Đảo của dân ngụ cư là phim đầu tay của Hồng Ánh. Và cũng như phim cô đóng, kịch cô diễn, những dự án mà cô sản xuất, nó mang một màu u ám và thấm đẫm nỗi buồn của thân phận.
Phước (Phạm Hồng Phước), sau thời gian dài lang bạt đã theo lời giới thiệu của một người bà con tìm đến nhà của Chệt Liếm (Hoàng Phúc). Vừa để làm việc, vừa để tá túc. Và ở đây, cậu bước vào thế giới lạc lõng và tăm tối của gia đình ông chủ người Hoa. Ngoài Chệt Liếm, nhà còn có Xiếm Hoa (vợ Chệt Liếm, Ngọc Hiệp đóng), cô con gái bị liệt tên Chu của hai người (Ngọc Thanh Tâm) và hai… đồng nghiệp: gã người Khmer tên Miên (Nhan Phúc Viên) và một người trung niên gốc Ấn (Hoàng Nhân).
Chữ “đảo” trong phim dễ làm người xem liên tưởng đến một hòn đảo thật. Nhưng thực ra nó chỉ mang nghĩa bóng: căn nhà của Chệt Liếm như một ốc đảo, tách biệt hoàn toàn với xã hội sống động bên ngoài. Và mỗi con người trong “đảo” lại là một hòn đảo riêng, với những nỗi niềm khác biệt. Phim có tiết tấu chậm, buồn, dựa trên một cuốn truyện ngắn chỉ có vài chục trang. Nhưng từ góc máy, ánh sáng, cách dựng cho đến âm nhạc đều nhấn vào nỗi cô đơn của các nhân vật.
Hồng Ánh không phải là một người u sầu ngoài đời, bất kỳ ai quen với cô đủ thân cũng đều xác nhận điều đó. Nhưng cô lại là người có sự tò mò chân thành với nỗi buồn của người khác. Một lần đi trên đường, thấy người phụ nữ bị chồng đánh, cô bất giác đi theo họ về đến… tận nhà, để xem họ sẽ ứng xử với nhau như thế nào. Cô không hiểu nổi vì sao có những người mới sáng đánh nhau, đến chiều lại có thể cười với nhau và đến tối lại lên giường cùng nhau. Nỗi buồn có vẻ thích “tạm trú” ở Hồng Ánh lâu hơn những người khác, bởi vì cô không bao giờ cho qua một nỗi buồn nào cả. Cô đi đến tận cùng của từng nỗi đau một.
Và có lẽ vì thế mà dù Hồng Ánh không muốn tìm đến những vai buồn, thì những vai ấy cũng tìm đến cô. Từ sân khấu với những vai để đời như trong trilogi Thử yêu lần nữa, trong Trăng nơi đáy giếng cho đến những bộ phim thật buồn như Thung lũng hoang vắng, Người đàn bà mộng du. Hoặc cũng có lúc phim và kịch giao thoa nhau như Trăng nơi đáy giếng và Hãy khóc đi em, đều dựa trên tác phẩm của nhà văn Trần Thùy Mai. Hồng Ánh hóa thân trọn vẹn vào nhân vật, để đi đến tận cùng của nỗi buồn ấy.
Nỗi buồn thân phận còn lan cả vào phim do cô sản xuất, phát hành, từ Đường đua đầy thể nghiệm của Nguyễn Khắc Huy cho đến Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng của Nguyễn Thị Thắm. Rồi cô rải nỗi buồn ấy lên Giờ của quỷ, vở kịch của sân khấu vắn số Hồng Hạc. Và tất nhiên, là Đảo của dân ngụ cư!
Phim được thai nghén 10 năm, từ lúc Hồng Ánh muốn tự mình vào vai Chu cho đến khi cô đã đứng sau ống kính. Chỉ có một con người có sự say mê thường trực với nỗi buồn như Hồng Ánh mới ấp ủ một nỗi buồn lâu đến dường ấy.
Sinh thời, Trịnh Công Sơn nói: “Hãy đi đến tận cùng của một nỗi buồn, để thấy nỗi buồn cũng đẹp như một bông hoa”. Với Đảo của dân ngụ cư, Hồng Ánh mang đến cho chúng ta một đóa bồ công anh, thứ hoa tượng trưng cho nỗi buồn lặng lẽ. Chỉ một cơn gió, chúng sẽ tan tác và tách lìa nhau ra. Cũng giống như mỗi con người trong “đảo”, chỉ cần chạm nhẹ, nói nhẹ, có khi lại đau đến từng phần cơ thể.
