Mấy hôm nay, cộng đồng mạng, đặc biệt là những người chơi mạng xã hội, rần rần nổi sóng về một vụ bê bối mới của mạng truyền thông xã hội lớn nhất thế giới Facebook. Báo chí Anh – Mỹ khui lại vụ thông tin cá nhân của 50 triệu tài khoản người dùng Facebook bị lạm dụng bán cho hãng Anh Cambridge Analytica chuyên thu thập và phân tích dữ liệu cử tri phục vụ cho những tay chơi trong những cuộc bầu cử.
Vụ bê bối Cambridge Analytica của Facebook hiện nay được tóm tắt như sau:
Ngày thứ Sáu 16-3-2018, các phóng viên của báo Mỹ The New York Times và báo Anh The Guardian báo cho Facebook biết rằng Công ty Anh Cambridge Analytica đã có được các bản sao dữ liệu cá nhân của khoảng 50 triệu người dùng Facebook. Facebook cho biết mình đã biết vụ này từ năm 2014-2015 và đã xử lý. Lúc đó, Cambridge Analytica đã hứa với Facebook là họ sẽ xóa bỏ các dữ liệu đó. Các nhà báo thì tin rằng công ty này vẫn còn giữ các dữ liệu đó và khai thác kiếm tiền.
Vụ việc khởi đầu vào năm 2014 khi nhà nghiên cứu Aleksandr Kogan, giáo sư tại Đại học Cambridge University (Anh), đã tạo ra ứng dụng Facebook thuộc loại trắc nghiệm tâm lý vui có tên là thisisyourdigitallife (This is your digital life, đây là cuộc sống số của bạn). Thông qua công ty của mình là Global Science Research (GSR), hợp tác với Cambridge Analytica, Kogan đã trả tiền cho hàng trăm ngàn người tham gia trắc nghiệm với ứng dụng này và đồng ý cung cấp dữ liệu cá nhân của họ nhằm mục đích học thuật. Dữ liệu cá nhân từ bạn bè trên Facebook của những người tham gia cũng được ghi nhận. Điều này là hợp pháp với quy định của Facebook hồi đó. Theo báo cáo, có khoảng 250.000 người sử dụng ứng dụng này, kéo theo khoảng 50 triệu tài khoản Facebook bị thu thập (bao gồm cả thông tin của các bạn bè của những người tham gia). Nghe nói, Cambridge Analytica đã nhận 15 triệu USD của ông Robert Mercer, nhà tài trợ đảng Cộng hòa Mỹ, từ trước đợt bầu cử giữa nhiệm kỳ năm 2014 để trả cho Kogan và nhận được những thông tin mà ông này thu thập được thông qua ứng dụng. Sau đó, từ những dữ liệu này, Cambridge Analytica đã có những hoạt động làm ăn, thậm chí tạo ra các giải pháp để tác động tới cuộc đua của ông Donald Trump vào Nhà Trắng ở Mỹ, cũng như vào cuộc trưng cầu dân ý đưa Anh tới quyết định rời khỏi Liên minh châu Âu (Brexit).
Hiện nay, ngoài Mỹ, Liên minh châu Âu cũng đã tuyên bố sẽ tiến hành điều tra về cách khai thác, sử dụng dữ liệu người dùng của Facebook và Công ty Cambridge Analytica.
