Nhiều vụ bác sĩ (BS), nhân viên y tế bị hành hung liên tục xảy ra gần đây. Để bảo vệ người của mình, các bệnh viện đã xây dựng quy tắc ứng xử, , coi đó là một trong những giải pháp hữu hiệu nhất. Nhưng đây cũng chính là một vấn đề gây tranh luận.
Một ngày giữa tuần, tất cả các BS, điều dưỡng, nhân viên của Bệnh viện (BV) Đa khoa tỉnh Phú Thọ đã có một buổi học đặc biệt với chuyên gia tội phạm học của Bộ Công an, trung tá Đào Trung Hiếu và võ sư của môn phái Nhất Nam Đinh Công Lịch.
“BS cứu người nhưng ai cứu chúng ta?” – là câu hỏi được đặt ra trong buổi học. Các BS, điều dưỡng đã được học một số kỹ năng tự vệ cơ bản để tự “cứu mình” nếu bị hành hung, trước khi lực lượng chức năng kịp đến can thiệp.
Khi thầy thuốc… học võ
Lý giải về nguyên nhân cả BV phải học võ, giám đốc BV Đa khoa tỉnh Phú Thọ Nguyễn Huy Ngọc cho biết phương châm của BV “người bệnh là khách hàng”, nhưng gần đây cán bộ y tế các nơi liên tục bị đánh khiến nhân viên của BV rất lo lắng.
“Người phải vào BV là những người không khỏe cả về sức khỏe và tinh thần, người nhà của họ cũng đang không khỏe về tinh thần, họ rất dễ bị kích động. Trong khi đó kỹ năng giao tiếp, kỹ năng giải quyết các tình huống của nhân viên y tế lại chưa tốt nên tập huấn kỹ năng ứng phó với tình huống xấu xảy ra với nhân viên y tế là cần thiết” – ông Ngọc nói.
Đây không phải là BV đầu tiên cho nhân viên học võ. Một BV khác cũng ở Phú Thọ, BV Đa khoa Hùng Vương đã cho tất cả nam BS và nhân viên học võ từ cách đây sáu năm. Sáu năm qua, lớp học võ được duy trì đều đặn mỗi sáng sớm và chiều tối.
Số lượng học viên là BS, điều dưỡng, y tá và bảo vệ đã tăng từ vài chục người lên cả trăm người, trong đó nhân viên y tế chiếm 80%. Nếu không được giới thiệu thì không ai nhận ra họ là BS ngày ngày mặc áo blouse chăm sóc bệnh nhân.
“Ai cũng nghĩ BS tụi tôi chân yếu tay mềm chỉ quen mổ xẻ. Thế mà từ “lò” đào tạo này, nhiều người trở thành võ sư đứng lớp truyền đạt các chiêu thức, đường quyền cho các lứa đồng nghiệp trẻ mới vào nghề” – ông Phạm Văn Học, chủ tịch HĐQT BV Đa khoa Hùng Vương, nói.
Ông Học cho biết từ năm 2012, lớp “giáo dục thể chất” của BV ra đời nhằm đáp ứng nhu cầu nâng cao sức khỏe cho nhân viên y tế, bảo vệ. Thời điểm này chưa “nóng” về tình trạng hành hung BS như gần đây. “Khỏe mới có sức làm việc, ban đầu mở lớp học tôi chỉ suy nghĩ nâng cao thể chất cho đội ngũ nhân viên y tế để làm tốt công việc chuyên môn. Nay khi việc hành hung nhân viên y tế đang phổ biến thì việc học này có thêm tác dụng tự vệ khi xảy ra sự cố chứ chưa bao giờ có ý nghĩ để đối kháng với bệnh nhân” – ông Học nói.
