Đợt vừa rồi, Sài Gòn nắng tới 36-37 độ. Tuy chưa bằng cái nắng trên đồi cát miền Trung, hay cái oi trong phố cổ miền Bắc, nhưng bao nhiêu đó cũng đủ khiến cho nhiều người muốn… tắt thở. Cái nắng gay gắt ấy cũng là cái nắng báo hiệu mùa hè, cái mùa mà với tôi là có nhiều kỷ niệm nhất. Vì mùa hè dẫu nắng nóng là vậy, sôi động là vậy, nhưng ẩn trong ký ức, vẫn có những thứ đang lạnh dần đi theo năm tháng.
Đầu tiên, cũng như bao người khác, hè về khiến tôi hoài niệm về thời hoa niên cắp sách tới trường. Tất nhiên, không phải nhớ về thời tiểu học, cái thuở còn nhỏ dại, chỉ trông mong tới hè để được nghỉ học, bám càng ba tôi để được ngồi trên những chiếc xe chở mía thô kềnh, đen đúa như mấy con bọ hung, rồi chạy bon bon khắp nông trường, bụi bay mù mịt phía sau. Cũng không phải thời trung học cơ sở, vì không như các cô gái hiểu chuyện sớm, biết lưu luyến thầy cô, bạn bè, bọn con trai chúng tôi khi ấy đa phần còn chưa dậy thì xong, chỉ có vài sự lưu luyến vấn vương, những trò quậy phá lông ngông, vài ba trận đánh nhau bốc đồng, rồi đùng một cái lên cấp 3, quên gần hết.
Nhớ và kỷ niệm khó quên nhất, phải là những năm cấp 3, đặc biệt là lớp 12 cuối cấp. Bởi đó là thời điểm chúng tôi phải lo chọn một nghề kiếm cơm – chuẩn bị làm người lớn. Bao trách nhiệm từ học hành, thi cử, đan xen vào những cảm xúc bồi hồi khi phải chia xa thầy cô, bạn bè, rồi cả mấy mối tình đầu ẩm ương. Nhớ ghê lắm. Đến nỗi chỉ cần đặt chân về trường cũ một lần là bao nhiêu cảm xúc, bao nhiêu khuôn mặt, ước mơ, hoài bão lại ùa về.
Mà điểm “nóng” nhất của nỗi nhớ là độ cuối tháng 4 này. Cái thời điểm mà các môn đã học xong hết, trường đại học chọn để đăng ký thi cũng xong, ôn thi cũng đã biết nên tự ôn hay tới “lò luyện” rồi, vậy nên mỗi buổi lên lớp là một lần đếm ngược tới ngày chia tay. Thầy cô thì kể chuyện ngày xưa, chuyện những anh chị học trò đi trước, có người còn vui vẻ kể những câu chuyện tình cảm của mình. Bạn bè thì nói chuyện với nhau suốt ngày, hết chuyện thi, chuyện học, rồi định hướng tương lai… Bao nhiêu chuyện, nói mãi, nói mãi với nhau mà không thấy hết, tưởng như mấy chục năm sau, có gặp lại, cũng còn có thể nói tiếp với nhau được. Rồi cứ thế, cái nắng chói chang mang theo bao câu chuyện ấy kéo dài tới buổi tựu trường cuối cùng, tạo ra những giọt nước mắt, vòng ôm siết chặt, những tấm hình đen trắng…
Nhưng hỡi ôi, lũ chúng tôi ngày ấy không thể ngờ cái gã thời gian là một tên trộm rắn mặt. Hắn có thể lấy đi của chúng ta mọi thứ, kể việc lấy đi cái nắng trong tim. Mười năm sau khi ra trường, mỗi độ họp lớp, chỉ còn phân nửa. Đến hai mươi năm, còn lại phân nửa của phân nửa ấy. Sau ba mươi năm, nào còn được mấy người… Lúc ấy, thậm chí chẳng ai còn nhớ được lớp mình từng có bao nhiêu thành viên nữa.
