Người Úc mê thể thao đến cuồng nhiệt cũng có lý do của nó: người dân phải khỏe mạnh để chống chọi với tính khắc nghiệt của thiên nhiên ở xứ sở rộng đến hơn 7,6 triệu kilômét vuông này. Ngoài ra, họ cổ động thể thao cũng rất cuồng nhiệt tại Australian Open, như muốn làm mọi người quên đi cái nóng khắc nghiệt trên sân.
Nóng! Nóng! Nóng!
Cái nóng đôi khi vượt qua 40 độ C (có lúc lên đến 45 độ C) là đề tài tranh luận hàng đầu. Hình ảnh các tay vợt bị cái nóng hành hạ chính là một dạng ADN của giải. Trên sân, họ phải bôi kem chống nắng lên mặt và cánh tay, chườm đá lạnh lên vai lúc đổi sân và liên tục tiếp nước. Maria Sharapova từng nói: “Thật bất nhẫn khi phải thi đấu ba giờ đồng hồ trong cái lò lửa này!”.
Trời quá nóng nên Andreas Seppi (Ý) giải nhiệt bằng cách nhảy vào bồn phun nước ở Melbourne Park
Nhìn chung, tất cả các tay vợt đều có sự chuẩn bị tốt nhất có thể để đương đầu với cái nóng, dù từ năm 1998 ban tổ chức đã ban hành quy định cho phép hạn chế những tác động xấu nhất của thời tiết, cụ thể là không bắt đầu trận đấu nếu nhiệt kế vượt mức 35 độ C. “Tôi quen luyện tập và thi đấu dưới trời nóng nên cảm thấy có chút ưu thế so với các đối thủ”, Roger Federer nói. Tuy nhiên trong thực tế, sức ép của lịch đấu buộc các tay vợt phải thi đấu bất kể thời tiết. Trong trận Blaz Kavcic gặp James Duckworth ở vòng hai, ván thứ năm (10-8) kéo dài đến 89 phút dưới nhiệt độ 40 độ C. Sau trận thắng, Kavcic phải được chăm sóc y tế. Vì vậy, may mắn cho những ai được thi đấu trên sân có mái che hoặc vào chiều tối. Nhưng chênh lệch nhiệt độ quá lớn giữa ngày và đêm đòi hỏi các tay vợt phải biết thích nghi tốt, khi quả bóng bay nhanh hơn dưới trời nắng nóng và nảy cao hơn khi thời tiết dịu mát.
Ấn tượng nữ
Trong khi Caroline Wizniacki mới 22 tuổi mà đã than phiền cảm thấy già, thì Kimiko Date 42 tuổi nhận ra rằng mình đáng là mẹ của nhiều đối thủ. Tham dự Australian Open lần đầu tiên cách nay 23 năm với thành tích cao nhất là vào bán kết giải 1994 (thua Steffi Graf), Date trở thành tay vợt lớn tuổi nhất thắng một trận đơn ở giải Grand Slam (loại hạt giống số 12 Nadia Petrova 6-2, 6-0) kể từ khi cô cầm vợt trở lại vào năm 2009 (Date giải nghệ lần đầu năm 1997). Date cho biết cô vẫn thường trò chuyện với các cựu đối thủ như Lindsay Davenport, Conchita Martinez, Arantxa Sanchez… “Từ đầu tiên là ai cũng bảo tôi điên rồ. Nhưng tất cả đều ủng hộ tôi”, Date nói. “Khi gặp Steffi, cô ấy bảo tôi nên dừng lại và sinh con đẻ cái đi chứ”. Nhưng Date vẫn yêu quần vợt và hy vọng thi đấu tốt đến cuối năm nay. Bí quyết trường thọ thi đấu của Date đơn giản chỉ là dinh dưỡng tốt và ngủ nhiều.
Laura Robson, 18 tuổi, đại diện đầy hứa hẹn của các tay vợt trẻ hiện nay
Tại giải năm nay, có đến 11 tay vợt nữ trẻ đáng tuổi con của Kimiko Date. “Tôi vẫn muốn cảm thấy trẻ, nhưng tuổi 22 đã là già trong quần vợt”, Wozniacki cười nói sau trận thắng tay vợt trẻ hơn mình đến sáu tuổi, Donna Vekic. Dù bước vào quần vợt nhà nghề lúc 15 tuổi bằng vé đặc cách ở Cincinnati 2005, nhưng tay vợt cựu số 1 thế giới này vẫn khó tin rằng Vekic mới 16 tuổi. Nhưng tay vợt người Croatia sống ở London này chưa phải là đại diện thế hệ trẻ xuất sắc. Nổi bật nhất phải kể đến Laura Robson. Tay vợt người Anh này cùng với Madison Keys và Sloane Stephens vào đến vòng ba của giải. Trong trận thắng ngược hạt giống số 8 Petra Kvitova 2-6, 6-3, 11-9, Robson nhận được sự cổ vũ cuồng nhiệt của khán giả không chỉ vì cô vốn là người Úc mà còn nhờ các cú đánh “ăn miếng trả miếng” thật đẹp mắt và thuyết phục. Cùng cầm vợt tay trái, nhưng Robson thi đấu dạn tay hơn đàn chị cựu vô địch Wimbledon, đặc biệt ở cú giao bóng mạnh hiệu quả. Thật ra, cô gái 18 tuổi này từng gây chấn động khi loại Li Na và Kim Clijsters tại US Open năm ngoái. Cùng với Heather Watson, Robson giúp quần vợt nữ của Anh lần đầu tiên kể từ 1991 có hai đại diện ở vòng ba.