Tình dục là thứ ma túy giúp họ vượt qua nỗi đau ấy. Là nữ diễn viên có số lần khỏa thân trên phim nhiều thuộc vào hàng… kỷ lục, phim đầu tay của Hồng Ánh, cũng tràn ngập sex. Thứ sex khô khốc, đàn áp của Chệt Liếm với vợ; thứ sex bản năng, hoang dã của Miên với Chu và cuối cùng là thứ sex xoa dịu, đầy tình thương của Phước.
Những nhân vật trong phim yêu nhau, nhưng cách yêu của họ khiến tình yêu thành trái phá, như lời bài Tình sầu của Trịnh Công Sơn: “Tình yêu, như trái phá, con tim mù lòa”.
Đảo của dân ngụ cư là một bộ phim mà các nhân vật đã… chết ngay từ đầu phim. Họ chết dần, chết mòn trong hình hài của họ, như những vật đã mục nát từ bên trong mà Phước sưu tập. Chu bị giam trong một căn gác, nhìn về những đám mây, nhưng đám mây là thứ mong manh nhất, được tạo ra bởi hơi nước, rồi sẽ tan ngay khi có một cơn gió. Tình yêu tuyệt vọng của Phước có chút gì đó gợi nhớ đến Malena. Khác chăng Phước được… làm tình với nữ thần của mình, thay vì chỉ qua tưởng tượng như cậu bé người Italia. Nhưng những cuộc truy hoan ấy không khiến anh gần Chu hơn. Tình dục, khi không có tình yêu phía sau quản lý, trở thành những ngụm nước biển, tuôn ừng ực vào mồm, càng uống càng khát, và càng… chết nhanh hơn.
Âm nhạc trong phim được chọn rất khéo. Từ nhạc nền cho đến những bài hát được cất lên từ giọng của Chu. Từ Nắng chiều cho đến Xuân và tuổi trẻ, tất cả đều được chọn lọc có ý đồ. Cũng là căn gác cao, cũng là âm nhạc, cũng là một chàng trai phía dưới nhà, nhưng Đảo của dân ngụ cư không lãng mạn và đẹp như chuyện tình Trác Văn Quân, nửa đêm trèo tưởng bỏ theo Tư Mã Tương Như ngày xưa.
Đảo của dân ngụ cư là một vòng lặp của thân phận. Xiếm Hoa bỏ nhà theo Chệt Liếm, để rồi Chệt Liếm luôn lo con gái của mình bỏ nhà theo những gã làm thuê. Hình ảnh con dê luôn được xem là biểu tượng cho dục tính, cho sức mạnh của giống đực. Nhưng gã Khmer khỏe mạnh tên Miên không dám dùng sức mạnh ấy để phản kháng. Còn Chệt Liếm, đầu phim đến cuối phim chỉ biết trút giận vào vợ con và đám người hầu, nhưng lại im lặng lấy tiền khi bị đám khách hàng làm nhục. Và trong lòng ông tràn ngập nỗi đau của một kẻ trót sinh ra đứa con gái tật nguyền, và không thể nào có nổi một đứa con thứ hai. Bản thân Chu dù đau khổ, nhưng vẫn muốn làm tình miệt mài để có thể sinh ra những đứa con. Đấy phải chăng là chút tia sáng của hy vọng từ sách và từ phim. Sau tất cả, ta vẫn còn hy vọng, dù chúng chỉ mỏng như đám mây.
Và khi Phước xách balô để khởi đầu một cuộc hành trình mới, bên cạnh nỗi trống trải không thể lấp đầy vẫn còn đó chút vui của kỷ niệm cùng Chu. Sau cùng, có lẽ anh là người duy nhất được sống trong toàn thể bộ phim. Lùi xa hơn nữa, “đảo” phải chăng là ẩn dụ của cuộc đời này. Bước vào sẽ đau khổ, và chỉ thanh thản khi rời đi. Những câu hỏi ấy sẽ còn trăn trở với người xem, hay chính… Hồng Ánh, người nghiện buồn nhất trong lịch sử điện ảnh Việt Nam!
- Trần Minh