Có một sự khác biệt rất lớn trong cách nhìn thế giới của mỗi chúng ta. Bởi chúng ta thường không có sự đồng nhất về môi trường sống, bộ gien, kiến thức… Và chính sự khác biệt này khiến chúng ta có những suy nghĩ, quan niệm khác nhau, qua đó thu về kết quả khác nhau trong các vấn đề về tiền bạc.
Từ những nghiên cứu thực nghiệm, các nhà tâm lý học đã chỉ ra hai sự khác biệt lớn nhất giữa người giàu và người nghèo, có thể xem là chìa khóa để thay đổi tình hình tài chính của hầu hết chúng ta.
Người hiểu chuyện và không hiểu chuyện
Trong một báo cáo với tên gọi Social Class Affects Neural Empathic Responses, tiến sĩ tâm lý Michael Varnum và nhóm nghiên cứu của ông đã theo dõi phản ứng cảm xúc, tiến hành quét não bộ, phỏng vấn, đánh giá trực tiếp trên 58 người tình nguyện, có điều kiện tài chính khác nhau, để nhận ra một điểm thú vị là người nghèo thường phân tâm, dễ đồng cảm và có xu hướng bắt chước người khác hơn so với người giàu có.
“Người thành công, có nền tảng tài chính vững mạnh, thường ít thay đổi quan điểm cá nhân hơn khi nhìn thấy một vấn đề hay một sự việc xảy ra” – Michael Varnum đưa ra kết luận – “Đôi lúc người giàu còn tỏ ra khá vô cảm nếu một nỗi đau hay tình huống xấu xảy ra trước mắt không phù hợp với quan điểm cá nhân của họ. Điều này trái với người nghèo – những người gần như đồng cảm được với mọi việc và thường rất dễ thay đổi quan điểm nếu bị một sự việc tác động”.
Lý giải rõ hơn quan điểm này, Richard Koch, tác giả quyển sách nổi tiếng Sống theo phương thức 80/20 (Living The 80/20 Way), đã gọi đây là sự khác biệt tiên quyết giữa hai nhóm người: hiểu chuyện và không hiểu chuyện.
“Người hiểu chuyện là những người thường cố gắng thích nghi bản thân với thế giới. Họ chọn cách dung hòa mình với xã hội, làm theo mọi người và sống như mọi người. Người không hiểu chuyện là những người luôn chỉ tập trung vào những điều họ giỏi nhất và khiến thế giới phải dần quen với điều đó của họ” – Richard Koch nhận định.
Theo đó, đa số doanh nhân thành công, những người sáng tạo, giàu có trên thế giới đều thuộc nhóm người không hiểu chuyện. Họ có cá tính khá mạnh, một số người có thể được mô tả là phát triển không đồng đều về nhiều mặt, nhưng họ thường rất biết cách tập trung vào 20% đỉnh năng lực của bản thân, những thứ họ giỏi nhất. Bởi thay vì hướng tới việc làm dung hòa với thế giới, họ tập trung phát triển, khám phá bản thân, để tìm ra những công việc, môi trường làm họ cảm thấy thoải mái nhất và theo đuổi chúng tới cùng.
Dẫn chứng cụ thể nhất cho tư tưởng này, chính là câu nói của Mark Zuckerberg (người sáng lập Facebook, có giá trị tài sản ước tính khoảng 70,7 tỉ USD – theo Forbes), trong một cuộc họp với nhân viên của mình: “Khi một con sóc chết trước cửa nhà bạn, hãy xem nó có thể liên quan đến lợi ích của bạn ngay lúc ấy hay không. Đừng cố nghĩ về những gì đang xảy ra ở châu Phi” – theo ghi nhận của tờ The New York Times.
Không đặt mục tiêu trở thành người giàu
Một nghiên cứu của Elizabeth Dunn (giáo sư tâm lý học, hiện giảng dạy tại University of British Columbia) thông qua việc thống kê và khảo sát 585 người tình nguyện ở Anh, đã đưa ra một kết luận thú vị, đó là giàu hay nghèo thật ra chỉ là một trạng thái tâm lý, chúng ta rất hiếm khi biết mình thực sự giàu hay nghèo.
“Nếu bạn tự hỏi mình giàu hay nghèo, có lẽ bạn sẽ rất khó có thể tự trả lời được. Bởi cảm giác về sự giàu và nghèo của chúng ta với tiền bạc, ở mỗi thời điểm, là rất khác nhau. Không có một thang đo chung như thang điểm 10 khi đi học. Với nhiều người, khi nhìn thấy thật nhiều tiền trong tài khoản, họ sẽ cảm thấy mình giàu có; với nhiều người khác, đó là khi sở hữu một ngôi nhà to hơn nhà hàng xóm, hay sở hữu nhiều bất động sản có giá trị…” – Elizabeth Dunn ghi nhận.
Đồng tình với quan điểm này, tiến sĩ tâm lý Joe Gladstone cũng cho rằng, để có được một nền tảng tài chính vững mạnh, một cuộc sống đơn giản nhưng thoải mái, người thành công thường không theo đuổi cái gọi là mục tiêu làm giàu, mà họ theo đuổi những mục tiêu tài chính cụ thể.
“Nếu mục tiêu của bạn là giàu, bạn sẽ gặp vấn đề về tài chính. Bởi đa số chúng ta chọn hệ quy chiếu dựa trên sự giàu có của người thân, bạn bè, đồng nghiệp. Những người này lại có hệ quy chiếu dựa trên những người khác nữa… Và rồi chúng ta phấn đấu, nỗ lực hết ngày này tới ngày khác chỉ để chạy theo một cái đích chẳng biết nằm ở đâu. Đến lúc cuối cùng bạn chẳng biết mình giàu hay nghèo và bạn sẽ bỏ lỡ rất nhiều thứ bạn đam mê, thích thú. Do đó, hãy thôi đặt mục tiêu là làm giàu đi, tập trung vào việc hoàn thành những mục tiêu tài chính cụ thể. Một triệu USD tiền trong tài khoản, hoặc 10 triệu USD dưới dạng cổ phiếu. Bạn sẽ thấy mọi việc rõ ràng hơn và cuộc sống đơn giản hơn rất nhiều” – Joe Gladstone chia sẻ trên trang Business Insider.
- Tuấn Thành