Theo nhận định của Ngân hàng Thế giới, chất lượng tài sản của hệ thống ngân hàng Việt Nam vẫn tiếp tục đi xuống, các biện pháp tái cơ cấu vẫn chưa được thực thi, khiến rủi ro đối với toàn hệ thống luôn ở mức cao.
Tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế Fitch tuần trước cũng đã công bố bản báo cáo triển vọng ngành ngân hàng khu vực châu Á 2013, theo đó triển vọng quốc gia cũng như của các ngân hàng nước ta đều được đánh giá ở mức ổn định, tuy nhiên nợ xấu vẫn sẽ gia tăng. Nhận định mới nhất này gần giống với bản báo cáo của Fitch đưa ra vào tháng 10, điểm khác biệt là triển vọng tăng trưởng trong năm tới của Việt Nam chỉ ở mức 5,5%, giảm so với dự báo trước. Báo cáo cho biết, nỗ lực của các nhà hoạch định trong việc hạ lãi suất chưa tác động nhiều tới tâm lý của các nhà đầu tư trong bối cảnh kinh tế toàn cầu còn bất ổn và cấu trúc vốn với tỷ lệ nợ cao vẫn là trở ngại đối với các doanh nghiệp. Fitch nhận định rằng chính sự suy giảm của nền kinh tế sẽ khiến nợ xấu của ngành ngân hàng tăng cả trong ngắn hạn lẫn trung hạn. Số liệu nợ xấu được báo cáo từ các ngân hàng chỉ bằng một nửa con số đưa ra từ Thanh tra Ngân hàng Nhà nước càng khiến cho người ta mất lòng tin về những con số thống kê. Lợi nhuận của hệ thống ngân hàng sẽ giảm, do chi phí tín dụng trung bình sẽ tăng cao hơn so với trước. Ngoài ra, việc phải chấm dứt huy động vàng cũng ảnh hưởng đến lợi nhuận của một số ngân hàng.
Về tình hình vốn của hệ thống, đã có một sự cải thiện nhờ nguồn lợi nhuận giữ lại, tăng trưởng tín dụng thấp cũng như hoạt động tăng vốn mới. Việc các ngân hàng đổ tiền vào tín phiếu, trái phiếu kho bạc với lãi suất chỉ nhỉnh hơn lãi suất huy động, hay gần đây một số ngân hàng giảm lãi suất huy động các kỳ hạn dài (về mức 11%/năm, thay vì 12 – 13%/năm như trước), thậm chí lãi suất huy động ngắn hạn cũng được đưa về dưới 9%/năm cho thấy tiền mặt tại một số ngân hàng đã ở mức dồi dào. Tuy nhiên, báo cáo của Fitch vẫn cho rằng trong bối cảnh tình hình kinh tế khó khăn và thiếu rõ ràng trong công bố nợ xấu, nguồn vốn của hệ thống ngân hàng nói chung còn yếu và dễ bị suy giảm. Các ngân hàng sẽ còn gặp khó khăn về vốn do các đặc điểm mang tính cấu trúc, bao gồm cả sự cạnh tranh tiền gửi và việc người dân chọn các kênh đầu tư thay thế. Trong khi đó, hoạt động tái cơ cấu hệ thống ngân hàng chưa có tiến triển nào đáng kể. Các biện pháp cụ thể chưa rõ ràng, trong đó có việc củng cố hệ thống ngân hàng và thành lập công ty quản lý nợ quốc gia để mua lại nợ xấu. Hoạt động tái cơ cấu một số doanh nghiệp quốc doanh cũng được đề cập nhiều nhưng chưa có kết quả cụ thể.
Chính do những bất cập trong hệ thống tài chính – ngân hàng còn nhiều, nên thông tin Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng Thế giới dự kiến hoàn thành trong nửa đầu năm 2013 phân tích đầu tiên về hệ thống tài chính Việt Nam vào năm sau nhận được sự quan tâm đặc biệt. Một phân tích như vậy sẽ giúp các nhà điều hành tăng cường nỗ lực cải thiện sức khỏe ngành ngân hàng cũng như niềm tin của các nhà đầu tư. Ngoài ra, sự kém hiệu quả của các doanh nghiệp nhà nước là một chướng ngại vật đối với tiềm năng tăng trưởng trong dài hạn và nước ta cũng đã xác định việc tái cơ cấu các doanh nghiệp quốc doanh là một trong ba lĩnh vực trọng tâm trong năm năm tới.
Minh Hằng