Triển lãm điện tử tiêu dùng (Consumer Electronics Show – CES) là sự kiện công nghệ nổi bật và có quy mô hoành tráng nhất hằng năm. Tại CES 2018 diễn ra ở Las Vegas (Mỹ) từ ngày 9 đến ngày 12-1, ngoài các hạng mục giải thưởng công nghệ xuất sắc như phụ kiện máy tính, đồ gia dụng điện tử, công nghệ đeo, camera… còn có thêm ba hạng mục mới là bảo mật mạng, đô thị thông minh và robotics. Điều này cho thấy ngành công nghiệp ứng dụng robot và trí tuệ nhân tạo (AI) đang ở thời điểm bùng phát, sẽ tác động tích cực đến đời sống hằng ngày nhờ tính ứng dụng cao.
1. Trí tuệ nhân tạo, trợ lý ảo thông minh và robot lên ngôi
Lướt qua các gian hàng tại CES 2018, giới công nghệ không bất ngờ khi xu hướng chủ đạo năm nay tiếp tục là trí tuệ nhân tạo, trợ lý ảo thông minh và robot. Có rất nhiều mẫu robot lần đầu xuất hiện bên cạnh những mẫu robot đã được giới thiệu trước đó nhưng khi đến với CES 2018 với diện mạo, tính năng mới độc đáo hơn.
Gây ấn tượng mạnh trong CES 2018 là robot gia đình Buddy có thiết kế ba bánh với khuôn mặt dễ thương, được phát triển bởi Blue Frog Robotics và thành công vang dội trên Indiegogo. Công việc của Buddy giống như một trợ lý ảo: gọi video call, kiểm tra thời gian, nhắc nhở người dùng… Buddy có thể tự thu hút sự quan tâm từ chủ nhân hoặc sẽ trở nên tức giận nếu như bị chạm vào đôi mắt.
Chú chó Aibo của Sony là nhân tố thu hút được nhiều sự chú ý nhất tại triển lãm công nghệ năm nay. Aibo có thể hiểu những cử chỉ bằng tay của chủ, biết bắt tay và ngồi xuống khi được ra lệnh. Với đôi mắt OLED và camera giấu trong mũi, thực hiện vai trò của một webcam quan sát khi chủ nhân vắng nhà. Hệ thống cảm biến hành động trên lưng của Aibo rất nhạy cảm, có thể đánh giá được mức độ hành động trìu mến mọi người dành tặng, bám theo người tỏ ra yêu quý nó nhất.
Honda góp mặt với bộ tứ 3E robot có khả năng giúp đỡ con người ở nhiều tình huống khác nhau. Robot 3E-A18 đóng vai trò người bạn đồng hành có khả năng phản ứng trước cảm xúc của chủ nhân nhờ những biểu cảm đa dạng trên khuôn mặt. Robot 3E-B18 là chiếc ghế tự hành có thể sử dụng cả trong nhà lẫn ngoài trời. Hai thành viên còn lại được phát triển dựa trên ý tưởng về xe tự lái. Robot 3E-C18 là cỗ máy đa năng giúp vận chuyển hàng hóa, còn mẫu xe địa hình 3E-D18 với trí thông minh nhân tạo hỗ trợ trong nhiều công việc đặc thù khác nhau.
Samsung cũng có một bước tiến mới khi giới thiệu sản phẩm QLED Q9S – chiếc tivi QLED 8K lớn nhất từ trước đến nay. Đặc biệt, nó được tích hợp nền tảng trí tuệ nhân tạo (AI) nhằm nâng cao trải nghiệm nội dung cho người sử dụng.
Sử dụng trợ lý ảo Clova, tai nghe của Mars cũng có thể dùng để thực hiện cuộc gọi, điều khiển các thiết bị IoT, nghe nhạc và thực hiện toàn bộ các lệnh kích hoạt bằng giọng nói. Chiếc tai nghe giúp người dùng có thể trò chuyện ngay cả khi không cùng ngôn ngữ với khả năng dịch chín loại ngôn ngữ: Anh, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật, Tây Ban Nha, Pháp, Việt, Thái Lan và Indonesia. Với những công nghệ đột phá này, Mars đã nhận được giải Best of Innovation ở hạng mục “Tai nghe”.
Tại CES 2018, sự nở rộ của loa thông minh vượt qua cả các thiết bị đeo, thực tế ảo (VR), thực tế tăng cường (AR). Các sản phẩm nổi bật như: loa thông minh ThinQ của LG được hỗ trợ Google Assistant, loa thông minh không dây LF-S50G của Sony cũng được tích hợp trợ lý ảo Google Assistant. Amazon vẫn nắm ưu thế khi đang thống lĩnh thị trường loa thông minh, tiếp tục trình làng Echo Show với màn hình cảm ứng, máy ảnh thời trang Echo Look, trung tâm gia đình Echo Plus và đồng hồ báo thức Echo Spot. Các đối tác Ecobee và Sonos đã tích hợp Alexa vào sản phẩm của họ, thúc đẩy lượng người tương tác và mua sắm trực tuyến ngày càng gia tăng.