Những ngày đầu tiên, lớp mở dạy liên tục 5 ngày/tuần, giờ đây khi mọi thứ đi vào nề nếp, lớp học duy trì 2 ngày/tuần cho các nhân viên y tế có nơi vận động, nhằm giảm áp lực sau giờ làm việc. “Hằng ngày nhân viên y tế chịu nhiều áp lực nhưng khi nghe mở lớp ai cũng hào hứng tham gia. BV có những chính sách hỗ trợ, tăng khẩu phần ăn mỗi ngày để họ chuyên tâm học cũng như thực hiện công tác chuyên môn” – ông Học nói.
Tham dự lớp học từ những ngày đầu, ông Nguyễn Trạch Dân – phó giám đốc BV – cho biết bản thân ông rất thích thú với lớp học này. “Không riêng gì tôi, tất cả các y, BS rất hào hứng vì được vận động, đổ mồ hôi rất nhiều.
Tôi chuyên về răng hàm mặt, thường xuyên tiếp xúc các ca tai nạn phức tạp, gặp toàn các đối tượng có vẻ “hổ báo”, sợ lắm. Vậy mà học qua lớp này cảm giác lo sợ ấy biến mất, thay vào đó là sự bình tĩnh hơn trong xử lý các tình huống cấp cứu, ứng xử với người nhà bệnh nhân” – ông Dân cho biết.
Theo ông Học, môi trường BV rất phức tạp, người hiền, dữ, tốt, xấu… có cả. Nhiều người rất căng thẳng bởi lo lắng. “Căng thẳng, dồn nén sẽ được hóa giải khi nhân viên y tế có cử chỉ thân thiện, giải quyết nhanh, cộng thêm môi trường sạch sẽ cũng giúp họ dịu lại. Nhưng chỉ cần một ánh mắt thiếu thiện chí, một hành động thờ ơ, thiếu trách nhiệm, một câu nói không có chủ đích đôi khi lại là tác nhân gây căng thẳng và bạo lực xảy ra” – ông Học phân tích.
Do vậy, các nhân viên y tế được yêu cầu trước hết là làm tròn trách nhiệm trong giao tiếp, xử lý các tình huống. Nếu gặp “người khó tính” mới sử dụng “hàng rào” thứ hai là hệ thống ghi âm, ghi hình và lực lượng an ninh được phân bố một cách hợp lý ở nơi nhạy cảm. “Chỉ trường hợp cố tình không hài lòng, gây hấn lúc đó mới sử dụng kỹ năng võ thuật để cơ quan chức năng can thiệp. Lớp học 6 năm nay nhưng thực tế nhân viên y tế mới chỉ có 2 lần phải sử dụng võ hóa giải” – ông Học nói.
Nhờ có võ, rất nhiều tình huống nguy hiểm đã được hóa giải để đảm bảo an toàn cho nhân viên y tế. Ông Nguyễn Trạch Dân kể: hôm 29 tết 2018 ở BV đã xảy ra một vụ xô xát lớn. Hôm đó lái xe cứu thương đang chở một nam thanh niên bị tai nạn giao thông nặng về cấp cứu tại BV (bệnh nhân này sau đó đã tử vong), khi gặp một taxi phía trước, lái xe đã có tín hiệu xin vượt và vượt taxi. Thế nhưng lái xe taxi cho thế là vượt ẩu và đuổi theo tận BV để đánh lái xe cứu thương.
“Nhân viên của BV đều có kỹ năng nên đội bảo vệ đã nhanh chóng khống chế người hành hung nhân viên” – ông Dân kể lại.
Theo thông tư của Bộ Y tế quy định về quy tắc ứng xử của công chức, viên chức, người lao động làm việc trong các cơ sở y tế. Theo đó có năm quy tắc gồm ứng xử của công chức, viên chức y tế khi thi hành công vụ, nhiệm vụ được giao; ứng xử đối với đồng nghiệp; ứng xử đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân; ứng xử trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; ứng xử của lãnh đạo, quản lý cơ sở y tế.
