Mặc dù ông trông trẻ hơn tuổi 70 với mái tóc nhuộm đen và vóc dáng nhỏ nhắn, nhưng dáng đi hơi liêu xiêu cho thấy đã đến lúc ông cần nghỉ ngơi nhiều hơn. Nét mặt trầm tư của ông khiến người đối diện cảm nhận một Đoàn Thạch Biền trải đời và sâu lắng, không vui tươi, hóm hỉnh như lời lẽ trong những tập truyện ngắn trẻ trung của ông như: Ví dụ ta yêu nhau, Bất ngờ phía trái tim, Đừng đốt cháy bông hồng, Phượng yêu, Tôi thương mà em đâu có hay, Mây bay trong đầu, Mùa hè khắc nghiệt, Tình nhỏ làm sao quên, Những ngày tươi đẹp…
____
Khá lâu không thấy ông ra mắt tác phẩm mới, từ sau tập truyện ngắn Chao và Mùa hè khắc nghiệt do Nhà xuất bản Văn hóa Văn nghệ và Phương Nam Book phát hành từ năm ngoái…
Tôi vẫn sáng tác đấy chứ, đó là thói quen “nghề nghiệp” mà. Đã là thói quen thì khó mà từ bỏ, ngay cả thói quen xấu như hút thuốc. Nhưng do tuổi cao, tôi không còn minh mẫn như trước, lúc nhớ lúc quên nên không dám viết nhiều. Tôi sợ rằng có lúc tâm đắc một đoạn văn hay một chủ đề của tác giả khác, tôi lại nghĩ đó là “ý tưởng” của mình nên đưa vào tác phẩm, không khéo lại bị cho là “đạo văn, đạo ý”, thật tội nghiệp cho trí nhớ! Đấy cũng là lý do tôi không viết hồi ký, chỉ dành nhiều thời gian cho tập san Áo trắng và các công việc từ thiện.
____
Hơn 27 năm qua, ông vẫn duy trì một tập san về văn chương dành cho giới trẻ, thật đáng quý. Nhưng liệu Áo trắng còn được bao nhiêu độc giả, khi mà mạng đọc sách trực tuyến và mạng xã hội trở nên phổ biến như hiện nay, đó là chưa nói đến tình trạng ít đọc sách của giới trẻ?
Không thể nói là người trẻ ngày nay ít đọc sách. Tôi thường thấy hàng ngàn bạn trẻ hào hứng chen chân tại các hội chợ sách ở TP. Hồ Chí Minh. Cách đây không lâu, Hội sách Hải Châu, Đà Nẵng diễn ra trong bốn ngày và đạt doanh thu khoảng 4 tỉ đồng, một con số không nhỏ. Lẽ nào người ta bỏ tiền mua sách chỉ để… chưng!
Đúng là thời nay, phần lớn các bạn trẻ thích coi phim, nghe nhạc trẻ hơn đọc một tờ báo văn nghệ. Nhưng Nhà xuất bản Trẻ vẫn nuôi dưỡng Áo trắng như một sân chơi cho các bạn trẻ thích sáng tác văn chương. Từ sân chơi đó, biết đâu sẽ có một lớp nhà văn trẻ sẽ cộng tác với NXB Trẻ sau này. Mỗi ngày, tôi vẫn nhận được 20 email gửi bài cộng tác, chứng tỏ các bạn trẻ thích sáng tác thơ văn vẫn còn, dù không nhiều bằng các bạn thích nhạc, thích phim. Theo guồng quay của thời đại công nghiệp và sự phát triển của internet thì những ấn phẩm phục vụ cho người yêu văn học có thể sẽ không còn, hoặc thể hiện dưới một dạng khác. Chẳng hạn như trên mạng xã hội Facebook, tôi thấy xuất hiện nhiều nhóm yêu thích thơ văn. Họ đăng sáng tác của họ lên và nhận ngay những bình luận của bạn bè. Nhưng tôi vẫn cố gắng giữ Áo trắng, vì nhiều người vẫn thích đọc một tờ báo giấy hơn là chăm chăm nhìn vào màn hình công nghệ.
“Tôi cố gắng giữ Áo trắng, vì nhiều người vẫn thích đọc một tờ báo giấy hơn là chăm chăm nhìn vào màn hình công nghệ.”
____
Nay ông dành nhiều thời gian cho tập san Áo trắng hơn là cho việc sáng tác, có lẽ bạn đọc sẽ nhớ những trang viết nhẹ nhàng và lãng mạn của ông?