Theo trang công nghệ The Verge (25-3-2018), do hậu quả của việc Facebook phải đứng trước nhiều vụ kiện tụng của người dùng và những cuộc điều trần của chính quyền Mỹ và một số nước, cộng với chiến dịch vận động tẩy chay #DeleteFacebook, giá cổ phiếu Facebook bị sụt giảm và tới nay ước tính giá trị vốn hóa thị trường của Facebook bị mất gần 50 tỉ USD. Trang Money của tạp chí Mỹ Time (24-3-2018) cho biết, chỉ nội trong ngày thứ Sáu 23-3, giá cổ phiếu của Facebook đã sụt thêm 5,5 điểm, tụt xuống chỉ còn 159,39 USD (so với 185,09 USD vào thời điểm đóng cửa thị trường ngày 16-3). Theo Marketwatch, chỉ trong vòng một tuần, giá cổ phiếu Facebook bị giảm 14% khiến giá trị vốn hóa của công ty này giảm tới 74,6 tỉ USD (so với giá trị gốc hơn 463 tỉ USD). Mặc dù các con số cụ thể có thể khác nhau, nhưng rõ ràng đây là những con số không hề nhỏ khi vào năm 2017, tổng giá trị tài sản của Facebook hơn 85,5 tỉ USD; doanh thu trong năm đạt 40,6 tỉ USD; lợi tức ròng gần 16 tỉ USD. Riêng với Zuckerberg, theo tạp chí kinh doanh Forbes, chỉ trong vài giờ ngày 19-3-2018, tài sản của ông chủ Facebook đã bốc hơi khoảng 6,7%, tương đương với khoảng 5,1 tỉ USD. Theo tạp chí Time (24-3-2018), Zuckerberg – người nắm giữ 403 triệu cổ phiếu Facebook, đã mất 10 tỉ USD sau một tuần khủng hoảng. Chỉ nội trong ngày thứ Sáu 23-3-2018, CEO Facebook đã bị mất hơn 2 tỉ USD. Hãng tin kinh tế Bloomberg ước tính tổng giá trị tài sản ròng của tỉ phú doanh nhân internet Zuckerberg đã từ 74,8 tỉ USD (ngày thứ Năm 8-3-2018) giảm xuống còn 67,3 tỉ USD (ngày thứ Năm 15-3). Nhà tỉ phú 33 tuổi này đã bị sụt 2 bậc trên bảng xếp hạng tỉ phú của tạp chí Forbes, hiện còn xếp thứ 7 trong số những người giàu nhất thế giới.
Ngày 21-3-2018, thông qua một bài dài trên tài khoản Facebook của mình, ông chủ Facebook Zuckerberg đã có lời trần tình về vụ bê bối mới nhất này. Nhà sáng lập và CEO của Facebook mở đầu bằng sự khẳng định kiêm cam kết: “Chúng tôi có trách nhiệm bảo vệ dữ liệu của bạn, và nếu chúng tôi không thể thì chúng tôi không xứng đáng để phục vụ bạn. Tôi đã làm việc để hiểu chính xác những gì đã xảy ra và làm thế nào để bảo đảm điều này không xảy ra lần nữa. Tin tốt lành là những hành động quan trọng nhất để ngăn chặn điều này xảy ra hôm nay đã được chúng tôi thực hiện nhiều năm trước đây. Nhưng chúng tôi cũng mắc sai lầm, có nhiều việc phải làm hơn, và chúng tôi cần phải tiến bước và làm điều đó”.
Sau khi điểm lại quá trình diễn ra vụ bê bối và những biện pháp Facebook đã tiến hành ngay từ năm 2014 để ngăn chặn các ứng dụng lạm dụng, Zuckerberg nói rằng: Những hành động này hiện nay đã ngăn ngừa bất kỳ ứng dụng nào như của Kogan có thể truy cập quá nhiều dữ liệu.
Ông chủ Facebook cho biết mạng xã hội này trong thời gian tới sẽ tiến hành các bước:
– Trước tiên, Facebook sẽ điều tra tất cả các ứng dụng có quyền truy cập vào một lượng lớn thông tin trước khi mạng này thay đổi nền tảng của mình để giảm đáng kể khả năng truy cập dữ liệu vào năm 2014, và họ sẽ tiến hành kiểm tra đầy đủ bất kỳ ứng dụng nào có hoạt động đáng ngờ. Nếu phát hiện thấy các nhà phát triển lạm dụng thông tin nhận dạng cá nhân, Facebook sẽ cấm họ và công bố cho mọi người biết về những ứng dụng đó.
