Huyện cũng là một trong những địa phương được UNESCO đưa vào danh sách Khu dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An nhờ có một phần diện tích khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống và rừng quốc gia Pù Mát. Xưa kia miền núi non này vốn thuộc lãnh thổ của vương quốc Bồn Man, đến cuối thế kỷ XV mới sát nhập vào Đại Việt.
Giao thông ở Tương Dương trước đây rất khó khăn, ngoài quốc lộ 7 nối với thành phố Vinh, việc đi lại trong huyện chủ yếu là bằng đường rừng hoặc xuôi ngược trên sông Lam. Hiện nay, tỉnh lộ 487 nối liền quốc lộ 7A và quốc lộ 48 đã phần nào giúp Tương Dương kết nối với các địa phương khác dễ dàng hơn.
Vài năm gần đây, khi phong trào du lịch khám phá ngày càng sôi nổi, Tương Dương thu hút khá nhiều du khách nhờ các cánh rừng săng lẻ, rừng cây lùn, nhiều thác và hang động đẹp. Ngoài ra nơi đây còn có hồ thủy điện Bản Vẽ, Khe Bố rộng lớn tạo nên rất nhiều ốc đảo và luồng lạch với làn nước trong xanh dịu mát.
- Xem thêm: Đón bình minh nơi vườn quốc gia Pù Mát
Trên chiếc thuyền nhỏ rẽ sóng trên sông nước, du khách sẽ được hoàn toàn trở về cùng thiên nhiên. Hai bên bờ cây cối rậm rạp đậm vẻ hoang sơ, điểm xuyết những màu sắc sặc sỡ của các loài phong lan, xa xa là những dãy núi đá vôi hùng vĩ.
Có hơn 90% dân số là người Thái, Khơ Mú, Mông, Ơ Đu, Tày Poọng, đời sống – văn hóa Tương Dương mang nhiều nét đặc trưng thú vị. Huyện còn lưu giữ được một số bản Thái với những phong tục cổ truyền đặc sắc như bản Chắn, bản Mác, bản Cây Me, bản Nhặn, bản Phòng.
Người dân ở đây vẫn lưu giữ được nhà ở, công cụ lao động, vật dụng sinh hoạt truyền thống và các nghệ thuật biểu diễn, phong tục, tín ngưỡng, lễ hội từ xa xưa. Du khách đến đây sẽ được thưởng thức nhiều món ăn chế biến từ sản vật địa phương như cá lăng, cá mát, gà ác, lợn đen và các loại rau quả như cà ngọt, măng đắng, khoai sọ, bí xanh… mang đậm hương vị đặc trưng của núi rừng.
Về di tích gắn với không gian văn hóa lễ hội, Tương Dương có Đền Vạn – Cửa Rào thờ Đốc tướng Đoàn Nhữ Hài và Tam tòa Thánh Mẫu. Lễ hội Đền Vạn – Cửa Rào dịp đầu xuân hằng năm là nét đẹp văn hóa truyền thống các dân tộc Tương Dương, thu hút đông đảo du khách gần xa. Ngoài Đền Vạn – Cửa Rào còn có đền Pàng, đền thờ Lý Nhật Quang ở xã Tam Quang.
Lễ hội đền Quả Sơn là lễ hội vùng lớn vào loại bậc nhất ở Nghệ An. Lễ hội được diễn ra trong ba ngày 19, 20 và 21 tháng Giêng Âm lịch hằng năm để tưởng nhớ tới công đức của Uy Minh Vương Lý Nhật Quang – vị danh tướng của vương triều Lý đã có công lớn với đất nước vào đầu thế kỷ XI.
Đã có nhiều người vượt 200km từ Vinh đến đây chỉ để ngắm rừng chiều và ăn bữa cơm mang hương vị miền núi cao. Có lẽ niềm vui giản dị ấy là trải nghiệm đáng nhớ nên ngày càng nhiều người tìm đến Tương Dương để được trở về với thiên nhiên hoang dã.