Cuộc sống hiện đại đã làm cho đa số những bà mẹ trẻ trở nên xa lạ, thậm chí thấy không còn cần thiết với công việc ru con. Đây có thể là một khiếm khuyết, một thiệt thòi lớn chẳng những cho các thế hệ mầm non mà cho cả cộng đồng trong việc hình thành tính cách, hơn nữa là nhân cách của con người Việt Nam.
Ban đầu, lời ru đi vào tâm hồn con trẻ bằng giọng ngân nga êm ái, có vần có điệu của những người bà, người mẹ, người chị… Rồi những nội dung trữ tình, phong phú, đầy chất nhân văn chứa đựng cảnh vật, tâm trạng con người trong những bài ca dao Việt được lặp đi lặp lại nhiều lần sẽ thấm sâu vào tiềm thức của trẻ, tạo cho chúng những cảm nhận ban đầu về sự yêu thương, sự phân biệt cái hay cái dở, cái tốt cái xấu.
Tuy không thể đổ lỗi là do hồi nhỏ con trẻ không được nghe lời ru mà lớn lên chúng nghịch ngợm, khó dạy bảo, nhưng rõ ràng, nếu con nhỏ được nghe hát ru thì đa số chúng sẽ có tính cách mềm mỏng hơn, nhờ vậy mà cha mẹ cũng dễ uốn nắn chúng hơn. Tôi quan sát thấy dường như phần lớn trẻ con hiện nay thiếu vắng những lời hát ru của người lớn, cộng với việc được tiếp xúc sớm với những phương tiện công nghệ Internet nên chúng hiếu động hơn hoặc tính cách dễ phát triển theo chiều hướng tiêu cực nếu không có những biện pháp giáo dục cứng rắn.
Tôi cũng cho rằng không phải ngẫu nhiên mà có nhiều ban ngành, đoàn thể thường tổ chức các cuộc thi hát ru, hát dân ca, mà điều này là do người ta nhận thức được ý nghĩa nhân văn và tầm quan trọng của lời ru đồng thời với mong muốn khơi gợi niềm tự hào về những giá trị truyền thống của dân tộc.
Tuy nhiên, nếu chỉ dừng lại ở các hội thi thì văn hóa hát ru vốn đã ít nhiều bị mai một cũng dễ đi theo chiều phô trương hình thức. Theo tôi, hát ru cần phải được phổ biến thật rộng rãi cho tất cả những người mẹ, người chị, người dì, người cô… Nó cần phải trường tồn trước thử thách của cuộc cách mạng 4.0, và mọi phụ nữ cần trang bị cho mình một vốn hiểu biết nhất định về hát ru, nằm lòng một số bài ca dao, câu hò…
Tôi cũng nghĩ nhiều lời ru chứa đựng những nội dung mang ý nghĩa là những bài học vỡ lòng cho trẻ trong cuộc đời nên cần được chọn lọc đưa vào khoa sư phạm. Và không chỉ là lời ru, khả năng hát ru có thể là một tiêu chuẩn trong việc tuyển chọn các bảo mẫu, giáo viên mầm non, vì thiết nghĩ, nếu những người làm công việc nuôi dạy trẻ mà có hiểu biết về văn hóa hát ru và có kỹ năng hát ru thì sẽ hạn chế được nhiều nạn bạo hành, ngược đãi trẻ con.
- Theo Lê Quang Vũ / TBKTSG