Cách đây hơn mười năm, khi làm xong căn nhà be bé, bà xã tôi cười nói: “Nhà mình chắc nhỏ nhất Huế anh nhỉ”. Tôi an ủi: “Nhà nhỏ nhưng trước mặt nhà là cả cánh đồng to lồng lộng. Khác gì ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên em à…”.
Cánh đồng trước mặt nhà tôi là cánh đồng Bàu Vá. Nó như một thung lũng xanh mênh mang nằm lọt thỏm và mơ màng giữa sự huyên náo của phố thị ngày nay. Đứng ở hiên nhà tôi nhìn về phía xa xa là núi Kim Phụng, ngọn núi chủ của Huế, gần hơn một chút là đình làng Dương Xuân Hạ, một ngôi đình cổ rêu phong in bóng thời gian và những ngôi nhà lẩn khuất sau cây lá trập trùng của những ngọn đồi thấp phía tây nam của Huế.
Đình làng Dương Xuân Hạ được xây dựng từ năm 1914 trên nền móng cũ đã bị hoang phế của Đền Vũ Sư do vua Minh Mạng xây dựng vào năm 1827 để thờ thần Mây, thần Mưa, thần Gió. Dấu tích của ngôi đền cổ vẫn còn lại đến ngày nay, đó là hình tượng con rồng, những tảng đá hộc lớn… Đình được dân làng Dương Xuân Hạ xây dựng để phụng thờ tổ tiên, ghi nhớ công đức các dòng họ đã có công khai canh, khai khẩn nên làng xưa. Kiến trúc đình làng Dương Xuân Hạ là một kiến trúc tiêu biểu của đình làng xứ Huế xưa với một gian nhà chính điện cùng hai miếu thờ hai vị khai canh của làng là Lê tướng công và Võ tướng công…
Trải qua nhiều biến thiên của lịch sử, làng xưa bây giờ đã là phố thị; nhưng cũng như những làng tiêu biểu của đất Phú Xuân xưa là Phú Xuân, An Cựu, Kim Long…, người dân của các dòng họ làng Dương Xuân Hạ luôn hướng vọng về đình làng là nơi để các thế hệ con cháu tỏ lòng thành đối với các thế hệ tiền nhân đã khẩn hoang lập làng và xây dựng thành một thành trì văn hóa làng với những phép tắc, luật lệ để mọi người sống với nhau trong một cộng đồng chan hòa tình thương yêu.
Cứ hai năm một lần, vào tiết Trung thu khi trăng tròn và sáng nhất trong năm, khi cánh đồng Bàu Vá chỉ còn trơ gốc rạ sau vụ mùa, làng Dương Xuân Hạ lại tổ chức lễ Thu tế với ý nghĩa cầu cho mưa thuận gió hòa, người yên vật thịnh và để tưởng nhớ đến những bậc tiền nhân đã góp công, góp sức để xây dựng làng được trù phú, sung túc…
- Xem thêm: Thương nhớ rơm vàng
Ở cạnh cánh đồng nên kiệt (hẻm) phố nhà tôi còn có tên là xóm Ruộng, là cái tên bà con tự đặt ra. Bây giờ cánh đồng đã được san lấp thành khu đô thị mới nên trong tờ sớ cầu an đầu năm đã không còn ghi tên xóm cũ mà thay bằng “Bà con kiệt 30, đường Lịch Đợi cẩn cáo!”. Lâu nay, tôi cứ đinh ninh Lịch Đợi là tên làng xưa. Giờ hỏi chú Mướp là chủ tế của xóm mới biết rằng mình đã nhầm. Thực ra, Lịch Đợi là tên miếu thờ “Lịch Đại Đế Vương” (tiếng Huế gọi chệch là Lịch Đợi), do nhà Nguyễn lập nên để thờ cúng các vị vua triều đại trước vẫn còn di tích ở đầu kiệt. Còn làng có tên là làng Bình An, một vùng đất rộng lớn bờ nam sông Hương bao gồm cả khu dân cư từ chợ Bến Ngự đến vùng Lịch Đợi hiện nay.
Chú Mướp còn cho biết, làng Bình An được chính vua Thành Thái chỉ dụ thành lập bao gồm bảy họ, ba phái. Làng Bình An là làng thứ chín của kinh đô Huế xưa. Đình làng tọa lạc trên ngọn đồi ở khu Lịch Đợi đã bị mưa nắng thời gian và chính con người tàn phá, đến bây giờ vẫn chưa thể trùng tu. Xứ Huế ngày xưa vẫn còn là những làng, những ruộng. Và cho đến bây giờ không gian văn hóa làng vẫn được con cháu giữ gìn trong nhịp sống tấp nập của phố là điều đáng quý.
Lại nhớ cái hồi đi tìm mua đất làm nhà, tự nhiên thấy miếng đất nhỏ, giá cả “mềm”, nhìn ra cánh đồng đang mùa lúa chín vàng rực đẹp quá, giống ở làng quê quá, nên tôi ưng liền mà không nghĩ ngợi tính toán gì cả. Mà chỗ nhà tôi đang sống cũng từng rất giống nông thôn, nhất là đến vụ mùa khi hương lúa chín quyện vào nhà và mấy bác nông dân cho chiếc máy tuốt lúa chạy bành bạch ngay bên đường làm rơm rạ bay vàng cả lối đi. Thỉnh thoảng có đàn bò đi ngang qua “làm bậy” ra mấy đống, con bé Út nhà tôi liền reo lên: “Cái gì nhìn giống bánh sinh nhật ba ơi!”, thấy vui vui lạ với nỗi ngây ngô con trẻ!
Buổi sáng tinh mơ, từ những ngôi chùa trên các ngọn đồi bao quanh cánh đồng, tiếng chuông ngân dài, tỏa ra ngỡ như đang la đà trôi trên cánh đồng. Còn đến mùa lụt, mấy chiếc đò của dân vạn chài quanh năm đánh cá trên sông Hương chạy ngang qua ngay trước mặt nhà bán cá. Có bữa mua được mớ cá trê đồng được bữa cả mấy nhà quanh xóm nướng cá uống rượu trước hiên nhà, chờ xem nước lụt có cao lên thêm hay dừng lại…
Năm nay cánh đồng Bàu Vá không còn một màu xanh xanh nữa mà đã được san lấp phần lớn để xây dựng những khu phố mới hoành tráng mà nghe đâu giá đất đến chục triệu đồng một mét vuông. Tiếc nhất là cánh đồng không còn cấy lúa nữa mà chỉ còn lơ thơ xanh vài miếng ruộng rau răm. Nghe mấy bác trong xóm nói, bữa sau chắc chắn không lụt nữa vì mấy con đường ở các khu dân cư mới đã thành đê chắn nước sông Hương rồi.
Vậy thì cũng bớt đi một nỗi lo, mà cũng mất đi một thú vui khi mùa lụt về. Sáng nay bị đánh thức bởi tiếng xe tải chở đất san lấp mặt bằng ầm ầm; chợt nhìn ra cánh đồng Bàu Vá và cảm giác như nó gầy đi mà buồn…
- Xem thêm: Nhớ mùa nước nổi