Trong khi đó, Keys (17 tuổi) và Stephens (19) đại diện cho gương mặt mới của quần vợt Mỹ và nhận được những lời ngợi khen từ các chuyên gia lẫn cựu tay vợt. Keys lớn lên từ một gia đình chẳng liên quan đến thể thao (cha mẹ đều là luật sư). “Thật thú vị khi xem Keys thi đấu”, cựu số 1 thế giới Davenport viết trên Twitter sau trận Keys đè bẹp hạt giống số 30 Tamira Paszek 6-1, 6-2. “Bất kể kết quả ở giải này như thế nào (Keys dừng chân ở vòng ba trước Angelique Kerber), Keys cho thấy tiềm năng của mình. Đây là niềm hy vọng lớn nhất ở Mỹ kể từ chị em nhà Williams”.
Năm 1997, Martina Hingis đăng quang khi mới 16 tuổi, 3 tháng và 26 ngày, kỷ lục nhà vô địch trẻ tuổi nhất. Năm 2004, Maria Sharapova vô địch Wimbledon lúc 17 tuổi, trong khi Serena phải đợi đến gần 18 tuổi mới đăng quang US Open 1999. Nhưng xu hướng vô địch Grand Slam trước tuổi 18 khó có cơ hội lặp lại khi WTA quy định số giải thi đấu trong năm và buộc các tay vợt trẻ phải thi đấu vòng loại. Ngoài ra, lối chơi thể lực ngày càng được ưa thích hơn. Nhìn cách Sharapova và Serena đè bẹp các đối thủ từ các vòng ngoài, ít ai nghĩ rằng họ sẽ vắng mặt ở cuối tuần thi đấu thứ hai.
Murray có bất quá tam?
Nếu như đương kim vô địch Novak Djokovic và cựu vô địch Roger Federer gặp nhau trong trận chung kết, điều đó không gây ngạc nhiên khi Djokovic thi đấu ngày càng hay và Federer xứng danh “gừng càng già càng cay”. Vì vậy, người hâm mộ trông chờ bất ngờ từ Andy Murray. Với hai lần vào chung kết đều thua trong ba ván (thua Federer năm 2010 và Djokovic năm 2011), Murray có xóa tan được cái dớp này khi anh sẽ buộc phải thắng cả hai đối thủ nếu muốn vô địch?
Với chiếc huy chương vàng Olympic London và danh hiệu US Open 2012, Murray tự tin hơn vào khả năng tái lập thành tích Grand Slam, nhất là khi anh chịu nghe lời ông thầy Ivan Lendl. Tay vợt người Scotland này luôn thu hút dư luận ở mọi góc độ, kể cả chuyện năm nay anh mặc chiếc áo thi đấu được thiết kế ngắn một chút. “Điều duy nhất tôi không thích ở chiếc áo là khi nó thòng xuống quá thấp và đôi khi khuỷu tay có thể bị dính vào áo”, Murray giải thích. Nhưng với chiếc áo mặc quá khít này, Murray cần phải có nhiều áo để thay khi thời tiết quá nóng và cơ thể ra nhiều mồ hôi. Trên khán đài, Murray nhận ra một nhóm bốn cổ động viên luôn theo ủng hộ anh từ 4-5 năm nay khi họ viết lên chiếc áo dòng chữ ANDY và hát vang những bài hát vui nhộn lúc anh đổi sân.
“Lão bà” Kimiko Date tặng chữ ký cho người hâm mộ
Vài kỷ lục
Với việc có mặt trong tuần lễ thi đấu thứ hai, Janko Tipsarevic trở thành tay vợt người Serbia thứ hai sau Djokovic vào đến vòng bốn của cả bốn giải Grand Slam. Cùng lần đầu tiên vào đến vòng bốn còn có Kevin Anderson của Nam Phi sau trận thắng ngược Fernando Verdasco trong năm ván kéo dài 3g46 phút. Di Wu, 21 tuổi, cũng là tay vợt Trung Quốc đầu tiên tham dự vòng đấu chính một giải Grand Slam (bị Ivan Dodig loại ở vòng một). Trong khi đó, á quân giải Masters Paris Bercy 2012 Jerzy Janowicz lần đầu tiên nhận được hoa từ các cô gái sau trận thắng Somdev Devvarman ở vòng hai. Năm 2010, tay vợt người Ba Lan này chỉ dự tranh vòng loại. Năm ngoái, Janowicz không thể đến Melbourne vì không có tiền (anh chuyển sang dự giải ITF có tổng tiền thưởng 10.000 USD ở Sheffield, Anh). “Nay tình hình (tài chính) của tôi tốt hơn vì đã có nhà tài trợ. Tôi không phải lo nghĩ nhiều về tiền bạc… Nay tôi đảm bảo có tối thiểu 57.000 USD nhờ vào đến vòng ba (thua Nicolas Almagro)”, anh nói.
Nhưng kỷ lục lạ kỳ nhất thuộc về Gael Monfils. Tay vợt người Pháp có tính khí thất thường này đã thực hiện đến 55 cú giao bóng ăn điểm trực tiếp chỉ sau hai trận kéo dài chín ván. Tuy nhiên, Monfils cũng dẫn đầu về số lỗi giao bóng kép ở Melbourne: 39 lần, trong đó chỉ riêng trận thắng Yen-Hsun Lu (7-6, 4-6, 0-6, 6-1, 8-6) là 23 lần! “Tôi phải liều lĩnh hơn trong giao bóng vì tôi không chơi tốt ở cuối sân”, Monfils giải thích. Với cả thành tích lẫn “phản thành tích” này, Monfils đứng thứ chín trong danh sách các tay vợt có số lần giao bóng ăn điểm trực tiếp và lỗi giao bóng kép cùng trên 20 trong một trận đấu.
Minh Trường