Thời gian qua, một số lô gạo Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ đã bị trả về, khiến nhiều chuyên gia trong ngành lo lắng về nguy cơ xuất khẩu gạo vào Mỹ gặp khó khăn, thậm chí có thể bị cấm nhập khẩu.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mới đây đã phát đi cảnh báo tới các doanh nghiệp xuất khẩu gạo sang thị trường Mỹ, cần lưu ý trước khi xuất khẩu phải kiểm tra, giám định kỹ dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong các lô hàng, tránh để bị nước nhập khẩu trả về.
Cụ thể, qua kiểm tra của Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA), có tám hoạt chất trong gạo Việt Nam khi xuất sang Mỹ vượt mức giới hạn cho phép, tất cả hoạt chất này đều có trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng ở Việt Nam.
Hiện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã cử đoàn công tác sang Mỹ giải quyết các vấn đề liên quan đến các lô hàng bị trả về. Sự việc cho thấy phần nào lỗ hổng trong việc xuất khẩu gạo sang Mỹ, đặt ra yêu cầu bức thiết trong việc đồng bộ hóa, thống nhất danh mục thuốc bảo vệ thực vật cho phép sử dụng giữa hai nước, để tránh xảy ra tình trạng hàng xuất đi bị trả về.
Thông tin từ FDA được Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) dẫn lại cho thấy, chỉ tính riêng trong bốn tháng đầu năm 2016, đã có 95 container (tương đương với hơn 1.700 tấn) gạo từ Mỹ bị trả về, chủ yếu là gạo thơm jasmine, gạo tấm jasmine, gạo lứt và gạo trắng chất lượng cao.
Mỹ là thị trường gạo tiềm năng của Việt Nam, nhưng đây là thị trường yêu cầu chất lượng cao, có nhiều rào cản kỹ thuật. Do đó, đã có nhiều lô hàng gạo xuất khẩu sang Mỹ bị trả về do nhiễm các dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và vi phạm các yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm của nước này.
Theo FDA, tính từ năm 2012 đến tháng 8-2016, có tổng số 16 doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam sang thị trường Mỹ bị trả về, với tổng số 412 container, tương ứng gần 10.000 tấn gạo.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, tám tháng năm 2016, lượng xuất khẩu gạo cả nước là 3,37 triệu tấn, giảm 16,6%, đạt giá trị 1,51 tỉ USD, giảm 13% so với cùng kỳ năm trước.
Các thị trường xuất khẩu chính của gạo Việt Nam trong thời gian này là Trung Quốc (1,18 triệu tấn), Ghana (343 nghìn tấn), Indonesia (359 nghìn tấn), Cuba (294 nghìn tấn)…
Riêng thị trường Mỹ chiếm một tỷ trọng nhỏ trong xuất khẩu gạo Việt, với 22.084 tấn, đạt giá trị gần 12,2 triệu USD, giảm mạnh so với mức 33.000 tấn và 18,7 triệu USD của cùng kỳ năm ngoái.
Có một sự trùng hợp nào đó khi tại hội thảo “Phát triển thị trường nông sản sạch và Nông sản an toàn hữu cơ” của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn diễn ra ngày 7-10, nhiều chuyên gia trong ngành nhắc đến những diễn biến đáng lo trong việc xuất khẩu gạo vốn là niềm tự hào của Việt Nam khi nhiều năm ở vị trí hàng đầu.
Các chuyên gia cho rằng gạo Việt đang dần bước qua thời kỳ huy hoàng và rơi vào thế bế tắc cả thị trường nội địa lẫn nước ngoài.
Trên thị trường quốc tế, gạo Việt đang bị các đối thủ như Campuchia, Thái Lan lấy mất dần thị phần. Cuộc cạnh tranh thị phần càng khốc liệt khiến gạo xuất khẩu đang giảm mạnh cả về lượng và chất.
Cụ thể, theo báo cáo mới nhất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong chín tháng qua, khối lượng xuất khẩu gạo ước đạt 3,76 triệu tấn, thu về 1,69 tỉ USD, so với cùng kỳ đã giảm 16,4% về khối lượng và giảm 12,5% về giá trị.