Với hàng loạt thiết bị, robot được tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI), trang bị trợ lý ảo thông minh được trưng bày tại CES 2018, có thể thấy AI đang định hình thế giới tương lai.
2. Thiết bị gia dụng thông minh nở rộ
Các thiết bị gia dụng thông minh đang dẫn đầu xu thế tại CES 2018. LG cho ra mắt bộ tứ đồ gia dụng thuộc hệ sinh thái nhà thông minh ThinQ, bao gồm tủ lạnh, lò nướng, lò vi sóng và máy rửa chén. Trung tâm là chiếc tủ lạnh InstaView ThinQ với màn hình cảm ứng rộng đến 29 inch và trợ lý ảo Alexa. Khi chọn công thức nấu ăn từ những nguyên liệu có sẵn, tủ lạnh sẽ gửi công thức sang lò nướng hoặc lò vi sóng EasyClean Oven Range để cài đặt thời gian và nhiệt độ phù hợp. Chiếc lò cũng có thể bắt đầu tự làm nóng trước, sau đó đặt giờ, đặt cấu hình cho máy rửa chén QuadWash Dishwasher. Nhờ đó, người dùng có thể lên lịch, điều khiển từ xa các công việc nhà thông qua kết nối trên smartphone.
Samsung giới thiệu người dùng tủ lạnh Family Hub được tích hợp trợ lý ảo Bixby cùng màn hình, cho phép người dùng tương tác, kiểm soát thực phẩm chứa trong tủ lạnh, nếu thiếu thứ gì thì có thể mua hàng trực tuyến để bổ sung.
Kohler mang tới một khái niệm mới về một phòng tắm thông minh với các thiết bị kết nối internet và có khả năng tương tác cao. Sản phẩm gương Verdera được tích hợp trợ lý ảo Alexa của Amazon giúp cho việc điều chỉnh âm thanh và ánh sáng bằng cảm ứng. Thiết bị này cũng là trung tâm của phòng tắm thông minh thông qua ứng dụng Kohler Konnect, giúp người dùng ra lệnh cho các thiết bị khác như bồn tắm PerfectFill tự đổ nước vào bồn, mở vòi sen, điều chỉnh nhiệt độ nước, thiết lập chế độ giúp người dùng giải tỏa căng thẳng bằng liệu pháp âm thanh và sóng âm. Với toilet thông minh Numi, người dùng sẽ được trải nghiệm việc xả nước tự động, hệ thống làm ấm chân, làm khô bằng không khí, kiểm soát mùi, phát nhạc, thay đổi nhiệt độ chỗ ngồi.
3. Sàn trình diễn công nghệ xe thông minh
Xu hướng phát triển mạnh mẽ của điện khí hóa và xe tự lái trong năm qua đã giúp cho CES 2018 thêm đa dạng và tạo được nhiều bất ngờ. Khu vực triển lãm xe hơi mang tới viễn cảnh về một xã hội tốt đẹp hơn nhờ các phương tiện đi lại hiệu quả hơn và thông minh hơn.
Nếu Hyundai công bố mẫu xe điện thể thao chạy nhiên liệu hydrogen thì Nissan trình diễn công nghệ điều khiển xe bằng sóng não. Ford, GM, Mercedes-Benz, Toyota trình làng các công nghệ tự lái và thiết kế mới cho xe tự hành, xe điện cùng các giải pháp lái xe an toàn với sự hỗ trợ của công nghệ tiên tiến. E-Palette là mẫu concept của dòng xe tự lái do Toyota thiết kế, có thể phục vụ như một phương tiện giao hàng đa năng, văn phòng di động hoặc cửa hàng. Theo Toyota, khả năng chuyển đổi linh hoạt giữa nhiều công năng tùy thuộc vào mục đích sử dụng của chiếc xe này chính là điểm đặc biệt nhất của nó, hơn cả chế độ lái tự động.
Giới công nghệ cũng bất ngờ khi chứng kiến các sản phẩm của một số startup như Byton (Trung Quốc) với mẫu xe điều khiển cảm ứng, Navya (Pháp) với lộ trình chi tiết để phát triển robo-taxi (taxi không người lái)…
Thu hút được hơn 3.900 công ty tham gia, sử dụng diện tích triển lãm lên tới 260.000m2, CES 2018 ghi kỷ lục trong lịch sử 51 năm tổ chức sự kiện công nghệ này. CES đã trở thành nền tảng chung toàn cầu, giúp chúng ta thấy được sự tiến bộ của các loại hình công nghệ và cách chúng kết nối với nhau, thậm chí có thể dự đoán được cả những lát cắt đột phá của công nghệ lẫn tầm nhìn tương lai.