Lễ trao giải Oscar lần thứ 84 được tổ chức vào cuối tháng Hai vừa qua được kết thúc với đại thắng của tác phẩm Nghệ sĩ (The Artist), với bối cảnh phim là thời điểm vàng son của Hollywood năm 1927, thời kỳ mà phim câm đang thịnh hành. Câu chuyện phim xoay quanh nhân vật diễn viên ngôi sao George Valentin (Jean Dujardin thủ vai) bắt đầu lo ngại trào lưu phim nói sẽ đưa anh ta vào quên lãng. Tác phẩm này đã đưa khán giả hồi tưởng lại một thời kỳ phim câm trắng đen của những ngày đầu khi có điện ảnh. Cũng có lẽ nhờ vào thủ pháp tinh tế “kính lão đắc thọ” như bày tỏ sự tôn kính đối với các tác phẩm kinh điển, mà The Artist đã đánh trúng con tim của viện hàn lâm, đồng thời nó cũng tạo nên một luồng dư luận về phim câm dưới bối cảnh hiện đại ngày nay. Bộ phim Nghệ sĩ sử dụng hình thức phim câm trắng đen, là một thể loại phim kinh điển thuở xa xưa mà đối với khán giả bây giờ đã quen với dòng phim màu kỹ xảo hoành tráng thì xem ra hoàn toàn xa lạ. Dưới mắt nhìn của khán giả ngày nay, tính thưởng thức dành cho phim câm tuy không thể nào bằng được với phim thương mại, nhưng nó lại có được một ý nghĩa sâu xa khác. Có người cho rằng, bộ phim Nghệ sĩ không chỉ bày tỏ lòng tôn kính đối với những bậc tiền bối đi trước của ngành điện ảnh, còn mang trong mình một sứ mệnh dẫn dắt lớp khán giả trẻ hiểu rõ hơn về nguồn gốc và truyền thống của điện ảnh.
Phim câm, từng một thời là phương thức biểu đạt duy nhất của điện ảnh. Nhưng trong thời đại ngày nay khi mà kỹ thuật không còn bị vướng mắc vấn đề gì nữa, nếu như vẫn còn người thực hiện phim câm, thì chúng ta sẽ có cách nhìn như thế nào đối với những đạo diễn và diễn viên đó? Là sự trở về với nguồn cội, hay muốn tạo nên ấn tượng mạnh mẽ? Là sự đánh thức nghệ thuật, hay tạo nên đề tài cho dư luận? Là một thủ pháp thể hiện tính chất của điện ảnh, hay chỉ là một trò đùa của vị đạo diễn? Vấn đề được đặt ra là: trong một thời đại phim có tiếng đã rất trưởng thành như ngày nay, trong một bối cảnh mà kỹ xảo điện ảnh rất tân tiến, thì phim câm còn cần thiết tồn tại nữa hay không? Điện ảnh đã có được một sự chuyển biến to lớn cất lên được tiếng nói của mình, vậy có cần thiết phải cho nó trở về làm lại thành một kẻ câm hay không? Cho dù rằng bộ phim Nghệ sĩ rất được ưu ái, nhưng với tình hình thực tế, thì phim câm, còn có thể trở thành một thể loại phim của thời đại này hay không?
Tìm về lịch sử phim câm
Phim câm là hình thức đầu tiên của điện ảnh. “Câm” ở đây không đồng nghĩa là không hề có một âm thanh nào, mà là không có lời thoại và hiệu ứng âm thanh. Tuy những tác phẩm thời kỳ đầu tiên thực sự là “câm”, nhưng nhanh chóng sau đó, các vị đạo diễn đã bắt đầu tìm cách phối âm nhạc cho bộ phim của mình, thậm chí trong thời kỳ này khi bộ phim được trình chiếu sẽ có cả một dàn nhạc ở cạnh bên để phối nhạc. Các vị đạo diễn biết rõ tính quan trọng của âm nhạc đối với điện ảnh, và mọi người cũng biết được rằng để diễn viên nói lên được lời thoại trong phim là một bước tiến vĩ đại, nhưng chỉ bởi vì sự hạn chế về mặt kỹ thuật thu tiếng, mà điện ảnh vẫn phải chịu kiếp phận “câm nín”.