Trong khi đó, theo báo cáo của VFA, sáu tháng đầu năm 2016, đã có hơn 500 container gạo thơm của Việt Nam bị các đối tác trả về do không đạt tiêu chuẩn chất lượng. Nhiều đơn hàng xuất khẩu gạo thơm của các doanh nghiệp xuất khẩu gạo có tiếng tăm qua các thị trường đã bị trả về vì bị dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, phải bán trong nội địa.
Mặt khác, thị trường gạo trong nước lại phải đối mặt với nguy cơ mất sân nhà vì gạo ngoại đang có xu hướng xâm lấn. Các thương hiệu gạo Sóc Miên, Sa Mơ, Móng Chim… nhập từ Campuchia hay các thương hiệu gạo Thái Lan cũng được nhập về ồ ạt, bán lẻ tràn lan.
Giáo sư Võ Tòng Xuân, nhà nông học uy tín, cho rằng có rất nhiều nguyên nhân khiến gạo Việt lâm vào cảnh bế tắc đầu ra cả trong lẫn ngoài, chẳng hạn bà con nông dân tự do sản xuất, ai thích trồng gì thì trồng, không theo quy hoạch. Đến lúc lúa bị sâu bệnh thì vào cửa hàng thuốc bảo vệ thực vật mua vô tội vạ, nghe người bán quảng cáo loại thuốc diệt sâu tốt nhất thì mua dẫn đến việc gạo Việt mất an toàn vệ sinh thực phẩm.
Ông Xuân nói tại các vùng sản xuất lúa chuyên canh, bà con nông dân vẫn còn tự hào với phương thức canh tác cổ truyền, không chịu để lớp người trẻ đưa phương thức canh tác mới vào thay thế. Do đó, giá thành sản xuất luôn cao mà chất lượng gạo vẫn kém.
Trong một diễn biến liên quan đến hàng xuất khẩu, tính đến tháng 9-2016, số lô hàng thủy sản Việt Nam vào thị trường EU bị cảnh báo về dư lượng kim loại nặng (thủy ngân và cadmium) đã tăng gấp 2,2 lần so với cả năm 2015. Thông tin này được Cục quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Nafiqad) thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công bố vào cuối tuần qua. Từ tháng 1 đến tháng 9-2016, đơn vị này đã nhận được thông tin về 11 lô hàng thủy sản của Việt Nam xuất khẩu vào EU bị cảnh báo như trên, tăng 2,2 lần so với cả năm 2015.
Tuy nhiên, thông tin công bố từ Nafiqad không cho biết cụ thể về chủng loại thủy sản, khối lượng cũng như xuất phát từ doanh nghiệp nào của Việt Nam có lô hàng đã bị EU cảnh báo.
Theo Nafiqad, số lô hàng thủy sản bị cảnh báo kim loại nặng bắt đầu tăng mạnh từ thời điểm cơ quan thẩm quyền EU có văn bản cảnh báo hồi tháng 5-2016 yêu cầu các nước thành viên tăng cường kiểm tra kim loại nặng đối với thủy sản của Việt Nam xuất khẩu vào EU.
Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn, văn bản này dành cho các nước thành viên đề nghị kiểm soát chặt chẽ các lô hàng thủy sản nhập khẩu từ Việt Nam, xuất phát từ việc cá chết ở một số tỉnh khu vực miền Trung do sự cố môi trường biển hồi tháng 4 vừa qua.
Để tránh bị cơ quan thẩm quyền của EU tiếp tục cảnh báo các chỉ tiêu kim loại nặng, ảnh hưởng không tốt đến hình ảnh của thủy sản Việt Nam và việc tìm kiếm khách hàng, Nafiqad đã yêu cầu các doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu vào EU rà soát lại chương trình quản lý chất lượng, thiết lập và thực hiện các biện pháp tăng cường kiểm soát mối nguy kim loại nặng, trong đó, đặc biệt lưu ý đến việc kiểm soát nguồn gốc nguyên liệu thủy hải sản nhập về nhà máy để chế biến.
Đối với các trung tâm chất lượng nông lâm thủy sản vùng, Nafiqad yêu cầu tiếp tục triển khai chặt chẽ hoạt động kiểm tra, chứng nhận lô hàng thủy sản xuất khẩu, trong đó, lưu ý ưu tiên lấy mẫu thẩm tra chỉ tiêu kim loại nặng đối với các lô hàng có thành phần nguyên liệu hải sản được nuôi trồng, khai thác, đánh bắt tại vùng biển các tỉnh miền Trung.
Gia Minh (DNSGCT)