Điều thứ hai làm tôi nhớ nhất vào những dịp nắng hè cuối tháng 4, là những ngày giỗ.
Ngày trước, mẹ tôi thường kể cho tôi nghe về bác Tư, chị của mẹ, một người phụ nữ thật thà, giản dị, tốt bụng nhưng có cuộc sống nghèo khổ. Bác cùng chồng làm thuê khắp nơi, cố gắng nuôi tám người con ăn học. Năm nào cũng vậy, khoảng chừng còn ba tháng nữa là đến ngày giỗ ông ngoại (là cha của bác và mẹ tôi), là bác lại mua chục con gà con về nuôi. Bác không nuôi gà bằng cám, bắp, vì sợ gà sẽ mập, nhiều mỡ. Bác nuôi gà bằng thân cây chuối bằm, trộn thêm ít thóc. Buổi chiều thì bác cho chúng ăn ốc sên băm nhỏ.
Tới ngày giỗ, bác bắt cặp gà to nhất, thịt chắc nhất để mang đi góp giỗ. Mẹ kể ngày xưa ông ngoại tôi rất thích ăn gà, gà luộc chấm muối tiêu chanh, cái món ăn bình dân ngày nay nhưng là ước mơ của bao nhiêu người ngày trước. Có mấy năm trở trời, gà chết, bác Tư đành câu cá rô để mang sang cúng ông. Mấy anh em hiểu ý, cũng sắm sửa những món đồ giỗ rẻ, dân dã, để bác Tư không thấy ngại. Nhà bác đông con, nên mỗi lần đám giỗ, các con của bác đều xem đó như một bữa tiệc huy hoàng. Dù đi làm, đi học ở đâu, xa thế nào, tới ngày giỗ ngoại, cả nhà bác Tư đều đến đông đủ. Đám giỗ ngày đó vui, một phần nhờ bác.
Nhưng một bận, người làm giỗ nói rằng bác không cần phải xách gà qua nữa, rồi cho bác tiền, bảo bác cứ bỏ vào phong bì, còn lại mua ít đồ giấy tiền vàng mã mang sang cúng giỗ. Bác Tư không nhận tiền, nói rằng mình tự xoay xở được. Dần dần, mọi người cũng bảo nhau đi tiền, để cho người làm giỗ dễ dàng nấu nướng, tính toán thực đơn cho gọn hơn, đỡ mất công, tốn sức. Cũng từ dịp đó, mẹ tôi quan sát thấy bác Tư ít cười mỗi khi về làm giỗ. Chắc bác chưa quen với việc dùng tờ giấy lạnh thay cho những món đồ ấm áp xưa nay bác hay dùng.
Rồi một bận, nhà bác lâm vào cảnh túng quẫn. Bác góp giỗ bằng tờ năm mươi ngàn cũ. Người làm giỗ bĩu môi, nói thật với bác: “Thời buổi này, chừng đó thì mua được gì. Người không quen thân đi đám cưới nhau cũng phải gấp mấy lần số ấy”. Rồi họ bảo bác khỏi đi tiền, cứ tới ăn uống rồi sau đó phụ dọn dẹp là được.
Bác Tư ậm ừ ra về. Đó cũng là lần cuối cùng bác Tư và gia đình đi ăn giỗ ngoại…
Giờ, gia cảnh bác Tư đã khá giả, nhưng thói quen đi ăn giỗ của nhà bác thì đã không còn. Bác nói với mẹ tôi rằng do trời nắng, chân bác lại yếu, ngại đường xa, nên bác ở nhà tự cúng ông bà. Mẹ tôi nghe vậy cũng chỉ cười, nhưng có lẽ trong lòng đang tự hỏi, chẳng biết cái nắng nóng ngoài trời làm người chùn chân, hay cái lạnh trong lòng giờ đã làm người mỏi gối…