Không có mợ thì chợ vẫn đông đấy thôi. Độc giả bây giờ thiếu thời gian chứ đâu thiếu tác phẩm để đọc, chỉ cần “lướt” mạng xã hội mỗi ngày cũng đã làm mất không ít thời gian của chúng ta. Mặt khác, các tác phẩm thơ, văn của các nhà văn trẻ cũng ra mắt đều đều ở Đường sách thành phố, chưa kể số lượng sách khổng lồ là tác phẩm dịch của các tác giả nước ngoài.
Anh Khang là tác giả đại diện cho lớp nhà văn trẻ thế hệ 8X, 9X như Hamlet Trương, Phan Ý Yên, Nguyễn Phong Việt… Một số người cho rằng văn chương của Anh Khang quá bi lụy và chỉ có tính giải trí, chưa có giá trị nâng tầm thị hiếu người đọc. Theo ông thì sao?
Tôi đánh giá cao tác phẩm của Anh Khang. Nhà văn này là một người viết cẩn trọng. Sách của anh bán rất chạy, nhiều công ty sách đặt hàng nhưng anh chỉ viết mỗi năm một cuốn. Cách chọn chủ đề của anh có người thích, người không. Riêng tôi thích Anh Khang ở điểm anh là một người viết văn biết nâng niu chữ nghĩa, nghĩa là biết trân trọng, cân nhắc chứ không phải chỉ tô điểm phấn son một cách hời hợt.
Anh Khang cũng như nhiều nhà văn trẻ khác đã sử dụng ngôn ngữ hiện đại rất sinh động, lớp viết văn có tuổi như tôi khó mà nắm bắt hết được. Cách thể hiện tình cảm của người trẻ cũng rõ ràng, mãnh liệt, không “e ấp”, thầm lặng như thời của tôi ngày xưa. Nhưng như thế không đáng bị lên án, vì tình yêu bao giờ cũng đẹp, ngay cả khi thất tình!
____
Những câu chuyện tình trong truyện của ông thường rất đẹp, còn ông ngoài đời đã từng bị thất tình chưa?
Có chứ, không thất tình thì làm sao tôi có thể viết được nỗi đau khi thất tình? Trong tác phẩm Tôi thương mà em đâu có hay, tôi từng viết trái tim tôi làm bằng “bột mì”, chỉ cần một chút nước mắt là nó sẽ bị nhũn nhão ngay, ai muốn nhào nặn ra sao cũng được…
Thời trẻ, mỗi lần yêu mà không được đáp trả, tôi cũng đau lòng lắm! Chỉ khi trưởng thành, tôi mới có thể vượt qua nỗi buồn bằng cách đối diện với nó và đưa nỗi buồn vào các sáng tác của mình. Vì vậy, truyện của tôi hiếm khi kết thúc có hậu, và đó cũng là điều tôi muốn chia sẻ với các bạn trẻ. Trong cuộc đời của chúng ta không thiếu những lần thất bại và chia ly, nhưng không vì thế mà cảm thấy tuyệt vọng đến mức phải kết thúc cuộc sống, hãy tin rằng luôn có một người đến sau sẽ xoa dịu (hoặc có thể khoét sâu thêm) vết thương lòng của ta, để giúp ta hiểu thêm về cuộc đời và dễ cảm thông với người khác hơn.
____
Trong tác phẩm của ông, cách xưng hô “ông – em” giữa một người đàn ông lớn tuổi với một cô gái trẻ, khiến người đọc liên tưởng rằng tác giả cũng chính là nhân vật trong truyện?
Thật ra nhân vật nào trong truyện cũng có bóng dáng của tác giả, nhưng chỉ là một phần nhỏ thôi. Nếu người viết chỉ dựa trên trải nghiệm thực tế mà không có trí tưởng tượng thì không thể trở thành nhà văn. Văn chương giống như ly “bạc xỉu”, phần sữa là thực tế, còn chút cà phê thêm vào là tưởng tượng. Người biết pha tỷ lệ sữa với cà phê sao cho ngon là người viết giỏi. Có lẽ tôi pha “bạc xỉu” chưa ngon nên vẫn phải tiếp tục học cách pha chế.
Tôi cũng hay “nói xạo”, nhất là khi ngồi nói chuyện tếu táo với bạn bè. “Nói xạo” không phải là nói dối để chạy tội, mà chỉ nói quá sự thật một chút để mua vui cho cuộc nói chuyện, nhưng điều này có thể gây hiểu lầm cho một số người không biết đùa. Chẳng hạn như tôi nói mình có vô số người tình…
“Văn chương giống như ly “bạc xỉu”, phần sữa là thực tế, còn chút cà phê thêm vào là tưởng tượng. Người biết pha tỷ lệ sữa với cà phê sao cho ngon là người viết giỏi.”
____
Vậy nếu nói thật, ông có tất cả bao nhiêu người tình trong đời?
