Một lần đến thị trấn Lệ Thủy (tỉnh Quảng Bình) xem đua thuyền trên sông Kiến Giang, chúng tôi bị khung cảnh hai bên sông cuốn hút đến mức bỏ cả cuộc đua, thuê xe máy lang thang trên những đường làng xanh ngắt đẹp như tranh vẽ.
Khúc sông náo nhiệt nhất vẫn là đoạn chảy qua thị trấn với những ngôi nhà mái ngói đỏ thắm và mấy chiếc cầu cong cong duyên dáng. Đi thêm một đoạn, nhà cửa thưa dần, những ngôi làng kiểu xưa hiện ra trước mắt. Làng quê Lệ Thủy có một nét đặc sắc rất đẹp, đó là những ngôi nhà kiểu xưa luôn có hàng rào bằng cây xanh mướt, tỉa xén công phu bao bọc. Những thôn xóm còn nhiều nhà cổ, không gian chủ đạo là màu xanh. Từ cây chè tàu và cây ngâu, người dân khéo léo biến tường rào, cổng, cột thờ Trời trước sân thành những mảng xanh đầy sức sống. Cư dân Lệ Thủy từ hàng trăm năm trước đã làm nhà làm lối đi theo quy hoạch khá khoa học. Dọc theo sông là đường cái quan nhánh của cái quan là ngõ xóm. Các con ngõ được làm song song với nhau nối từ đường cái quan ra đồng.
Chúng tôi dừng chân ở làng An Xá, làng có cổng và ngôi chùa nhìn xa rất thanh thoát. Màu ngói đỏ ẩn hiện sau hàng cau lúc nào cũng gợi cảm giác thanh bình. Người dân An Xá chủ yếu sống bằng nghề dệt chiếu bởi ruộng đồng quá nhỏ hẹp. Làng chỉ có hai xóm. Xóm trên xóm dưới (tính theo dòng chảy của sông Kiến Giang) cách nhau một quãng đất hoang chuyên để gieo mạ, bờ đất có nhiều cây thân gỗ và bụi bờ rậm rạp. Vùng đất này có cái tên nghe rất xưa: “Đơờng đơờng”, chắc là trong vốn từ Việt cổ hoặc tiếng Chăm. Đền và chùa trong làng đều có tuổi đời hơn trăm năm. Chùa An Xá là một trong những công trình văn hóa Phật giáo hiếm hoi trên đất Quảng Bình còn giữ được gần như nguyên bản kiểu cách thiết kế của một ngôi chùa cổ. Án ngữ trước mặt tiền ngôi chùa là bức bình phong được xây dựng bằng gạch đá vững chắc. Sát hiên phải của chùa có một cây dừa được các phụ lão trồng cách đây 60 năm. Điều đặc biệt là đến năm 1994, cây dừa tự nhiên tách thành hai ngọn và sống khỏe mạnh cho đến hôm nay. Sinh thời, Đại tướng Võ Nguyên Giáp mỗi lần về thăm quê đều đến vãn cảnh chùa…
Từ An Xá, nhìn sang bên kia con hói là làng Tuy Lộc. Hói theo tiếng địa phương là một con sông nhỏ, thường để nối sông Kiến Giang với cánh đồng. Cửa hói giữa An Xá và Tuy Lộc có một công trình bê tông mang cái tên rất dữ dội: Pháo đài. Thực ra đó là một đồn lính thời Pháp nhằm trấn giữ đường thủy từ Đồng Hới lên ngược sông Kiến Giang lên huyện lỵ. Pháo đài sau này bị san phẳng, chỉ còn là một tảng bê tông lớn nằm nghiêng mép nước, tiện cho các dì các o ra giặt giũ. Mảnh đất Lệ Thủy được tạo hóa ban phú cho dòng Kiến Giang và một hệ thống các con hói chằng chịt, nhất là phía tả ngạn dòng sông. Xưa, cứ mỗi độ mùa về, dòng Kiến Giang lại đông vui rộn rã với những chiếc thuyền chở lúa vàng trĩu hạt. Những chuyến đò chở ấm no, đủ đầy ấy lại xuôi theo các con hói rẽ về các làng, neo đậu lại ở các bến bãi rợp bóng mát…
- Triệu Sơn, Ảnh Trần Long, Bình Lệ Nguyên
Xem thêm:
Sông Chày – hang Tối, điểm du lịch hấp dẫn ở Quảng Bình
Núi Thần Đinh, cảnh đẹp Quảng Bình