hồng Vy thể hiện khá “căng thẳng”.Tuy vậy, không thể phủ nhận chất giọng đẹp và tình cảm trong sáng của toàn bộ album.Trần Mạnh Hùng nổi tiếng về tài hòa âm phối khí và nổi tiếng trong việc kén chọn ca sĩ.Mặc dù làm nhạc cho ca-sĩ-vợ thì cũng đã bắt đối tác đợi hơn ba năm, album mới có thể hoàn thành.Thời gian không nói lên sự tử tế của Giấc mơ mùa lá, thay vào đó, khi lắng nghe album này mới thấy được.
Uyên Linh – Giấc mơ tôi
Album này đã gây nhiều tranh cãi: người bảo đáng nghe, người than thất vọng. Cảm giác ban đầu là với Giấc mơ tôi, Uyên Linh quá “tỉnh” chứ không “say nồng” như thuở thi Vietnam Idol.Ấy vậy mà càng nghe thì càng thấm và phải gật gù cảm phục các nhạc sĩ hòa âm đã miệt mài công sức ngồi dũa viên ngọc còn thô. Bởi vừa bước ra khỏi một chương trình đậm chất giải trí như Vietnam Idol, mà bước ngay vào phòng thu thì Uyên Linh mất rất nhiều công sức và tâm tư.Giấc mơ tôi, tính đến nay, chính là một sản phẩm âm nhạc đáng nghe nhất của các idol bước ra từ các chương trình truyền hình thực tế.
Lê Cát Trọng Lý – Tuổi 25
Lê Cát Trọng Lý có một lượng khán giả của riêng mình. Còn những ai không phải là fan của cô, vẫn thương quý bởi cô là ca sĩ mang nhiều chất “độc lập” nhất ở Việt Nam hiện nay. Trở về từ cuộc hành hương dài ngày ở Tây Tạng, Lê Cát Trọng Lý giới thiệu album vol.2 Tuổi 25, vẫn hơi hướng dân gian, vẫn nét ngẫu hứng như bấy lâu. Phần lời đã giản dị hơn, để có thêm nhiều người cùng chia sẻ. Tám bài hát, cũ lẫn mới hòa: Thương, Con đường lạ, Tám chữ có, Nhiều người ôm giấc mơ… được thu lại từ một buổi biểu diễn của cô mang tên Lý – Tuổi 25 ở Hà Nội năm qua, thậm chí còn giữ nguyên tiếng vỗ tay của khán giả.