Trong ba năm gần đây, tốc độ tăng trưởng bình quân của nhóm smartphone và phụ kiện đạt khoảng 10%. Còn năm nay, hãng chuyên nghiên cứu thị trường GfK Việt Nam cũng dự báo mức tăng trưởng phân khúc thị trường này là 10 – 12%. Cho dù giá trị doanh thu của nhóm hàng thiết bị di động ngày càng lớn nhưng theo nhiều nhà bán lẻ, họ phải nỗ lực tìm thêm những cơ hội kinh doanh mới dựa trên năng lực lõi là bán lẻ mới có cơ hội tồn tại.
Khởi đầu bằng kinh doanh điện thoại di động, nhiều nhà bán lẻ đang tìm lối đi mới dựa trên nền tảng là hàng kỹ thuật số như laptop, phụ kiện, mà điển hình là Thegioididong.com. Hơn mười năm trước, nhà bán lẻ này đã mở rộng sang nhóm hàng điện máy, điện lạnh và không dừng ở lại đó.
Chuyện của Thế Giới Di Động
Thế Giới Di Động là chuỗi bán lẻ đi tiên phong xây dựng mô hình bán lẻ ngoài ngành hàng kỹ thuật số. Tháng 9-2015, cửa hàng đầu tiên của Bách hóa Xanh (BHX – thành viên của Thế Giới Di Động) được khai trương tại 79 đường số 1 (phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân, TP. Hồ Chí Minh). Cuối tháng 5-2016, BHX có 16 cửa hàng và đến đầu tháng 5 năm nay, BHX sở hữu 89 siêu thị chỉ ở hai quận Bình Tân và Tân Phú. Doanh thu của BHX đang tăng. Tháng 3-2016, doanh thu bình quân của BHX là 270 triệu đồng/tháng/siêu thị, đến tháng 9-2016 vọt lên 600 triệu đồng/tháng/siêu thị. Theo ông Trần Kinh Doanh – Tổng giám đốc Thế Giới Di Động, với doanh thu hiện nay, chỉ cần tỷ suất lợi nhuận là 15% là mỗi siêu thị BHX thu về khoảng 85 triệu đồng/tháng. Trong năm 2016, dù doanh thu của BHX là 250 tỉ đồng nhưng theo lời ông Doanh, BHX vẫn còn lỗ. “Năm nay, BHX đặt mục tiêu doanh thu là 2.500 tỉ đồng với 350 cửa hàng và sẽ tham gia cuộc chơi lớn từ giữa năm 2018” – ông Doanh cho biết thêm. Trong năm nay, mô hình BHX vẫn còn bó hẹp ở khu vực TP. Hồ Chí Minh.
Ngày 13-1, Thế Giới Di Động thể hiện tham vọng lớn khi công bố thông tin về mục tiêu doanh thu và định hướng phát triển của trang thương mại điện tử Vuivui.com với kỳ vọng đến cuối năm nay, lượng truy cập website này sẽ đạt đến 200.000 lượt/ngày, tăng gấp bốn lần so với quý I. Ông Nguyễn Đức Tài – Chủ tịch Hội đồng Quản trị của Thế Giới Di Động cho biết: “Mục tiêu doanh thu cũng tăng từ 5 tỉ đồng cuối quý I lên 20 tỉ đồng khi kết thúc năm 2017. Tôi có đủ niềm tin để nói rằng Vuivui.com sẽ trở thành trang thương mại điện tử số 1 Việt Nam trước năm 2020. Trước mắt, trang web này mới chỉ phục vụ cho khách hàng khu vực TP. Hồ Chí Minh”. Trả lời câu hỏi bao giờ Vuivui.com bán hàng cho các khách hàng tỉnh thành khác, ông Tài nói: “Tôi chưa thể nói chính xác về thời gian, nhưng khi đủ mạnh, Vuivui.com sẽ có mặt tại các tỉnh thành như Điện máy Xanh”. Ông Phạm Văn Trọng – Giám đốc dự án Vuivui.com cho biết thêm rằng theo dự kiến, trong vòng ba năm tới Vuivui.com sẽ đóng góp tối thiểu 10% vào doanh thu của Thế Giới Di Động.
