Nằm trong khuôn khổ liên hoan Múa đương đại: Sự gặp gỡ Á – Âu 2017, triển lãm ảnh Điểm nhìn chung của tám nghệ sĩ Pháp và Việt Nam là một dự án nghệ thuật do nghệ sĩ trẻ Nguyễn Kiều Linh hiện đang sinh sống và học tập tại thành phố Lyon (Pháp) đề xuất, nhằm chia sẻ góc nhìn của các nhiếp ảnh gia đến từ Pháp và Việt Nam về múa.
Múa đương đại là một bộ môn nghệ thuật kết hợp hài hòa những sáng tạo của cử động, sự uyển chuyển của cơ thể với những xúc cảm của tâm hồn. Xét về tính thẩm mỹ, một bức ảnh ghi lại những chuyển động của vũ công múa đương đại có thể mang đến những hiệu ứng cảm xúc rất mạnh. Nếu như múa là một trong số những “đặc sản” nổi tiếng thế giới của Lyon, thì nhiếp ảnh cũng là một lĩnh vực có tuổi đời khá lâu ở mảnh đất này và là một công cụ lý tưởng để tôn vinh nghệ thuật múa.
Mong muốn được kết nối niềm đam mê nhiếp ảnh với những đặc trưng văn hóa của hai vùng đất đã gắn bó với mình là Lyon và Hà Nội, nghệ sĩ trẻ Nguyễn Kiều Linh hiện đang sinh sống và học tập tại thành phố Lyon (Pháp) đề xuất một dự án nghệ thuật nhằm chia sẻ góc nhìn của các nhiếp ảnh gia đến từ Pháp và Việt Nam về múa. Nguyễn Kiều Linh đã quyết định thực hiện dự án nghệ thuật Điểm nhìn chung để kết hợp hai bộ môn nghệ thuật nhiếp ảnh và múa. Dự án được thực hiện tại Lyon và Hà Nội nhằm đưa đến cho khán giả những cái nhìn giao thoa về múa đương đại tại hai mảnh đất này. Cô là sinh viên Việt Nam học tại Lyon từ năm 2011. Hiện nay Linh theo học song song chuyên ngành kinh tế tại Đại học Lumière Lyon 2 và chuyên ngành nhiếp ảnh tại Đại học Condé, là thành viên khóa 2016 của Tổ chức Đại sứ trẻ (l’Association Jeune Ambassadeurs) và tình nguyện viên nhóm múa của Hội văn hóa Việt Nam tại vùng Rhône-Alpes (ACVR).
Liên hoan Múa đương đại: Sự gặp gỡ Á – Âu 2017 có sự tham gia của sáu quốc gia: Đức, Pháp, Canada, Thụy Sĩ, Tây Ban Nha, Việt Nam diễn ra tại Hà Nội từ ngày 20 đến 24-9, tại TP. Hồ Chí Minh từ ngày 21-9 đến 14-10, đã và đang giới thiệu những tác phẩm múa cho thấy sự đa dạng của các cách thức tiếp cận và hình thức biểu hiện nghệ thuật. Đó là các vở: Wintercearig của Tricia Nguyễn và các nghệ sĩ quốc tế nghiên cứu những hình ảnh của bệnh trầm cảm và chứng rối loạn lo âu; Tác phẩm hợp tác sản xuất Đức – Việt Stigmergy cho thấy hiệu quả của hành động và sự liên đới. Tác phẩm Câu chuyện nhỏ của hai nữ nghệ sĩ Tây Ban Nha Cipriano López và Raquel Madrid đưa khán giả tới không gian phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm; trong khi đó, nhóm nghệ sĩ Thụy Sĩ Asphaltpiloten đưa vở diễn hóm hỉnh mang tính phá cách có tên Tape Riot đến với người dân TP. Hồ Chí Minh tại phố đi bộ Nguyễn Huệ, thể hiện sự phản kháng trực tiếp trong không gian đô thị bao quanh chúng ta.
Chương trình nghệ thuật Urban Distortions là thành quả hợp tác giữa đoàn múa Pháp – Bỉ t.r.a.n.s.i.t.s.c.a.p.e cùng nữ hoàng hip-hop Việt Nam Suboi, nhạc sĩ trẻ tài năng Teddy Chilla và nghệ sĩ múa Đỗ Xuyến Như, diễn ra tại Nhà hát TP. Hồ Chí Minh tối 14-10. Hòa trộn giữa múa, âm nhạc và nghệ thuật thị giác, chương trình nghệ thuật Urban Distortions mang lại cái nhìn nên thơ về không gian sống với những câu hỏi: Không gian sống là gì? Chúng ta đang chia sẻ nó với nhau như thế nào? Ta tiếp nhận người lạ và những khác biệt văn hóa ra sao? Liệu sẽ có một thế giới tốt đẹp hơn nơi mọi người cùng chung sống hạnh phúc?
- Bài Đông Thy, Ảnh Nguyễn Kiều Linh