Dolce & Gabbana (D&G) sẽ chỉ bán ra 5.000 lon mì ống loại này trên khắp thế giới, đi kèm một tạp dề do chính hãng thời trang xa xỉ này thiết kế.
Hồi tháng 9, thương hiệu thời trang danh tiếng của Ý Dolce & Gabbana (D&G) đã tung ra bộ sưu tập thời trang mùa xuân với chủ đề ẩm thực tại Paris. Lúc ấy, ít ai biết rằng hai nhà tạo mẫu Stefano Gabbana và Domenico Dolce của hãng này đã có ý tưởng về kinh doanh đồ ăn trong đầu.
Di Martino kinh doanh mì ống từ năm 1912 và là thương hiệu đầu tiên có sản phẩm vượt qua kênh đào Panama. Mì ống của nhãn hiệu này hiện có mặt trên khắp thế giới và có doanh thu mỗi năm trên 163 triệu USD.
Công ty gia đình này đặt trụ sở tại Gragnano, Naples – thị trấn miền Nam nước Ý nổi tiếng với nghề làm mì ống khô truyền thống. Mỗi ngày, Martino sản xuất hơn 9.000 tấn mì ống với 125 hình dạng khác, làm hoàn toàn từ lúa mì cứng của Ý (khác với các loại mì ống làm bằng lúa mì Canada rẻ tiền được bán tràn ngập trên thị trường nước này). Chất lượng tuyệt vời, dẻo nhưng không dính của loại mỳ này từng được công nhận bởi nhiều tổ chức uy tín.
Dolce & Gabbana sẽ vẫn giữ nguyên công thức mì ống của di Martino, nhưng sẽ thiết kế bao bì đặc biệt cho các loại mì hình dáng khác nhau, cùng với tạp dề đi kèm.
Những hộp mì ống phiên bản giới hạn này sẽ được bán tại cửa hàng của Pasta di Martino tại Naples và Bologna. Tại Mỹ, chúng sẽ bắt đầu được bán trực tuyến từ ngày 15-11 trên trang dimartinodolcegabbana.com và một số cửa hàng ở New York. Mỗi hộp sẽ có giá khoảng 110 USD.
Đây là sự hợp tác đầu tiên giữa hai công ty độc lập tại Ý, Giuseppe di Martino – CEO của Pastifico di Martino, thế hệ thứ 4 của thương hiệu mì ống lâu đời này.
Ông cũng cho biết sau khi hai nhà tạo mẫu lừng danh của D&G bắt đầu thổi hồn ẩm thực vào các thiết kế thời trang của mình, họ đã tìm kiếm một đối tác để thực hiện dự án chủ đề ẩm thực của mình và tìm đến di Martino.
“Chúng tôi đã ký hợp đồng hai năm với họ. Chúng tôi đã bàn bạc về rất nhiều thứ và lần ra mắt này mới chỉ là bắt đầu thôi”, di Martino cho biết. “Đây là lần đầu tiên trong lịch sử thực phẩm và thời trang hợp tác với nhau như thế này”.
- Vân Đàm theo Nhịp sống kinh tế