– Thứ hai, Facebook sẽ hạn chế việc tiếp cận dữ liệu của các nhà phát triển, thậm chí còn chặt chẽ hơn nữa để ngăn chặn các loại lạm dụng khác. Thí dụ: Facebook sẽ gỡ bỏ quyền truy cập của nhà phát triển vào dữ liệu của bạn nếu bạn không sử dụng ứng dụng của họ trong vòng ba tháng. Facebook sẽ giảm số dữ liệu mà bạn cung cấp cho một ứng dụng khi bạn đăng nhập xuống chỉ với tên, ảnh cá nhân và địa chỉ email của bạn.
– Thứ ba, Facebook muốn bảo đảm bạn hiểu được các ứng dụng nào mà bạn đã cho phép truy cập dữ liệu của mình. Trong tháng tới, Facebook sẽ hiển thị cho mọi người một công cụ ngày ở đầu News Feed của bạn với các ứng dụng bạn đã sử dụng và một cách dễ dàng để thu hồi các quyền mà bạn đã cấp cho các ứng dụng đó đối với dữ liệu của bạn. Thật ra, hiện nay Facebook đã có sẵn một công cụ để thực hiện việc này trong mục cài đặt bảo mật (privacy settings) của bạn, và bây giờ họ sẽ đặt công cụ này ở đầu News Feed của bạn để bảo đảm mọi người nhìn thấy nó.
Zuckerberg nhận xét: “Đây là sự vi phạm lòng tin giữa Kogan, Cambridge Analytica và Facebook. Nhưng nó cũng là sự vi phạm lòng tin giữa Facebook và những người chia sẻ dữ liệu của họ với chúng tôi và mong muốn chúng tôi bảo vệ nó. Chúng tôi cần phải khắc phục điều đó”. Ông chia sẻ: “Tôi đã bắt đầu Facebook, và bây giờ, tôi chịu trách nhiệm cho những gì xảy ra trên nền tảng của chúng tôi. Tôi nghiêm túc làm những gì cần để bảo vệ cộng đồng của mình. Mặc dù vấn đề cụ thể liên quan đến Cambridge Analytica đã không còn xảy ra với các ứng dụng mới hiện nay, điều đó không thay đổi những gì đã xảy ra trong quá khứ. Chúng tôi sẽ học hỏi từ kinh nghiệm này để bảo đảm an toàn cho nền tảng của chúng tôi hơn nữa và làm cho cộng đồng của chúng ta an toàn hơn cho mọi người tiến lên phía trước”.
Cho tới nay, với những thông tin có được, có thể nói rằng, người dùng Facebook đã bị đối tác của Facebook lừa, và chính Facebook cũng bị đối tác của mình lừa.
Thực tế thì với vụ việc này, mọi người cần bình tĩnh, vì chuyện này đã xảy ra rồi, từ năm 2014 và Facebook khẳng định họ đã xử lý xong – ít nhất là từ nền tảng Facebook với mục đích không để tái lặp nữa. Vụ việc được khui ra bây giờ là về việc những đối tác cũ của Facebook đã lạm dụng các dữ liệu thu thập được đó như thế nào.
Công bằng mà nói, những người tham gia ứng dụng nguy hiểm của nhà nghiên cứu Kogan đã được trả tiền để đồng ý cho ông này thu thập những thông tin cá nhân của mình. Chỉ có điều là họ không lường trước được việc những thông tin này sẽ bị sử dụng ra sao sau đó.
Quy mô của Facebook quá lớn. Hiện nay có tới 2,2 tỉ người dùng thực sự hằng tháng (số liệu tháng 1-2018). Theo số liệu của Bộ Thông tin và Truyền thông mà báo Nhân Dân ngày 30-12-2017 trích dẫn, có khoảng 53 triệu người Việt Nam sử dụng Facebook, một con số không hề nhỏ so với dân số Việt Nam gần 96 triệu người. Điều này cho thấy sự phổ cập và tầm ảnh hưởng của Facebook đối với xã hội Việt Nam. Và nói cách nào đó, nó cũng cho thấy nguy cơ mất an toàn thông tin ngày càng rất cao.