Cụ thể, đối với người đến khám bệnh nhân viên y tế phải niềm nở đón tiếp, tận tình hướng dẫn các thủ tục cần thiết; phân loại người bệnh, sắp xếp khám bệnh theo thứ tự và đối tượng ưu tiên theo quy định; bảo đảm kín đáo, tôn trọng người bệnh khi khám bệnh; thông báo và giải thích tình hình sức khỏe hay tình trạng bệnh cho người bệnh hoặc người đại diện hợp pháp của người bệnh biết… Dựa vào các quy tắc trên, từng BV sẽ cụ thể hóa cho phù hợp đối với BV mình.
Lỗi tại ai?
Vụ BS V.H.C. của BV Xanh Pôn (Hà Nội) bị đánh hôm 13-4 được camera ghi lại và tung lên mạng xã hội đã tạo nên một làn sóng phẫn nộ trong giới y khoa và cả người dân. Giới y khoa yêu cầu được bảo vệ và bày tỏ sự phẫn nộ trước tình trạng bạo lực gia tăng với họ.
Ông Trần Trung Dũng, phó giám đốc BV, cho biết BS C. tư vấn về phương án điều trị và viện phí, nội dung tư vấn và thời gian là hoàn toàn đúng quy trình. Tuy nhiên, những người dân lên tiếng vì vụ việc cũng băn khoăn và cho rằng BS chưa nhiệt tình đưa cháu bé đi khâu sớm và tư vấn dài dòng cho người nhà bệnh nhi. Có người còn bày tỏ: “Không có lửa làm sao có khói”…
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến thì cho rằng dù trong hoàn cảnh nào thì việc hành hung nhân viên y tế là hành hung người đang làm nhiệm vụ, là vi phạm pháp luật. Bà đề nghị người dân báo lỗi ứng xử của nhân viên y tế cho đường dây nóng Bộ Y tế và đường dây nóng BV.
Bà Tiến cũng cho rằng những biện pháp vừa qua để bảo vệ nhân viên y tế (BV ký kết với các đơn vị công an trên địa bàn) là chưa có hiệu quả. Đồng cảm với quan điểm này, phó giám đốc BV ĐH Y Hà Nội Nguyễn Lân Hiếu cũng cho rằng các biện pháp chống hành hung nhân viên y tế vừa qua chưa hiệu quả và thậm chí phải cần đến một cuộc “xuống đường” biểu thị yêu cầu bảo vệ nhân viên y tế.
Chống bạo hành, cách nào?
Đại diện BV Đa khoa Hùng Vương (Phú Thọ) cho biết họ có hàng rào an ninh rất hiệu quả để phòng chống bị hành hung. Bởi ngay trong những thời điểm cấp thiết, khó mà bấm chuông hay gọi ai đó đến hỗ trợ ngay, nên mỗi BS, điều dưỡng và lực lượng bảo vệ cần tự bảo vệ mình.
Trong tình huống khẩn cấp, BV có các hình thức thông báo bằng chuông. “Chúng tôi từng tập hợp ngay được trên 100 cán bộ y tế và nhân viên tại sân BV để giải quyết tình huống cấp cứu khẩn cấp cho bệnh nhân, sau khi nghe chuông báo liên hồi” – đại diện BV cho biết.
Bà Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết ở các BV có đặt bốt công an, công an chia ca đi tuần như ở Hải Phòng, Ninh Bình thì bạo lực với nhân viên y tế đã giảm rõ rệt. Theo bà, bảo vệ BV khó can thiệp trong nhiều tình huống bạo lực tại BV.
Năm 2017 từng có vụ côn đồ vào BV chém đứt khí quản bệnh nhân, nên ngành công an các cấp cần vào cuộc, đồng hành với nhân viên y tế và không để họ đơn độc. “Nhiều vụ hành hung nhân viên y tế chưa được xử lý nghiêm, ngoại trừ vụ ở Thạch Thất, Hà Nội năm 2017, do BS bị bố bệnh nhi đập chiếc cốc to vào đầu và bị chảy máu nhiều, bố bệnh nhi đã bị xử tù 9 tháng” – bà Tiến nói. Tuy nhiên những vụ bị xử lý nghiêm như trên chưa nhiều.