Sự xuất hiện của phim có tiếng
Thập niên 20 của thế kỷ XX phim có tiếng đã được xuất hiện. Lúc đầu được thực hiện bằng hình thức, một bên chiếu phim, một phát máy nhạc có tiếng trong phim. Hình thức phối hợp này khá kỳ quái, mà có lúc còn do thao tác của nhân viên mà có thể tạo nên hình và tiếng không khớp nhau. Rồi theo sự phát triển của kỹ thuật, tiếng xuất hiện trong phim đã thành hiện thực. Khi quay phim, người quay phim sẽ sử dụng hai cuộn phim khác nhau, một cuộc dùng để thu hình, và một cuộn dùng để thu tiếng. Sau khi xử lý hậu kỳ, hình ảnh và âm thanh sẽ được gắn kết trên cùng một thước phim, cho nên khi phim được trình chiếu, âm thanh và hình ảnh sẽ được phát ra cùng nhau. Với sự phát triển của kỹ thuật ngày nay, thì việc thu âm đại đa số là thu âm bằng đĩa hoặc kỹ thuật số, chứ không còn sử dụng công nghệ quang học như trước kia nữa. Năm 1929, bộ phim Lights of New York chính thức đánh dấu sự ra đời của điện ảnh có tiếng nói, và từ đó khi điện ảnh thốt được nên lời đã nhanh chóng lan tỏa khắpHollywood và trên toàn thế giới.
Sự ra đời của điện ảnh có tiếng từng một thời bị những nhà làm phim câm tẩy chay, cũng giống như những nhà quay phim quen quay phim trắng đen cũng tẩy chay phim màu. Nhưng bước tiến của thời đại hoàn toàn không thể nào vì một ai đó mà cứ giậm chân tại chỗ, dù cho đó là vua hề Charlot. Năm 1936, Charlot thực hiện bộ phim câm cuối cùng của mình – Modern Times, rồi sau đó vào năm 1940, ông thực hiện tác phẩm điện ảnh có tiếng đầu tiên – The Great Dictator, chính thức chấm dứt thời đại của phim câm.
Liệu phim câm còn có chỗ đứng?
Dù là một thể loại điện ảnh, nhưng phim câm đã không còn chỗ đứng trong lịch sử điện ảnh của thế kỷ này. Tuy vậy những năm gần đây, không ít đạo diễn đã dùng phim câm làm nguyên tố để thể hiện sự hoài niệm hay tạo sự châm biếm đầy sáng tạo, cho nên khán giả vẫn có thể thấy được những trường đoạn mang tính phim câm trong rất nhiều bộ phim điện ảnh hiện nay. Trong đầu năm 2012 này, tác phẩm Nghệ sĩ đã càn quét rất nhiều giải thưởng điện ảnh danh tiếng, chinh phục trong “câm nín” những nhà phê bình và hội đồng giám khảo. Nhưng đến đạo diễn Michel Hazanavicius cũng thừa nhận rằng, đây chỉ là một tác phẩm ông bày tỏ lòng tôn kính chân thành đối với thể loại phim kinh điển này, và thử nghiệm thủ thuật làm phim câm. Trong một bối cảnh điện ảnh dùng phim nhựa truyền thống đang gặp phải cơn lốc kỹ thuật số làm cho sụp đổ, thì sự ra đời của Nghệ sĩ dường như là một nhắc nhở mọi người hãy nên quan tâm và nhớ lấy ý nghĩa của điện ảnh.
Đặt hy vọng vào tương lai cho phim câm trong thời đại ngày nay, thực ra là một việc làm cực kỳ “phiêu lưu”. Bởi vì một thể loại phim đã thuộc về một hình thức xưa cũ của lịch sử điện ảnh thì không mấy thích hợp với thẩm mỹ đương đại, thậm chí đến phim trắng đen gần như bị đẩy lùi khỏi sân khấu điện ảnh ngày nay, huống hồ chi là phim câm trắng đen không hề có tiếng nói?
- Thanh Vân