Vụ bê bối mới khui ra của Facebook theo như thông tin thì chỉ ảnh hưởng tới những tài khoản ở Mỹ và Anh. Nhưng đó chính là một hồi chuông báo động mới về nguy cơ bảo mật, mất an toàn dữ liệu và thông tin trên mạng xã hội. Không phải chỉ có một mình Facebook mà bất cứ mạng xã hội nào, diễn đàn nào, cộng đồng mạng nào và thậm chí trang web nào có thủ tục đăng ký thành viên cũng đều tiềm ẩn nguy cơ mất thông tin cá nhân của người dùng.
Vì thế, bản thân mỗi người dùng mạng xã hội phải có ý thức tự bảo vệ thông tin của mình. Nhà chức trách cần có luật định buộc các mạng xã hội, diễn đàn, cộng đồng mạng… chỉ được thu thập những thông tin cơ bản của người dùng. Về phần mình. người dùng cũng chỉ chấp nhận cung cấp những thông tin nhận diện cơ bản như họ và tên, tuổi, giới tính, sở thích, địa chỉ email,… và kiên quyết không cung cấp những thông tin sâu hơn, nhạy cảm hơn.
Trong thời gian qua, trên mạng xã hội xuất hiện ngày càng nhiều ứng dụng, trò chơi có tính năng tương tác với người dùng, những ứng dụng giải trí hay những trò đố vui, thử tài, thử trí thông,… hoặc có yêu cầu người chơi cung cấp thông tin cá nhân, hoặc đơn giản chỉ cần click vào một đường link dẫn tới một trang web có chứa mã độc có thể xâm nhập ngay vào hệ thống của người dùng.
Có thể nói rằng, các ứng dụng và những đường link càng hấp dẫn bao nhiêu, càng ẩn chứa nhiều nguy hiểm bấy nhiêu.
Cũng cần phải nói ra điều này: hiện nay thông tin về vụ bê bối của Facebook xuất hiện nhan nhản trên báo chí và các mạng truyền thông, rối tung rối mù. Nhưng thấy rõ là có rất nhiều kẻ lợi dụng sự quá nổi tiếng và phổ cập của Facebook để ăn theo, bày lắm chiêu nhiều trò thu hút người đọc. Những đối thủ cạnh tranh dĩ nhiên không thể bỏ qua cơ hội hiếm có này – dù rằng chưa biết khi nào tới lượt họ bị “lên dĩa”. Ngay cả những thế lực ở quy mô quốc gia và quốc tế lâu nay thường xuyên chịu trận với tính “nhà báo công dân” của mạng truyền thông xã hội này cũng đang huy động mọi cách để có thể triệt hạ, kích động người dùng xóa bỏ Facebook.
Chúng tôi có thể khẳng định với bạn rằng bất cứ mạng xã hội nào cũng như nhau thôi. Tất cả đều ẩn chứa vô số nguy cơ khi đều chạy trên nền tảng internet. Nhưng chẳng lẽ vì sợ tai nạn giao thông mà ta không ra đường đi lại. Bất luận thế nào, Facebook vẫn là mạng xã hội tốt nhất hiện nay. Thậm chí, trong kỷ nguyên số và kết nối này, chúng tôi xin phép chế lại tựa một bài thơ của thi sĩ Vũ Hoàng Chương để nói rằng “Đời vắng Phây rồi chơi với ai”.
Vụ bê bối mới nhất mà Facebook đang dính phải là một bài học mới nhất không chỉ cho Facebook mà là cho tất cả các mạng xã hội, diễn đàn online,… Chúng tôi tin chắc rằng các mạng xã hội lớn như Facebook, Twitter, YouTube, Google,… có những biện pháp để tăng cường bảo mật và không dám lạm dụng thông tin thành viên. Nhưng các mối nguy hiểm lại nhan nhản ở chỗ những ứng dụng chạy kèm hay với những chiêu trò của những người dùng xấu. Các mạng xã hội khó thể kiểm soát chặt chẽ được những dạng này. Cuối cùng, muốn chơi mạng bền lâu và an toàn cho mình và cho tất cả, người dùng vẫn phải chủ động cảnh giác và bảo vệ lấy chính mình. Cho dù không thể nào an toàn tuyệt đối 100%, nhưng ý thức an toàn sẽ giúp bảo vệ bạn tới mức cao nhất có thể được.