Có lẽ gây sốc với cộng đồng và các nhà bán lẻ khác chính là thông tin Thế Giới Di Động sẽ bán vé số Vietlott và chi tiền đầu tư mua lại những cửa hàng bán thuốc tây nhỏ lẻ. Theo ông Doanh, trước mắt, nhà bán lẻ này bán Vietlott tại năm siêu thị lớn của chuỗi Thegioididong.com nhưng không tiết lộ địa chỉ. Ông Tài đã xác nhận thông tin chi 500 tỉ đồng để mua lại các cửa hàng bán thuốc tây nhằm xây dựng chuỗi kinh doanh bán lẻ thuốc tây. Một chủ cửa hàng thuốc tây tại Hà Nội kể rằng có người của công ty này đến đàm phán mua lại bốn cửa hàng của mình. Một nguồn tin nói rằng Thế Giới Di Động đang đàm phán với Pharmacity để mua lại chuỗi khoảng 40 cửa hàng.
Lặng lẽ…
Cũng theo hướng đa dạng hóa ngành kinh doanh cùng Thế Giới Di Động chỉ có FPT Retail (thường gọi là FPT Shop), nhưng theo tâm sự của bà Nguyễn Bạch Điệp, Tổng giám đốc công ty này thì “khi nào mô hình ngon lành mới có chuyện để nói, còn khi đang thử nghiệm, chúng tôi chỉ biết lo làm”. Tuân thủ nguyên tắc hành xử trên, hơn sáu tháng thử nghiệm mô hình bán sữa (hợp tác với Vinamilk), FPT Shop chỉ một lần duy nhất ra thông cáo báo chí vào dịp mô hình này xuất hiện. Ngày 17-10-2016, FPT Shop và Vinamilk đã ký kết hợp tác triển khai hệ thống chuỗi cửa hàng chuyên doanh sữa Vinamilk trên toàn quốc. Lúc đầu, mô hình này có ba cửa hàng, nay đã tăng lên 25. Theo bà Điệp, hiện mô hình đang hoạt động ổn định, có doanh thu và có lợi nhuận, nhưng để hoạt động mạnh hơn, hai bên cần phải thống nhất… nhiều vấn đề!
Ngoài mô hình cửa hàng liên doanh với Vinamilk, FPT Shop còn có nhiều đối tác lớn của nước ngoài thảo luận hướng hợp tác. Trong những mô hình mới của FPT Shop, bà Điệp chỉ tiết lộ việc mở rộng mô hình FPT by Studio trong thời gian sắp tới. Hiện FPT Shop đã được Apple cấp phép mở rộng hệ thống cửa hàng bán lẻ các sản phẩm của Apple tại thị trường Việt Nam, đang chờ các đối tác thiết kế (do Apple chỉ định) xây dựng cửa hàng.
Tại đại hội cổ đông thường niên được tổ chức ngày 28-4, Công ty Thế Giới Số (Digiworld – DGW) chính thức thông báo mở rộng ngành nghề kinh doanh với mảng phân phối các sản phẩm thực phẩm chức năng. Theo kế hoạch, DGW sẽ phân phối ngành hàng thực phẩm với kỳ vọng đóng góp 80 tỉ đồng doanh thu ngay trong năm nay. Ông Đoàn Hồng Việt – Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng giám đốc DGW nói rằng việc phân phối ngành hàng thực phẩm chức năng chỉ là phát triển thêm mảng mới để tận dụng năng lực cốt lõi là kinh nghiệm phân phối với mục tiêu đến giữa 2019, những sản phẩm thực phẩm chức năng do DGW phân phối sẽ có mặt tại 20.000 nhà thuốc trên toàn quốc, nhưng không bao giờ bỏ nhóm sản phẩm ICT.
Những nhà bán lẻ điện máy còn lại như Chợ Lớn, Thiên Hòa, Viễn Thông A… vẫn đang “im hơi lặng tiếng”. Bà Hoàng Ngọc Vy – Tổng giám đốc Viễn Thông A cho hay: “Viễn Thông A cố gắng làm tốt vai trò của một nhà bán lẻ hàng kỹ thuật số đứng ở vị trí thứ 3 với mục tiêu tăng doanh thu trong năm nay là 30%. Đến giờ này, Viễn Thông A chỉ biết bán lẻ hàng số thôi”.
- Minh Tú