Ông Nguyễn Trọng Khoa, phó cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), cho biết cục đã có dự định xây dựng một hướng dẫn các tình huống phòng tránh việc hành hung cho các BV như lắp khóa từ tại các khu vực dễ xảy ra xô xát như khoa nhi, khoa cấp cứu, khu vực điều trị bệnh nhân tâm thần và tùy khả năng tài chính của BV có thể lắp thêm camera an ninh, huy động thêm bảo vệ… Nhưng đến nay, Bộ Y tế vẫn chưa có hướng dẫn này, trong khi việc hành hung BS, nhân viên y tế vẫn đang liên tiếp xuất hiện.
Tại hội nghị ứng dụng công nghệ 4.0 trong y tế mới đây, TS Đinh Xuân Thành – Viện Đào tạo răng hàm mặt (ĐH Y Hà Nội) – đã giới thiệu giải pháp “Hệ thống hỗ trợ BS chống bạo hành bằng công nghệ thông tin”, thông qua một thẻ thông minh kết nối cổng bộ phận nhận tín hiệu chung của BV.
Khi có sự cố, BS có thể nhấn nút trên thẻ để truyền tín hiệu tới máy chủ, thẻ có thể định vị vị trí BS đang đứng, báo động cho bộ phận an ninh, kích hoạt camera, loa, đóng cửa các khoa để giải quyết vụ việc. Theo TS Thành, “tất cả quy trình này kéo dài chưa đến 2 giây và thẻ hiện đã được thiết kế xong”.
Thời gian qua, số vụ hành hung nhân viên y tế đã tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ 2017. Ông Nguyễn Trọng Khoa – phó cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế – thừa nhận là “bạo lực với nhân viên y tế đang leo thang”.
Trong khi đó giới y khoa đang truyền nhau những “bí quyết” phòng tránh hành hung, không ít biện pháp có thể dẫn đến tiêu cực: luôn có vật chắn giữa bệnh nhân và thầy thuốc như bàn, giường, cáng, luôn vâng dạ nhưng “làm đến đâu có trời biết”… Nhiều ý kiến cho rằng những “bí quyết” này đang ngày càng tạo một hố sâu giữa người bệnh – thầy thuốc.
Quan trọng là cách ứng xử
BS Nguyễn Đình Phú, phó giám đốc BV Nhân Dân 115 (TP.HCM), cho biết học võ nâng cao thể chất để tự vệ là việc tốt nhưng đây chưa phải là biện pháp căn cơ. Theo ông, để không xảy ra sự cố, BV đã có quy tắc ứng xử của nhân viên y tế đối với bệnh nhân.
Việc tập huấn cách giao tiếp cho nhân viên y tế mới là việc làm quan trọng nhất. Từng người của BV phải có ý thức xây dựng hình ảnh, kỹ năng giao tiếp. Với những người phản ứng quá khích, cần tăng cường đội ngũ bảo vệ tinh nhuệ túc trực ở những “điểm nóng”: phòng cấp cứu, khoa khám bệnh.
“Khoa cấp cứu là nơi thường xảy ra xung đột nên BV chúng tôi tăng cường đội ngũ bảo vệ. Khi sự cố xảy ra, bảo vệ là người đầu tiên can thiệp, đồng thời liên kết với các lực lượng công an để kịp thời xử lý. Trước nay, BV cũng xảy ra một số vụ xô xát nhưng can thiệp kịp thời” – ông nói.
Theo ông Phú, môi trường BV vốn phức tạp, vô vàn tình huống có thể xảy ra do đó không thể đưa ra cách ứng phó nào cụ thể, nhưng điều quan trọng là phải luôn nắm bắt được tâm lý người bệnh. “Ai cũng nôn nóng, muốn làm nhanh theo ý họ. Nhưng vì sự an toàn của bệnh nhân đôi khi chúng tôi vẫn phải bình tĩnh thực hiện các thủ tục xét nghiệm cận lâm sàng, phải hội chẩn, phải theo dõi.