Có người quan niệm yêu và được đáp trả mới gọi là người tình. Còn với tôi, “người tình” là người đã làm cho trái tim tôi bị lạc nhịp, là nguồn cảm hứng cho việc sáng tác và làm cho cuộc sống trở nên thi vị. “Người tình” không nhất thiết phải là một phụ nữ có nhan sắc hơn người, vì trong mắt con cóc đực thì con cóc cái đẹp hơn chim họa mi. Một vài người tình từng đi qua đời tôi, có lẽ sẽ nhận thấy bóng dáng của họ trong tác phẩm của tôi và cả một số bút danh nữa.
____
Ông có hai bút danh là Đoàn Thạch Biền và Nguyễn Thanh Trịnh, phải chăng hai bút danh này gắn với các mối tình sâu đậm của ông?
Không đâu, nếu mỗi bút danh đều gắn với một mối tình sâu đậm thì chắc là tôi có nhiều bút danh lắm! Cô gái nào xuất hiện đúng lúc cần một bút danh thì tôi dùng tên cô ấy thôi. Người tên Biền là một cô bán cơm ở quán tôi hay ăn thời còn làm công nhân tại xí nghiệp dệt. Mỗi khi “rỗng túi”, tôi chỉ còn đủ tiền mua cơm trắng thì cô ấy lại cho thêm vào đĩa cơm của chàng công nhân nghèo một miếng sườn nướng. Hành động “đáng yêu” ấy để lại ấn tượng trong tôi và tên cô ấy trở thành một bút danh tôi dùng đến tận bây giờ. Còn Trịnh là một cô học trò ngày xưa đã gây ấn tượng với tôi bởi tiếng hát học trò…
____
Ở thời điểm hiện tại, ông có muốn đổi thêm bút danh nào không?
Tình trạng hiện tại của tôi giống tên loại thuốc lá tôi đang hút. Kent là viết tắt của bốn chữ “Không em nào thương”!
____
Người bạn đời có phải là “nàng thơ” trong một truyện nào đó của ông hay là người hâm mộ văn chương của Đoàn Thạch Biền mà tìm đến tác giả?
Bà ấy chưa từng xuất hiện trong truyện của tôi, cũng không phải là người yêu thích văn chương. Nhiều người hỏi tôi là khi viết về những mối tình lãng mạn với các cô gái trẻ thì vợ tôi có ghen không? Thực ra bà ấy có đọc truyện nào của tôi đâu mà ghen. Bà ấy cũng biết bệnh nan y “nói xạo” của chồng nên hiểu rằng văn chương và đời là hai phạm trù khác nhau.
Trước năm 1975, trong những ngày vừa đi dạy học vừa viết văn kiếm tiền, tôi bỗng ngã bệnh, phải vào điều trị ở một phòng khám tư. Bà ấy là con gái của chủ phòng khám nơi tôi điều trị. Thương anh thầy giáo nghèo phải nằm viện một thân một mình, không ai trông nom, bà ấy thường mua cháo, mua xôi cho tôi ăn. Những cử chỉ chăm sóc như vậy khiến tôi cảm động, có lẽ tình yêu từ bao tử đến trái tim thì gần hơn từ trái tim đến trái tim!
Vợ chồng tôi luôn chấp nhận những bất đồng trong sở thích hay thói quen. Tôi thích coi phim đoạt giải Oscar, còn bà ấy thích coi những bộ phim truyền hình. Tôi thích ăn phở, bà ấy lại thích ăn mì quảng. Tôi hay “lai rai” vài ly bia với bạn bè, còn bà ấy thích nói chuyện phiếm với những người bạn làm ăn… Chúng tôi tôn trọng cuộc sống riêng của nhau, chỉ đồng lòng, chia sẻ với nhau về cuộc sống gia đình và chuyện con cái.
____
Và bà ấy cũng cảm thông với một người chồng quảng giao và xem nhẹ vật chất?
Ông bạn nhà văn Nguyễn Đông Thức hay gọi đùa tôi là Lệnh Hồ Xung (một nhân vật trong truyện Kim Dung) vì từ trí thức, văn nghệ sĩ đến người trong “giang hồ”, tôi đều chơi thân. Tôi quan niệm là “nhân vô thập toàn”, người nào cũng có những mặt tốt và mặt chưa tốt, không có ai hoàn hảo. Hãy chơi mặt tốt với nhau thì “hắc bạch giang hồ” cũng đều có thể trở thành bạn.
