Bộ phim nói về một cuộc hành trình đầy mạo hiểm và những bài học quý giá dành cho chàng trai tên Pi chỉ mới 16 tuổi. Toàn bộ cuộc hành trình cũng như chủ đề đều bao hàm rất nhiều tầng lớp ý nghĩa và nhiều góc độ. Nhưng Cuộc đời của Pi là một bộ phim như thế nào thì hầu như mọi người đều không có một sự đồng tình thống nhất. Có người cho rằng đây là một bộ phim hoành tráng về kỹ xảo 3D, cũng có người cho rằng Cuộc đời của Pi là một phiên bản khác của tác phẩm Robinson Crusoe, hay còn có người cho rằng đây là một bộ phim nói về sự mạo hiểm thời niên thiếu và cuộc đời phiêu dạt trên biển. Tuy nhiên ở một góc cạnh khác cũng có thể cho rằng Cuộc đời của Pi là một bộ phim về sự chọn lựa.
Tác giả của cuốn tiểu thuyết – Yann Martel nói rằng: “Cuốn sách này được ra đời khi tôi đói khát”. Chữ “đói khát” ở đây không phải ý chỉ sự đói khát trong bụng, mà là sự lạc lõng và cảm giác lo sợ đối với tinh thần tín ngưỡng. Bộ phim của Lý An khi cải biên rất tôn trọng nguyên tác, thông qua việc Pi không ngừng có đức tin vào rất nhiều tôn giáo cho thấy được thế giới tâm hồn thuần khiết của Pi. Pi cần nhận được nhiều sự chỉ dẫn để cậu bé cảm thấy được sự to lớn của thế giới, tồn tại vô số vị thần và vô số điều có thể xảy ra. Vì vậy, Pi vừa tin thần Vishnu của Ấn Độ giáo, vừa tin Cơ đốc giáo, sau đó còn tin Hồi giáo, thậm chí còn từng tin Do Thái giáo. Chính niềm tin đa giáo này đã gầy dựng nên tính thần trong tâm hồn của Pi, và cũng trở thành chỗ dựa cho tinh thần của Pi khi anh phải trải nghiệm những tháng ngày tàn khốc trên biển. Chiếc thuyền cứu hộ trong Pi đã trở thành con tàu Noah trong Kinh Thánh, Thánh Allah của Hồi giáo giúp Pi tin rằng tất cả mọi thứ đều là sự sắp đặt của thần, điều này cũng khiến Pi trở thành một người theo chủ nghĩa ăn chay. Những trắc trở gặp phải trên biển, khiến Pi nhiều lần thoát khỏi lưỡi hái của thần chết trong tích tắc, và điều này trong mắt Pi chính là một cách thức giải cứu khỏi nguy hiểm của thần Vishnu mà anh hằng tín ngưỡng, cho nên Pi luôn nhìn thấy “vũ trụ” trong lời nói của thần Vishnu giữa đại dương bao la rộng lớn.
Khi bộ phim đi vào trường đoạn quan trọng nhất, Cuộc đời của Pi của Lý An cho thấy được tính tàn khốc trong sự chọn lựa của môi trường tự nhiên, cái được gọi là “cá lớn nuốt cá bé” được lột tả triệt để. Trên con thuyền cứu sinh bé nhỏ, Pi phải sống chung với một số con vật, bao gồm chú ngựa vằn hiền dịu, linh cẩu ma mãnh, đười ươi thân thiện, và chú hổ Richard Parker uy phong. Điều đầu tiên Pi được chứng kiến đó là ai sẽ là kẻ chiến thắng cuối cùng trước con mồi của mình, và lãnh ngộ được một điều rằng trong cuộc cạnh tranh kẻ mạnh nhất mới có thể giành được chiến thắng. Lúc đầu chú hổ Richard Parker dường như là kẻ nắm trong tay sự chủ động, điều này khiến Pi sợ hãi, nhưng rồi dần dần, bằng cách sử dụng khéo léo đầu óc của mình, Pi đã khiến cho thế trận có được một sự thay đổi đáng kể. Lúc đầu cạnh tranh địa bàn với Richard Parker thất bại, rồi sau đó cả hai cùng sống hòa bình, và cuối cùng chú hổ Richard Parker hoàn toàn bị Pi chinh phục. Đây chính là sự chọn lựa của hoàn cảnh và quá trình tạo nên một con người thành công.
Cũng giống như trong nguyên tác từng viết: “Có lúc tôi vui mừng vì sự tồn tại của Parker, một phần trong con tim tôi không muốn Parker chết, bởi vì nếu nó chết, thì tôi chỉ còn một mình sống trong tuyệt vọng, mà tuyệt vọng là kẻ thù đáng sợ hơn cả một con hổ”. Những tháng ngày sống cùng chú hổ Richard Parker, cũng có thể xem là một phương pháp tu hành đặc biệt của Pi. Quá trình thuần phục Parker khiến Pi ngày một trở nên mạnh mẽ, đồng thời cũng làm kích thích bản năng vốn có bấy lâu nay nằm sâu trong con người của Pi. Đó là phương pháp hồi phục tâm lý bản thân sau khi trải qua một trận đại nạn của đời người.
Dương Thanh Vân