Khi đó, nhân viên y tế phải tiếp cận gia đình người bệnh, từ đó giải thích, tránh hiểu nhầm không đáng” – ông nói. Đề cập những vụ hành hung BS, nhân viên y tế gần đây, BS Phú cho rằng một số người nhà của bệnh nhân hơi quá khích, phía nhân viên y tế cũng chưa có cách giải thích tới nơi tới chốn, thậm chí dùng quá nhiều thuật ngữ chuyên môn khiến người bệnh không hiểu hoặc hiểu lầm.
BS Hoàng Thị Diễm Tuyết, giám đốc BV Hùng Vương (TP.HCM), cho rằng hiện nay các BV tuyến cuối hoặc chuyên khoa đầu ngành hầu như đều quá tải, áp lực này đè nặng lên vai của BS, nhân viên y tế. Vì vậy không tránh khỏi việc người bệnh, người nhà bệnh nhân quá khích.
Nhiều năm nay, BV đã chủ động triển khai quy tắc ứng xử đối với cán bộ chủ chốt, nhân viên y tế khi tiếp nhận, chăm sóc bệnh nhân nhằm hạn chế xảy ra va chạm. Trong mọi tình huống, nhân viên y tế phải ứng xử hết sức nhẹ nhàng. BV này đã trang bị hệ thống “báo động khẩn” tại các bàn làm việc của tất cả các phòng, khoa.
“Hệ thống này giúp đề phòng người say xỉn, quá khích vào BV gây sự. Khi đó nhân viên y tế chỉ cẩn nhấn nút báo động, bảo vệ sẽ nhanh chóng chạy lên giải tỏa. Trường hợp quá căng thẳng, BS, nhân viên không nên tiếp tục đối chất với người nhà bệnh nhân mà rút lui nhờ hỗ trợ” – BS Tuyết nói.
Trang bị kỹ năng ứng phó cho bảo vệ
Trưởng công an một quận ở TP.HCM có nhiều BV cho biết giữa BV và công an đều có quy chế phối hợp nhằm kịp thời xử lý mọi tình huống. Thường giai đoạn đầu chủ yếu do công an phường phụ trách, khi sự việc có dấu hiệu nghiêm trọng thì lực lượng công an quận sẽ can thiệp, xử lý.
Hiện tại, các BV đều có lực lượng bảo vệ chuyên nghiệp, góp phần giảm thiểu sự manh động của những người nhà bệnh nhân quá khích. “Việc dạy võ cho BS, nhân viên y tế không nên xem là giải pháp lâu dài. Quan trọng nhất là đội ngũ bảo vệ, đó là lực lượng gần nhất, phản ứng tức thì. Do đó cần trang bị, huấn luyện kỹ năng ứng phó cho bảo vệ” – vị này nói.
Bệnh nhân nặng ưu tiên cấp cứu trước
Theo BV Nhân dân 115, bệnh nhân tới khám bình thường phải thực hiện các bước: nộp các giấy tờ cần thiết như giấy tờ tùy thân, giấy giới thiệu của BV tuyến dưới (nếu có), thẻ BHYT và lấy số thứ tự vào khám. Với trường hợp cấp cứu, được coi là ưu tiên (cấp cứu thông thường, cấp cứu nguy cơ đến tính mạng, cấp cứu báo động đỏ). Bệnh nhân được chuyển tới cung cấp tên tuổi (nếu có) và ngay lập tức có đội cấp cứu tiến hành thực hiện cấp cứu ngay. Việc cấp cứu cũng được xếp theo thứ tự ưu tiên là trường hợp nào nặng nhất, có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng nhất được cấp cứu trước.
– Theo Hoàng Lộc – Lan Anh