Có diện tích hơn 6.000km2 với các loại địa hình rừng núi, đồng bằng và biển đảo, Quảng Ninh có nhiều danh lam thắng cảnh đẹp nổi tiếng. Ngoài vịnh Hạ Long, chùa Yên Tử, đảo Cô Tô, Quảng Ninh còn sở hữu một vùng thiên nhiên đẹp hoang sơ, giàu bản sắc văn hóa mà chưa nhiều người chú ý đến. Đó là huyện biên giới miền núi Bình Liêu – nơi có nhiều dãy núi trùng trùng điệp điệp và những làng bản yên bình.
Để chinh phục những nóc nhà của vùng cao Quảng Ninh, chúng tôi xuất phát từ thị trấn Bình Liêu lên xã Lục Hồn rồi ngược sang cung đường tuần tra biên giới phía tây của huyện. Đường tuần tra biên giới phía tây đi trên đồi núi có độ cao trên 800m so với mực nước biển, từ đường tuần tra biên giới có đường lên các cột mốc biên giới Việt Nam – Trung Quốc từ cột mốc mang số hiệu 1300, 1303, 1305… cho đến mốc 1316 tại cửa khẩu Hoành Mô.
Trên cung đường dài gần 20km này, chúng tôi đã được ngắm cảnh quan thiên nhiên, núi non với nhiều hình dạng, độ cao đặc trưng trên 1.000m (trong đó có núi đỉnh Quảng Nam Châu cao 1.507m được xem là nóc nhà của tỉnh Quảng Ninh và chỉ đứng thứ hai sau đỉnh Mẫu Sơn 1.541m ở vùng Đông Bắc nước ta). Điều ấn tượng là khi đi trên cung đường này du khách được ngắm thảm cỏ với đặc trưng màu sắc theo từng mùa: mùa xuân, hạ cỏ xanh tươi mơn mởn, còn đến cuối thu và cả mùa đông cỏ trên những triền núi bát ngát bắt đầu ngả úa màu vàng.
Nếu như cung đường tuần tra biên giới phía tây là những dãy núi trùng trùng điệp điệp thì cung đường phía đông huyện Bình Liêu lại ấn tượng với hệ thống suối, thác tuyệt đẹp. Sau khi nghỉ ngơi một đêm ở thị trấn Bình Liêu, chúng tôi tiếp tục chinh phục cung đường phía đông. Theo chỉ dẫn của ông chủ nhà nghỉ, nằm trên các xã của Bình Liêu có đến bốn ngọn thác hùng vĩ là Khe Vằn, Sú Cáu, Khe Tiền và Soong Móc, trong đó thác Khe Tiền ở xã Đồng Văn là ấn tượng nhất. Dừng chân ngắm cảnh ở thác Khe Văn xã Húc Đông vài phút, chúng tôi tiếp tục lên đường khám phá những ngọn thác khác.
Phóng xe trên những cung đường ngoằn ngoèo, đèo dốc có những lúc chúng tôi phải cho xe về số 1, số 2 để leo đèo. Sau chặng đường hơn 30km từ thị trấn trung tâm, cuối cùng chúng tôi cũng đến thác nước Khe Tiền hùng vĩ, được ví như dải lụa trắng giữa núi rừng Quảng Ninh. Thác Khe Tiền gồm một hệ thống thác được dân bản địa gọi là Khe Tiền 1, 2, 3.
Thác được hình thành từ các mạch nước dưới chân núi, tạo thành các dòng nước nhỏ đổ xuống. Khe Tiền nằm giữa khu rừng nguyên sinh, bắt nguồn từ dãy núi Quảng Nam Châu. Đỉnh thác có độ cao 749m so với mực nước biển, quanh thác có độ ẩm không khí cao nên suốt ngày ở đây có sương mù dày đặc. Chinh phục được thác Khe Tiền là một điều rất khó khăn cho những ai đam mê, bởi địa hình phức tạp, trơn trượt. Đây là ngọn thác lớn vẫn còn giữ được nguyên vẻ hoang sơ, ấn tượng. Dòng thác số một và số hai là dòng thác nhỏ tuôn chảy tạo thành hồ nước lớn, còn dòng thác ba tỏa ra nhiều dòng nhỏ đổ xuống.
Không chỉ đẹp bởi những cung đường biên cương hùng vĩ, hệ thống suối thác kiều diễm, Bình Liêu còn hấp dẫn bởi những thửa ruộng bậc thang tập trung chủ yếu tại các xã Lục Hồn, Hoàng Mô và Đồng Văn. Ruộng bậc thang Bình Liêu thoai thoải chứ không có độ cao lớn như vùng Tây Bắc. Một điều khác lạ là những ruộng lúa ở Bình Liêu thường chín muộn hơn vùng Tây Bắc khoảng một tháng. Nếu như Tây Bắc mùa lúa chín thường vào tháng 5 và tháng 10 Dương lịch thì để ngắm ruộng bậc thang mùa lúa chín Bình Liêu khách phải đi vào tháng 6 và tháng 11 Dương lịch hằng năm.
Là mảnh đất vùng cao có nhiều dân tộc ít người sinh sống với những nét văn hóa độc đáo trong lễ hội, ẩm thực, trang phục, Bình Liêu cũng có những phiên chợ rất độc đáo với sự họp mặt của nhiều dân tộc như Dao, Tày, Sán Chỉ, Hoa. Theo anh Vi Văn Hóa, một người dân ở xã Lục Hồn thì chợ phiên ở đây mang đậm nét văn hóa vùng miền, đồng bào dân tộc đến chợ không chỉ để mua bán mà còn là dịp để gặp gỡ, giao lưu, hát then, hát soong cọ… Những nông sản hàng hóa từ bó củi, cây thuốc nam cho đến quả chuối, quả mận đều được người dân mang ra chợ trao đổi, mua bán với nhau. Chợ phiên ở thị trấn Bình Liêu hay xã vùng cao Đồng Văn đều họp vào sáng Chủ nhật hằng tuần.
Thú vị nhất là phiên chợ Ngày kiêng gió truyền thống bao đời nay của dân tộc Dao Thanh Phán ngày 4-4 Âm lịch. Vào ngày này, người Dao kiêng kị không đi làm nương, làm rẫy, đi rừng… Họ nghỉ ngơi, tụ tập tại chợ phiên để gặp gỡ, giao lưu cùng nhau ăn uống hát làn điệu hát Sán cố, tấu kèn “tiêng gẹt” của đồng bào mình. Phiên chợ này rất đông vui nhộn nhịp, đậm bản sắc địa phương. Trong các phiên chợ vùng cao ở Bình Liêu, nếu du khách may mắn sẽ bắt gặp những phụ nữ Dao Thanh Phán (một nhánh của dân tộc Dao) diện bộ trang phục màu mè lộng lẫy kiểu cách, đặc biệt là chiếc mũ đội đầu hết sức sặc sỡ, cao chót vót, nhìn ấn tượng, lạ mắt.
Thời gian qua, Bình Liêu đã được nhiều người khám phá và trở thành điểm đến du lịch mới của tỉnh Quảng Ninh nói riêng, của vùng rừng núi phía bắc nói chung.