Quả thật, tôi là người xem nhẹ tiền bạc và ít chú trọng dáng vẻ bên ngoài. Trong đời, tôi chưa từng ao ước có một chiếc ôtô “xịn” vì với tôi, chiếc xe chỉ là phương tiện để đi lại, không phải là căn cứ để đánh giá một con người. Ngày xưa, “con xe” Honda DD màu đỏ từng gắn bó với tôi trên chặng đường mấy chục năm làm báo. Đến khi bạn bè đã thay nhiều đời xe, tôi vẫn ngày ngày đi chiếc xe… cà tàng. Khi có anh bạn thắc mắc sao tôi không chạy chiếc xe tốt hơn, tôi nói đùa với anh ấy: “Ngoài làm báo tôi còn phải chạy xe ôm kiếm sống, đi xe xịn sao chạy xe ôm?”. Không ngờ anh ta tưởng thật, viết một bài trên báo tựa đề “Nhà văn Đoàn Thạch Biền phải chạy xe ôm kiếm sống”. Đọc được bài báo, vợ tôi rất bực tức. Nhân một lần tôi đi công tác xa nhà, vợ tôi bán ngay chiếc xe Honda đó. Thế là tôi vô tình có xe mới!
“Chiếc xe chỉ là phương tiện để đi lại, không phải là căn cứ để đánh giá một con người.”
____
Tự chạy xe đi đây đi đó có lẽ không an toàn với một người lớn tuổi như ông…
Nay tôi ít đi xe máy, phần vì tuổi cao sức yếu, lại hay “sa đà” vào cuộc vui với các bạn bè nên khó lái xe an toàn. Tôi từng bị một tai nạn giao thông nhớ đời, bị gãy chân phải nằm bệnh viện rồi nằm nhà mấy tháng trời, đến nay vẫn phải đi liêu xiêu chân thấp chân cao. Hiện nay các phương tiện giao thông giá rẻ như Grab, Uber có sẵn, nên việc đi lại cũng không quá khó khăn.
Tuổi già làm cho sức khỏe tôi giảm sút đáng kể, nên nhiều người khuyên tôi bỏ hút thuốc. Nhưng nhờ hút thuốc mà tôi biết mình đang khỏe hay bị bệnh. Khi bệnh, tôi hút điếu thuốc thấy rất nhạt nhẽo. Trái lại khi khỏe, tôi cảm thấy điếu thuốc rất… ngọt! Còn nhậu là một thú vui, xả stress. Mà nhậu phải đúng người, như câu “rượu ngon phải có bạn hiền”, để chia sẻ những câu chuyện cuộc đời, nên uống ít hay nhiều không quan trọng, mà chủ yếu là phải hợp “gu”.
Tuổi già cũng khiến tôi hay nhầm lẫn. Như trong sinh nhật của tôi, anh Lưu Quốc Bình, con trai họa sĩ Lưu Công Nhân, tặng tôi một bức tranh vẽ hoa phong lan, ý như muốn nhắn nhủ tôi nên sống thanh tịnh. Nhà thơ Đỗ Trung Quân tặng tôi bức tranh cô gái khỏa thân bên chai rượu đỏ, có lẽ muốn tôi trở nên “bốc lửa” trên giường. Thế nhưng do đầu óc nhầm lẫn, nên tôi đã thanh tịnh trên giường chiếu và “bốc lửa” trên bàn nhậu!
____
Nhà văn Nguyễn Đông Thức không chỉ là “bạn nhậu” của ông, mà còn cùng ông trên những chặng đường thiện nguyện. Tại sao chương trình từ thiện của hai ông lại có tên là Mô Tô Học Bổng?
Tên gọi Mô Tô Học Bổng đơn giản là những chuyến đi từ thiện bằng chiếc xe môtô của ông bạn Nguyễn Đông Thức. Hai chúng tôi ban đầu tự bỏ tiền túi và kêu gọi bạn hữu ủng hộ, rồi chạy môtô đi trao học bổng cho các học sinh có hoàn cảnh khó khăn ở vùng sâu, vùng xa mà xe hơi không đến được. Dần dần, có thêm các nhà hảo tâm ở trong và ngoài nước ủng hộ, chương trình từ thiện đã đi từ các tỉnh miền Tây, sang miền Đông, rồi lên Tây Nguyên, ra miền Trung và vươn tới Tây Bắc…
Hiện nay, chúng tôi đang “nuôi” 52 em có hoàn cảnh khó khăn từ lớp 9, lớp 10 đến khi tốt nghiệp đại học. Chúng tôi còn quyên góp tiền để xây nhà từ thiện cho các học sinh mồ côi ở quê xa, có miếng đất cha mẹ để lại mà không có khả năng cất nhà. Thiết nghĩ, khi không còn viết được các trang văn dành cho lứa tuổi áo trắng, tôi và các bạn trong nhóm Mô Tô Học Bổng cố gắng giúp các học sinh nghèo thực hiện được ước mơ tiếp tục đến trường…
____
Cảm ơn ông về những câu chuyện trên.