Sau 4 năm, nhóm Nhà chống lũ, được sự chung tay của rất nhiều người, đã xây dựng được hơn 523 căn nhà trên toàn quốc.
Những ngôi nhà này hoặc có kết cấu khung bê tông hai tầng, có cầu thang đi lên cho heo, bò, dê; hoặc là các nhà phao chống lũ ngay sát căn nhà của dân vẫn ở, tại vùng lũ Hà Tĩnh, Quảng Nam, Quảng Bình, miền Tây nam bộ… Chương trình không có tư cách pháp nhân, chỉ là một dự án phát triển cộng đồng, nhưng đã huy động được hơn 23 tỷ đồng và đã dùng gần 18 tỷ. Nhóm hỗ trợ tối đa 50% kinh phí, người dân góp phần còn lại cho mỗi căn nhà trị giá 50 – 70 triệu đồng.
Xây nhà thiện nguyện không mới, nhưng cách họ tiếp cận và hợp tác để làm thì khác. Bốn bên cùng ký cam kết xây một ngôi nhà: Người dân, Nhà chống lũ, chính quyền, bên cung cấp vật liệu. Nhà chống lũ tìm kiến trúc sư thiết kế đúng căn nhà mà gia đình mong muốn. Kiến trúc sư vẽ theo ý thích chủ nhà, miễn đảm bảo an toàn và tiết kiệm, nhiều công năng, nên 523 căn nhà là từng đó mẫu thiết kế. Có căn trông xấu, có căn lạ lùng… nhưng người dân lại vô cùng hạnh phúc, tự hào vì căn nhà của mình, do chính mình thiết kế, góp tiền, tự xây và không gắn biển ‘nhà từ thiện’.
Một chương trình cộng đồng trở thành dự án cho các vùng thiên tai, bão lũ thành công nhất từ trước tới nay. Nhưng không đủ. Bởi mỗi đợt bão lũ có thêm cả nghìn căn nhà trôi mất hoàn toàn, chưa kể những căn nhà có thể sữa chữa để ở lại. Nếu dự án giữ tốc độ mở rộng hiện tại, mỗi năm xây thêm 200 đến 300 căn thì hơn 500 năm nữa họ mới có thể xây bù lại số nhà đã bị lũ đem đi.
Cái đói có thể qua đi, bệnh tật có thể chữa khỏi, nhưng lũ hầu như năm nào cũng quay lại. Các thảm kịch năm nào cũng lặp lại, ngày càng bi thương.
Chúng ta có đang thiếu tiền để xây nhà chống lũ cho người dân?
Nhà nước có quỹ lên tới 7.600 tỷ đồng để xây nhà cho người nghèo các vùng thiên tai. Nhưng sau mấy năm mới chi hết khoảng 1.000 tỷ.
Bộ Xây Dựng cũng đã xin chính phủ hỗ trợ 40 nghìn hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng tránh lũ, lụt cho 14 tỉnh miền Trung với tổng kinh phí hơn 1.000 tỷ đồng. Trong đó có nhiều căn nhà giúp được dân chống lũ, nhưng vẫn còn những căn nhà xây rồi để không. Có nơi, chúng được xây thành một khu nhà tập trung cách khá xa nhà dân đang ở, xa nơi sinh kế của họ. Hay có nơi, chúng được xây bên nhà dân, dưới hình dạng một cái chòi nhỏ. Khi nước đến, người và vật có thể kéo nhau lên đó nhưng chỉ ngồi nhìn nhau và nhìn nước. Người dân bảo, họ không muốn xây chòi chống lũ như cách nhiều chương trình phát triển đang làm. Bởi vì nhà của họ là nơi gắn bó, nên họ không muốn một cái chòi chỉ để lúc có lũ thì chạy đến trong khi ngôi nhà tan nát.
Người dân vùng lũ muốn gì? Cái ăn, cái ở là những nhu cầu bức thiết nhất sau những cơn lũ quét qua. Hàng chục người dân ở Hòa Bình, Yên Bái, Sơn La… vừa thiệt mạng trong đợt lũ. Có những gia đình bị cả nửa quả núi, đổ sập vùi lấp trong đêm khi đang ngủ. Người sống tiễn đưa người chết giữa những khoảng đất nhầy nhụa bùn lầy, không còn lấy một mái hiên che chắn. Bàn thờ nằm chỏng chơ trên nền đất lạnh.
Khi giao thông không còn bị chia cắt, họ sẽ nhận được mỳ gói, lương khô của các đoàn từ thiện; nếu may mắn có thể sẽ được hỗ trợ dựng lại căn nhà trên chính cái nền đất mà căn nhà cũ vừa đổ sập xuống. Nhưng tới mùa bão lũ năm sau thì sao?
Khác với lũ đồng bằng, những cơn lũ quét thượng nguồn sẽ thường bất chợt đổ ầm ầm ào ào từ trên cao xuống, kéo theo núi sập, lở đất. Những căn nhà ở ngay dưới chân núi, dù kiên cố đến đâu có thể cũng sẽ sập. Họ không có sự chuẩn bị, thậm chí có chuẩn bị cũng không lại được với sự cuồng nộ của thiên nhiên.
Xây nhà và phát mỳ gói hẳn nhiên đều tốt, nhưng nó phải được cho đi theo cách sâu sắc và bền vững hơn. Sự cho đi mà Nhà chống lũ đã nghiên cứu rất kỹ, chính là thuyết phục người nhận chung tay với người cho, là “xỏ chân vào giày người khác” để đặt họ vào vị trí người làm chủ công cuộc kiến thiết lại cuộc sống của mình sau thiên tai.
Từ thiện là một bên chỉ cho, thậm chí nghĩ “cho thế là tốt rồi”. Bên kia tìm cách không bỏ lỡ việc nhận. Không ai cần hợp tác, cũng không cần thay đổi cái gì bởi sau đó ai nấy quay lại đời mình. Nhiều người có tiền, thảy xong rồi đi. Đồng tiền ấy không nâng người bị nạn lên mà thậm chí ngược lại, vô tình làm họ thấp kém đi.
Khi mà rừng đã bị tàn phá nặng nề, người dân vùng núi sẽ phải đối mặt thường xuyên hơn với những đợt lũ quét. Mỳ gói dù nhiều đến bao nhiêu cũng sẽ là không đủ; những ngôi nhà xây lên rồi cũng sẽ để sập. Người dân nơi đây không cần nhiều những đoàn từ thiện chỉ đến “phân phát rồi đi”. Họ cần được sát cánh, chung tay, cần những giải pháp có thể không phải ngay trước mắt nhưng bền vững, lâu dài; như là những dự án trồng thêm rừng, như là những nghiên cứu chỉ ra rằng nên xây nhà ở đâu thì an toàn hơn, tránh được sụt lún; như là xây dựng nên một bản đồ nguy cơ sạt trượt, lở đất; như là những chương trình giáo dục kỹ năng tồn tại trong lũ lụt, sạt lở…
Sự giúp đỡ giá trị nhất là đặt vào tay đối tượng đúng thứ họ cần, chứ không phải thứ ta muốn, ta nghĩ họ cần.
- Theo Hồng Phúc / Vnexpress