Cuối tuần qua, một lần nữa thị trường chứng khoán đón thông tin thương vụ lớn đến từ khối ngân hàng thương mại: Ngân hàng Kỹ thương (Techcombank) IPO thành công với giá trị thu về kỷ lục.
Hơn 164 triệu cổ phiếu Techcombank được chào bán với mức giá lên tới 128.000 đồng/cổ phiếu, thu về xấp xỉ 922 triệu USD, tạo kỷ lục mới trong các đợt IPO của các ngân hàng thương mại Việt Nam từ trước tới nay.
Dòng chảy vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài vào thị trường chứng khoán Việt Nam nói chung, vào ngạch ngân hàng nói riêng, tiếp tục chảy mạnh, sau năm ấn tượng 2017.
Riêng năm 2018, với kế hoạch dự kiến đến thời điểm này, dòng vốn đầu tư nước ngoài, đi cùng tiềm năng tạo thặng dư lớn, được chờ đợi ở triển vọng nối tiếp tại Ngân hàng Ngoại thương (Vietcombank), Ngân hàng Đầu tư và phát triển (BIDV), cũng như khả năng bán tiếp tại Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), sự cụ thể hóa thêm tại Ngân hàng Tiên Phong (TPBank)…
Thương vụ kỷ lục của Techcombank diễn ra trong bối cảnh thị trường chứng khoán Việt Nam trải qua ba tuần điều chỉnh liên tiếp, từ đỉnh trên 1.200 điểm về sát mốc 1.000 điểm. Trong đó, giá hầu hết các cổ phiếu trên sàn đều giảm mạnh từ 20 – 40% qua đợt điều chỉnh này.
Điều chỉnh có thể là giai đoạn nhất thời, kỳ vọng thị trường chứng khoán tiếp tục khởi sắc năm 2018 có trong trù tính của nhiều ngân hàng thương mại.
Thông cáo về kết quả IPO trên, Techcombank dẫn lời Tổng giám đốc Nguyễn Lê Quốc Anh rằng: “Năm nay hứa hẹn sẽ là một năm đầy hứng khởi của thị trường chứng khoán Việt Nam khi kinh tế đất nước tiếp tục đà phát triển”.
Và dự kiến, trong triển vọng đó, ngày 4-6 tới đây, Techcombank sẽ chính thức đưa cổ phiếu lên niêm yết.
Trước đó, cổ phiếu TPB của TPBank cũng vừa chào sàn trong một phiên thị trường rực lửa ngày 19-4 vừa qua.
Tuy nhiên, trong một đợt điều chỉnh mạnh của thị trường, đặc biệt ở dòng cổ phiếu ngân hàng, ông Đỗ Minh Phú, Chủ tịch Hội đồng Quản trị TPBank vẫn lạc quan nhận định: “2018 hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp thực tế và triển vọng tốt hơn. Thị trường chứng khoán được nhà đầu tư quan tâm và đây vẫn là một kênh đầu tư hấp dẫn. Dòng tiền vẫn đang đổ vào thị trường, hướng đến các định chế tài chính, trong đó dòng cổ phiếu ngân hàng được kỳ vọng sẽ xác lập lại vị thế “cổ phiếu vua” một thời”.
Trước TPBank, Ngân hàng Phát triển TP.HCM (HDBank) là ngân hàng thương mại đầu tiên chào sàn năm 2018 (với mã HDB). Nối tiếp và gần nhất đến lượt cổ phiếu Techcombank. Và qua mùa đại hội đồng cổ đông vừa diễn ra, thêm những thành viên cũng đã lên kế hoạch chào sàn.
Ngày 28-4, Ngân hàng Nam Á (Nam A Bank) tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên 2018. Với lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 430% so với kế hoạch đề ra trong 2017, cùng chỉ tiêu tiếp tục tăng trưởng năm nay, Nam A Bank có đà tự tin để tiến hành các thủ tục chuẩn bị đưa cổ phiếu lên đăng ký giao dịch tại sàn UPCOM.
Tại đại hội đồng cổ đông Ngân hàng An Bình (ABBank), kế hoạch đưa thẳng cổ phiếu lên niêm yết tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) cũng đã được thông qua, xúc tiến triển khai trong năm 2018.
Hỗ trợ cho kế hoạch trên, ABBank sớm tự tin sẽ đạt tăng trưởng lợi nhuận cao năm nay, thậm chí có triển vọng vượt xa kế hoạch. Cụ thể, năm 2018 ngân hàng đặt chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế 900 tỉ đồng (tăng 49% so với 2017), nhưng Hội đồng Quản trị kỳ vọng mức cuối cùng có thể đạt tới 1.200 tỉ đồng, dựa trên đánh giá tích cực về thị trường tài chính và kết quả kinh doanh trong quý I vừa qua đã đạt được 365 tỉ đồng.
Với những kế hoạch trên, dự kiến đến hết 2018 sẽ có khoảng hơn phân nửa các ngân hàng thương mại Việt Nam đưa cổ phiếu lên niêm yết và đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán.
Bên cạnh việc tiếp cận điều kiện và môi trường thuận lợi hơn để tăng thanh khoản trong giao dịch, thêm thuận lợi cho cổ đông và nhà đầu tư, thúc đẩy minh bạch, thì với đặc thù quy mô vốn lớn, loạt kế hoạch đó sẽ góp phần gia tăng quy mô vốn hóa cho thị trường chính thức.