Năm hết, Tết đến, số liệu của Tổng cục Thống kê (TCTK) cho hay chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1-2018 tăng 0,51% so với tháng trước, tăng 2,65% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức tăng cao nhất trong vòng 4 năm trở lại đây.
Theo lý giải của TCTK, lạm phát của tháng 1-2018, tháng giáp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, tăng là điều dễ hiểu, khi mà đây là tháng có Tết Dương lịch và là tháng giáp Tết Nguyên đán, cũng là thời điểm nhu cầu tiêu dùng, mua sắm bắt đầu tăng.
Ngoài ra, bên cạnh những lý do “khách quan” khác như ngành điện tăng giá điện, ngành y tế tăng mức phí khám chữa bệnh v.v…, TCTK còn cho rằng lạm phát tháng 1-2018 tăng là do tháng cuối năm nhu cầu sửa chữa nhà cửa tăng làm cho giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng 0,35%, giá dịch vụ sửa chữa nhà ở tăng 0,38%.
Giải thích trên của TCTK xem ra cũng có lý, vì rõ ràng là trong tháng giáp Tết thì ai hầu như cũng hối hả với việc chi tiêu, mua sắm, không mua sắm đồ ăn Tết thì cũng mua sắm đồ trang trí hoặc mua… quà biếu sếp, dẫn đến nhu cầu tiêu dùng tăng vọt. Và vì cũng là tháng giáp Tết nên nhiều gia đình có nhu cầu sửa chữa nhà cửa cho khang trang hơn để đón năm mới. Bởi thế, TCTK cứ đều đặn hàng năm vào tháng 1 hoặc những tháng có nhu cầu tiêu dùng của xã hội tăng vọt, ví dụ như tháng 8 (là tháng giáp với tháng có khai giảng năm học mới) đều tích cực vận dụng lại công thức “là tháng có nhu cầu tiêu dùng, mua sắm bắt đầu tăng” để giải thích hiện tượng CPI tăng mạnh và hầu như chẳng có ai, kể cả giới chuyên gia, thắc mắc hay phản đối gì.
Tương tự, vào quí 1 hàng năm, tốc độ tăng trưởng GDP thường là thấp nhất so với 3 quí còn lại của năm trong bất cứ năm nào. Ngoài một số lý do cụ thể nào đó, TCTK và một số lãnh đạo ngày giải thích sự tăng trưởng chậm chạp này là do quí 1 là quý có hai cái Tết, Dương lịch và Nguyên đán, nên có nhiều ngày nghỉ, làm gián đoạn hoạt động sản xuất, kinh doanh, ảnh hưởng đến tăng trưởng GDP. Và rồi lời giải thích này cũng luôn làm yên lòng dư luận bởi xem ra… quá đúng!
Nhưng không cần phải ngẫm kỹ lắm thì cũng sẽ nhận ra sự bất ổn trong lời giải thích mang tính “thời vụ” (seasonal; không phải tháng nào cũng vậy) kiểu trên. Vì lạm phát mà ta đang nói đến ở đây là lạm phát hàng tháng, thể hiện tốc độ tăng giá cả tiêu dùng của một tháng cụ thể nào đó so với cùng tháng đó ở năm trước liền kề. Có nghĩa là tháng 1 này năm trước cũng là tháng có Tết Dương lịch và giáp Tết Nguyên đán. Vậy mà sao lạm phát của tháng 1 (những) năm trước lại thấp hơn lạm phát của tháng 1 năm nay?
Cũng giống như vậy là chuyện tăng trưởng GDP. Cũng là quí 1, nhưng tại sao tăng trưởng GDP của quí 1 của năm nào đó lại chậm hơn của (những) năm trước đó, mặc dù quí 1 năm nào cũng đều có 2 cái Tết, với số ngày nghỉ gần tương tự nhau?
Vậy thì, rõ ràng, những yếu tố mang tính thời vụ như trên không phải là, không được phép trở thành lý do để biện minh hoặc dùng để giải thích cho bất cứ sự bất thường nào đó về kinh tế, xã hội. Hay nói ngược lại, chính bởi tính thất thường, thời vụ như vậy mà người ta phải dùng đến phép so sánh trong cùng giai đoạn, cùng thời kỳ, thời điểm để loại bỏ những “nhiễu” thống kê này nhằm có được những con số thống kê có ý nghĩa.
Cần lưu ý thêm rằng các cơ quan thống kê thế giới đều tiến hành thu thập số liệu lạm phát cơ bản (loại trừ biến động giá cả của lương thực, thực phẩm tươi sống, xăng dầu…) như là một nỗ lực để loại bớt ảnh hưởng của yếu tố thời vụ (ví dụ, do mất mùa ở một nước nào đó làm tăng giá nhập khẩu lương thực thế giới, kéo theo giá lương thực trong nước).
Mặc dù TCTK cũng thu thập và công bố số liệu về lạm phát cơ bản hàng tháng nhưng điều đáng tiếc là họ lại thường không cung cấp giải thích cần thiết tại sao lạm phát cơ bản của, ví dụ, tháng 1/2018 lại tăng 0,18% so với tháng trước và tăng 1,18% so với cùng kỳ, nhờ đó giúp cho giới làm chính sách và công luận hiểu được thực sự điều gì đang xảy ra với lạm phát (và tăng trưởng) và làm thế nào để kiềm chế lạm phát (và phục hồi tăng trưởng).
Do đó, mong là từ nay về sau chúng ta sẽ không phải được nghe chuyện nghỉ Tết với tăng tiêu dùng và nhu cầu sửa chữa nhà cửa trước Tết như là một cái cớ hoàn hảo cho sự tăng lên về lạm phát hay chậm lại về tăng trưởng GDP ở Việt Nam. Thay vào đó, lý do nền tảng đằng sau hiện tượng giá cả tăng lên và tăng trưởng chậm lại là những điều cần được báo cáo, phân tích và mổ xẻ kịp thời, thấu đáo để đưa ra được những giải pháp xử lý thích hợp nhất có thể.